Kinh tế Mỹ cần nhiều hơn chính sách nới lỏng định lượng
Tuy cần thiết, nhưng bản thân chính sách nới lỏng định lượng sẽ không thể đem tới sự phục hồi mạnh mẽ cho kinh tế Mỹ
Một gói nới lỏng định lượng là cần thiết cho Mỹ vào thời điểm này, nhưng bản thân chính sách này sẽ không thể đem tới sự phục hồi mạnh mẽ cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, tạp chí The Economist nhận định.
Một trong số ít những người được ca tụng sau khủng hoảng tài chính là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke. Ông được đánh giá cao vì đã ra quyết định bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ, làm gia tăng tính thanh khoản cho thị trường tài chính đang đóng băng.
Cuối năm 2008, ông tung ra chính sách nới lỏng định lượng, mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ và các loại trái phiếu bảo đảm bằng nợ địa ốc như một biện pháp cản đà leo thang của suy thoái kinh tế. Theo cách nhìn nhận chung, những biện pháp này đã giúp ngăn chặn nguy cơ xảy ra một thảm họa kinh tế toàn cầu.
Vào thời điểm hiện nay, ông Bernanke lại phải đối mặt với những áp lực phải mạnh tay hành động thêm lần nữa. Mặc dù kinh tế Mỹ không còn đứng bên bờ vực của sự suy sụp như trước, nhưng vẫn chưa thể đạt tới sự phục hồi vững chắc.
Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này hiện đứng ở mức 9,6%, cao hơn 5% so với thời điểm trước khủng hoảng. Tốc độ tăng GDP cũng chưa đủ mạnh để giảm tỷ lệ số người không công ăn việc làm xuống. Sự ảm đạm của tăng trưởng dẫn tới tỷ lệ lạm phát thấp tới mức đáng lo ngại. Giá tiêu dùng lõi của Mỹ chỉ tăng có 0,8% trong vòng 1 năm trở lại đây.
Bởi vậy, thị trường kỳ vọng FED sẽ công bố một đợt bơm tiền mua tài sản mới - được coi là gói nới lỏng định lượng thứ hai - sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 11 diễn ra vào hôm nay và ngày mai.
The Economist cho rằng, lần nới lỏng định lượng này của FED ít có khả năng phát huy tác dụng được như lần trước. Thị trường tài chính đã mạnh hơn so với thời điểm hai năm trước, nên có ít cơ hội cho FED tạo ra cho nền kinh tế một cú bật mạnh mẽ thông qua tăng cường thanh khoản.
Một phần cơ chế hoạt động của chính sách nới lỏng định lượng là làm giảm lãi suất dài hạn, nhưng càng vận dụng nhiều tới chính sách này thì phần hiệu quả tăng thêm càng có chiều hướng giảm đi.
Bên cạnh đó, nới lỏng định lượng còn có nguy cơ gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Về lý thuyết, việc FED mua tài sản sẽ giúp hỗ trợ cho kinh tế Mỹ bằng cách đẩy giá tài sản tăng và tỷ giá USD đi xuống, nhưng cũng có thể tạo ra tốc độ leo thang chóng mặt của giá hàng hóa cơ bản và châm ngòi cho sự hình thành bong bóng tài sản ở các nền kinh tế mới nổi.
Quy mô bảng cân đối tài chính của FED tăng may cũng có thể làm gia tăng những nỗi lo ngại rằng, chính sách nới lỏng định lượng sẽ làm bùng nổ lạm phát, đưa tốc độ tăng giá ra ngoài tầm kiểm soát.
Bất chấp những rủi ro này, chương trình nới lỏng định lượng thứ hai là việc FED cần làm. Giảm phát là một mối lo lớn hơn lạm phát đối với kinh tế Mỹ lúc này. Giảm phát sẽ khiến người Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn trong nỗ lực giảm gánh nặng nợ nần, và sự kết hợp giữa giảm phát và đình trệ tăng trưởng ở nước Mỹ sẽ có tác động bất lợi đối với cả thế giới. Do lạm phát lõi ở Mỹ đang có nguy cơ giảm về 0%, việc FED có biện pháp ngăn chặn trước bằng con đường nới lỏng định lượng là việc làm đúng đắn.
