23:15 17/05/2007

Kinh tế châu Phi đang phát triển

Nguyễn Thế Nghiệp

Châu Phi là thị trường được nhiều nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) quan tâm

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (phải) và Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi tổ chức tại Bắc Kinh.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (phải) và Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi tổ chức tại Bắc Kinh.
Báo cáo về triển vọng kinh tế châu Phi của Ngân hàng phát triển châu Phi (AfDB) và Trung tâm phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, kinh tế châu Phi đang phát triển, dự báo tăng trưởng 5,9% năm 2007 và tăng 5,7% năm 2008.

Còn Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng kinh tế châu Phi có thể tăng 7% năm 2007, so với mức tăng 5,7% năm 2006.

Châu Phi là thị trường được nhiều nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) quan tâm, muốn mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Sau hội nghị thường niên Ngân hàng phát triển châu Phi (AfDB) diễn ra tại Tây Ban Nha năm 2001, năm nay Hội nghị thường niên AfDB diễn ra tại Trung Quốc từ ngày 16-17/5.

Với chủ đề “Châu Phi và châu Á: Các đối tác trong quá trình phát triển”, hội nghị đã thảo luận các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng châu Phi, hội nhập khu vực và giảm đói nghèo. Bên lề hội nghị đã diễn ra các cuộc hội thảo cơ hội kinh doanh, khai thác các tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa châu Phi với Trung Quốc và với nhiều nước khác.

Ra đời từ năm 1964, ban đầu có 23 nước thành viên tham gia, AfDB đã có nhiều hoạt động tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội thông qua các khoản tín dụng, đầu tư cổ phần và trợ giúp kỹ thuật. AfDB đã tài trợ cho hơn 3.100 dự án với tổng trị giá lên tới 55,2 tỷ USD. Khu vực Bắc Phi đã nhận được 17 tỷ USD, chiếm hơn 1/3 giá trị danh mục đầu tư của ngân hàng này. Khu vực Tây Phi nhận được 25% tổng giá trị tín dụng, trong đó Nigeria nhận được nhiều nhất.

Tháng 4/2007, AfDB đã cùng các nhà đầu tư thành lập Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng Liên châu Phi (PAIDF) hỗ trợ cho các dự án phát triển quy mô lớn, nhất là về năng lượng và đường giao thông. Mới đây AfDB đã cấp tín dụng 150 triệu USD cho dự án khai thác niken của Madagasca và cấp tín dụng 110 triệu USD giúp Uganda xây dựng nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện.

Giám đốc Trung tâm Phát triển của OECD, Louka Katseli nhận xét Trung Quốc có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế châu Phi. Có một sự liên hệ rõ ràng giữa phát triển kinh tế châu Phi trong mấy năm gần đây với đà tăng trưởng mạnh kinh tế Trung Quốc.

Năm 2006, kim ngạch thương mại Trung Quốc – châu Phi tăng 40% so với năm 2005, đạt 5,5 tỷ USD. Nhập khẩu của Trung Quốc từ châu Phi tăng 43% lên 28,8 tỷ USD. Trung Quốc đã áp dụng mức thuế 0% đối với lượng hàng hoá lớn nhập khẩu từ 28 quốc gia kém phát triển tại châu lục này. Chính sách ưu đãi thuế đã mang lại 250 triệu USD cho châu Phi năm 2006.

Nhà tư vấn về kinh tế châu Phi tại WB, Harry G.Broadman nói, thị trường Trung Quốc đang tác động tích cực tới kinh tế các nước châu Phi. Ông cho rằng việc gia tăng hoạt động thương mại Trung Quốc- châu Phi và sự đầu tư bền vững của Trung Quốc vào châu Phi đang thúc đẩy hội nhập của kinh tế châu Phi với kinh tế thế giới. Theo thống kê, Trung Quốc đã đầu tư 900 dự án tại châu Phi, với tổng giá trị 11,7 tỷ USD.

Kể từ năm 2000, các doanh nghiệp Trung Quốc đã ký hợp đồng xây dựng hơn 6.000 km đường cao tốc, 3.000 km đường sắt và 8 nhà máy điện quy mô vừa và lớn. Chính phủ Trung Quốc đề ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai bên lên 100 tỷ USD vào năm 2010.

Nhật Bản đang có nhiều động thái mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với châu Phi. Báo Mainichi (Nhật Bản) ngày 14/5 cho biết Chính phủ nước này quyết định phối hợp với các tổ chức quốc tế để tổ chức hội nghị về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 4 tại thành phố Yokohama trong thời gian tới. Các quan chức ngoại giao Nhật Bản cho biết chủ đề chính của hội nghị lần này tập trung thảo luận các vấn đề phát triển kinh tế châu Phi, bảo vệ môi trường và giảm đói nghèo.

Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nước ta với châu Phi đang phát triển, nhất là trong những năm gần đây sau khi Việt Nam tổ chức hội thảo “ Cơ hội hợp tác và phát triển Việt Nam- châu Phi đầu thế kỷ 21 ” và thực hiện “Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy hợp tác Việt Nam-châu Phi giai đoạn 2004-2010 ”. Kim ngạch buôn bán hai chiều tăng từ 360 triệu USD năm 2003 lên 918,6 triệu USD năm 2005 và đạt 1 tỷ USD năm 2006.

Petro Việt Nam đã đầu tư khai thác dầu khí tại Angerie, trị giá 200 triệu USD và tiến hành đàm phán triển khai hợp tác trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí với một số đối tác trong khu vực như Negeria, Madagasca...

Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia và đưa hàng nghìn lao động đến làm việc tại một số nước ở châu Phi. Khắc phục những khó khăn, tồn tại, trong thời gian tới Việt Nam và châu Phi dự kiến sẽ thúc đẩy hợp tác trao đổi thương mại, đầu tư, du lịch, xuất khẩu lao động, hợp tác chuyên gia và trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, đào tạo.