09:59 05/02/2007

Kinh tế Mỹ mạnh hơn dự báo

Trung Việt

Trái với các dự đoán bi quan, kinh tế Mỹ năm 2006 vẫn đạt mức tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức tăng trưởng của năm 2005

Phố Wall - trung tâm tài chính chứng khoán Mỹ.
Phố Wall - trung tâm tài chính chứng khoán Mỹ.

Trái với các dự đoán bi quan, kinh tế Mỹ năm 2006 vẫn đạt mức tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức tăng trưởng của năm 2005.

Bất chấp bầu không khí ảm đạm trên chính trường Mỹ, và sự ế ẩm của thị trường bất động sản, bức tranh kinh tế Mỹ thời điểm đầu năm 2007 vẫn nhiều điểm sáng. Tỷ lệ thất nghiệp giảm, thu nhập của người dân tăng, kim ngạch xuất khẩu đạt cao...

Kinh tế lành mạnh, sức ép lạm phát giảm

Hôm 31/1, Tổng thống Mỹ George Bush đã có bài phát biểu tại phố Wall (New York) về thực trạng kinh tế đất nước, đồng thời nêu các ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế.

Theo ông Bush, từ tháng 8/2003 tới nay, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 7,2 triệu việc làm mới. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 12/2006 là 4,5%, thấp hơn đáng kể so với mức thất nghiệp trung bình 5,1% của năm 2005 và của nhiều năm trước. Mức lương thực tế theo tuần tăng 1,7% trong cả năm 2006. Tỷ lệ này tăng ổn định và nhanh hơn mức tăng trung bình trong những năm thập niên 90 của thế kỷ trước.

Thu nhập bình quân của mỗi gia đình lao động Mỹ tăng thêm 1.030 USD/năm; thu nhập cá nhân sau khi trừ thuế tính theo đầu người cũng tăng trên 2.800 USD (tăng 9,6%). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2006 đạt 1,3 nghìn tỷ USD.

Những dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và sức ép lạm phát giảm đã khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ngày 31/1 đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 5,25% trước. Đây là cuộc họp thứ 5 liên tiếp FED đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất kể từ tháng 8/2006 do các dữ liệu của chính phủ cho thấy GDP của Mỹ đã tăng nhanh hơn dự đoán ở mức 3,5% trong quý IV/2006, chủ yếu nhờ tiết kiệm chi tiêu, giá xăng dầu giảm và tiền lương tăng.

Như vậy trong cả năm 2006, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 3,4%, cao hơn 0,2% so với năm 2005 và là mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2004. Nhiều nhà phân tích đã phải chuyển dự đoán FED sẽ cắt giảm ba lần lãi suất trong năm 2007 sang việc FED sẽ giữ nguyên lãi suất trong một giai đoạn nhất định.

Theo FED, các chỉ số gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ vững hơn và thị trường nhà đất dường như có dấu hiệu ổn định trở lại. Kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng vừa phải trong một vài tháng tới.

Thị trường chứng khoán phố Wall đã có phản ứng tích cực sau quyết định giữ nguyên lãi suất của FED, do đã có câu trả lời cho hai mối quan tâm chủ chốt của thị trường. Đó là kinh tế Mỹ vẫn lành mạnh và sức ép lạm phát dịu bớt. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đã tăng gần 100 điểm lên 12.621,69 điểm khi thị trường đóng cửa giao dịch phiên cuối cùng của tháng 1.

Nhìn chung các thị trường chứng khoán Mỹ đã có sự khởi đầu tốt đẹp ngay từ tháng đầu tiên của năm, với chỉ số Dow Jones tăng 1,28%, còn hai chỉ số Nasdaq và S & P 500 cũng tăng tương ứng 2,01% và 1,41%. Tuy nhiên, việc FED quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% lại làm đồng USD giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trong.

Ưu tiên thúc đẩy đàm phán thương mại

Với mục tiêu cân bằng ngân sách, Tổng thống Bush tiếp tục đề xuất các chủ trương hỗ trợ phát triển kinh tế và hạn chế chi tiêu, áp dụng những biện pháp cải cách nhằm ngăn chặn thất thu thuế từ một số chương trình xã hội. Để thúc đẩy kinh tế phát triển, ông Bush kêu gọi Quốc hội gia hạn "quy chế đàm phán thương mại nhanh", sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2007, đồng thời trao thêm quyền hạn cho ông trong các cuộc đàm phán tự do thương mại.

Theo quy chế này, Quốc hội chỉ có quyền chấp thuận hay bác bỏ, chứ không được sửa đổi từng điều khoản của các hiệp định thương mại mà Chính phủ đã ký với nước ngoài.

Tổng thống Bush hy vọng việc gia hạn đặc quyền này sẽ góp phần tăng thêm cơ hội làm việc cho người lao động Mỹ và giúp các quốc gia đối tác thương mại của Mỹ ''tiến nhanh hơn tới các mục tiêu tự do và công bằng thương mại''.

Ông Bush ủng hộ các nỗ lực nhằm nhanh chóng nối lại vòng đàm phán Doha về tự do thương mại toàn cầu, bị ngừng trệ từ tháng 7 năm ngoái do các đối tác thương mại chủ chốt không tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề quan trọng.

Liên quan đến lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, Tổng thống Bush một lần nữa nêu lại kế hoạch giảm 20% lượng xăng dầu tiêu thụ trong vòng 10 năm và giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn năng lượng nhập khẩu.