Rủi ro lớn hơn của nới lỏng định lượng không phải là việc chi phí của kế hoạch này sẽ vượt quá những lợi ích nó đem lại, mà là các chính trị gia của nước Mỹ sẽ đặt kỳ vọng quá lớn vào kế hoạch. Mặc dù nới lỏng định lượng là một vũ khí mạnh chống giảm phát, sức mạnh hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của chính sách này lại là hạn chế.
Nới lỏng định lượng có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua làm suy yếu đông USD và thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều hộ gia đình của Mỹ không thể vay nợ, nhiều hộ khác muốn trả hết nợ, còn các doanh nghiệp thì tích lũy nhiều tiền mặt, mức lãi suất thấp có lẽ chỉ phát huy tác dụng khiêm tốn.
Bởi vậy, The Economist cho rằng, thay vì chỉ dựa vào FED và ông Bernanke, Chính phủ Mỹ cần bổ trợ cho chính sách nới lỏng định lượng bằng biện pháp kích thích tài khóa ngắn hạn. Gói kích thích kinh tế đầu tiên của Mỹ giờ đã kết thúc và một phần không nhỏ trong kế hoạch đã bị cắt giảm vì tình trạng thiếu hụt ngân sách ở các bang và địa phương.
Bởi vậy, một gói kích thích tài khóa mới kết hợp với những biện pháp mang tính cơ cấu - như khuyến khích các ngân hàng giảm tiền gốc các khoản vay thế chấp nhà, để những con nợ địa ốc với giá trị khoản vay lớn hơn giá trị nhà có cơ hội tìm việc làm - sẽ giúp làm giảm tỷ lệ thất nghiệp nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ vẫn chần chừ vì lo ngại thâm hụt ngân sách gia tăng sẽ không có lợi về mặt chính trị.
Người Mỹ đúng khi cho rằng nợ công là một vấn đề lớn trong dài hạn. Nhưng tăng trưởng lại là một vấn đề quan trọng trong ngắn hạn. Hai vấn đề này có thể được giải quyết đồng thời, bằng cách áp dụng một kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách trung hạn đáng tin cậy, tương tự như kế hoạch mà Chính phủ Anh đã công bố.
Để làm được điều này, đòi hỏi các chính trị gia của Washington cần có sự quyết tâm, vì một kế hoạch như vậy đòi hỏi cắt giảm lương hưu và các chế độ phúc lợi khác - điều mà các cử tri Mỹ không mong muốn. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay đã đúng là lúc để Chính phủ Mỹ hạ quyết tâm đó.
Một trong số ít những người được ca tụng sau khủng hoảng tài chính là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke. Ông được đánh giá cao vì đã ra quyết định bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ, làm gia tăng tính thanh khoản cho thị trường tài chính đang đóng băng.
Cuối năm 2008, ông tung ra chính sách nới lỏng định lượng, mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ và các loại trái phiếu bảo đảm bằng nợ địa ốc như một biện pháp cản đà leo thang của suy thoái kinh tế. Theo cách nhìn nhận chung, những biện pháp này đã giúp ngăn chặn nguy cơ xảy ra một thảm họa kinh tế toàn cầu.
Vào thời điểm hiện nay, ông Bernanke lại phải đối mặt với những áp lực phải mạnh tay hành động thêm lần nữa. Mặc dù kinh tế Mỹ không còn đứng bên bờ vực của sự suy sụp như trước, nhưng vẫn chưa thể đạt tới sự phục hồi vững chắc.
Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này hiện đứng ở mức 9,6%, cao hơn 5% so với thời điểm trước khủng hoảng. Tốc độ tăng GDP cũng chưa đủ mạnh để giảm tỷ lệ số người không công ăn việc làm xuống. Sự ảm đạm của tăng trưởng dẫn tới tỷ lệ lạm phát thấp tới mức đáng lo ngại. Giá tiêu dùng lõi của Mỹ chỉ tăng có 0,8% trong vòng 1 năm trở lại đây.
Bởi vậy, thị trường kỳ vọng FED sẽ công bố một đợt bơm tiền mua tài sản mới - được coi là gói nới lỏng định lượng thứ hai - sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 11 diễn ra vào hôm nay và ngày mai.
The Economist cho rằng, lần nới lỏng định lượng này của FED ít có khả năng phát huy tác dụng được như lần trước. Thị trường tài chính đã mạnh hơn so với thời điểm hai năm trước, nên có ít cơ hội cho FED tạo ra cho nền kinh tế một cú bật mạnh mẽ thông qua tăng cường thanh khoản.
Một phần cơ chế hoạt động của chính sách nới lỏng định lượng là làm giảm lãi suất dài hạn, nhưng càng vận dụng nhiều tới chính sách này thì phần hiệu quả tăng thêm càng có chiều hướng giảm đi.
Bên cạnh đó, nới lỏng định lượng còn có nguy cơ gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Về lý thuyết, việc FED mua tài sản sẽ giúp hỗ trợ cho kinh tế Mỹ bằng cách đẩy giá tài sản tăng và tỷ giá USD đi xuống, nhưng cũng có thể tạo ra tốc độ leo thang chóng mặt của giá hàng hóa cơ bản và châm ngòi cho sự hình thành bong bóng tài sản ở các nền kinh tế mới nổi.
Quy mô bảng cân đối tài chính của FED tăng may cũng có thể làm gia tăng những nỗi lo ngại rằng, chính sách nới lỏng định lượng sẽ làm bùng nổ lạm phát, đưa tốc độ tăng giá ra ngoài tầm kiểm soát.
Bất chấp những rủi ro này, chương trình nới lỏng định lượng thứ hai là việc FED cần làm. Giảm phát là một mối lo lớn hơn lạm phát đối với kinh tế Mỹ lúc này. Giảm phát sẽ khiến người Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn trong nỗ lực giảm gánh nặng nợ nần, và sự kết hợp giữa giảm phát và đình trệ tăng trưởng ở nước Mỹ sẽ có tác động bất lợi đối với cả thế giới. Do lạm phát lõi ở Mỹ đang có nguy cơ giảm về 0%, việc FED có biện pháp ngăn chặn trước bằng con đường nới lỏng định lượng là việc làm đúng đắn.
Rủi ro lớn hơn của nới lỏng định lượng không phải là việc chi phí của kế hoạch này sẽ vượt quá những lợi ích nó đem lại, mà là các chính trị gia của nước Mỹ sẽ đặt kỳ vọng quá lớn vào kế hoạch. Mặc dù nới lỏng định lượng là một vũ khí mạnh chống giảm phát, sức mạnh hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của chính sách này lại là hạn chế.
Nới lỏng định lượng có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua làm suy yếu đông USD và thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều hộ gia đình của Mỹ không thể vay nợ, nhiều hộ khác muốn trả hết nợ, còn các doanh nghiệp thì tích lũy nhiều tiền mặt, mức lãi suất thấp có lẽ chỉ phát huy tác dụng khiêm tốn.
Bởi vậy, The Economist cho rằng, thay vì chỉ dựa vào FED và ông Bernanke, Chính phủ Mỹ cần bổ trợ cho chính sách nới lỏng định lượng bằng biện pháp kích thích tài khóa ngắn hạn. Gói kích thích kinh tế đầu tiên của Mỹ giờ đã kết thúc và một phần không nhỏ trong kế hoạch đã bị cắt giảm vì tình trạng thiếu hụt ngân sách ở các bang và địa phương.
Bởi vậy, một gói kích thích tài khóa mới kết hợp với những biện pháp mang tính cơ cấu - như khuyến khích các ngân hàng giảm tiền gốc các khoản vay thế chấp nhà, để những con nợ địa ốc với giá trị khoản vay lớn hơn giá trị nhà có cơ hội tìm việc làm - sẽ giúp làm giảm tỷ lệ thất nghiệp nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ vẫn chần chừ vì lo ngại thâm hụt ngân sách gia tăng sẽ không có lợi về mặt chính trị.
Người Mỹ đúng khi cho rằng nợ công là một vấn đề lớn trong dài hạn. Nhưng tăng trưởng lại là một vấn đề quan trọng trong ngắn hạn. Hai vấn đề này có thể được giải quyết đồng thời, bằng cách áp dụng một kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách trung hạn đáng tin cậy, tương tự như kế hoạch mà Chính phủ Anh đã công bố.
Để làm được điều này, đòi hỏi các chính trị gia của Washington cần có sự quyết tâm, vì một kế hoạch như vậy đòi hỏi cắt giảm lương hưu và các chế độ phúc lợi khác - điều mà các cử tri Mỹ không mong muốn. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay đã đúng là lúc để Chính phủ Mỹ hạ quyết tâm đó.