09:46 03/03/2008

Kinh tế Mỹ và những biểu hiện suy thoái

Quốc Trung

Tốc độ tăng GDP trong 3 tháng cuối năm 2007 của Mỹ chỉ đạt 0,6%, so với mức dự báo vốn đã thấp 0,7% công bố trước đó

Lạm phát ở Mỹ trong năm ngoái ở mức cao nhất kể từ năm 1990.
Lạm phát ở Mỹ trong năm ngoái ở mức cao nhất kể từ năm 1990.
Tốc độ tăng GDP trong 3 tháng cuối năm 2007 của Mỹ chỉ đạt 0,6%, so với mức dự báo vốn đã thấp 0,7% công bố trước đó; số nhà bị tịch thu do không thể trả nợ trong tháng 1/2008 tăng tới 57% so với cùng kỳ; chỉ số lòng tin của người tiêu dùng giảm mạnh...

Đó là những minh chứng cho thấy kinh tế Mỹ đang có biểu hiện suy thoái. Bên cạnh đó, giá bán xỉ hàng hóa tiêu dùng tại Mỹ tăng với tốc độ cao nhất trong 25 năm, kinh doanh nhà đất ế ẩm khiến giá nhà tiếp tục đà sụt giảm lớn nhất trong 20 năm qua, trong khi thị trường lao động có chiều hướng khó khăn hơn.

Các hoạt động kinh tế sẽ ỳ ạch hơn

Thực trạng nêu trên đã khiến Tổng thống Mỹ George W. Bush trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 28/2 thừa nhận kinh tế Mỹ đã và đang có chiều hướng phát triển chậm lại.

Nhưng ông không nhất trí với nhận định cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang hướng tới một thời kỳ suy thoái. Ông Bush hy vọng, với kế hoạch kích thích tài chính cả gói 168 tỷ USD, từ giữa tháng 5 tới người dân và các doanh nghiệp Mỹ sẽ nhận được các tấm ngân phiếu của Chính phủ hoàn trả thuế năm 2007, đà xuống dốc hiện nay của nền kinh tế Mỹ sẽ được ngăn chặn.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke, ngày 28/2, trong cuộc điều trần tại Quốc hội, cũng thừa nhận tình hình xấu đi trông thấy của nền kinh tế. Tuy nhiên, ông khẳng định thực trạng của nền kinh tế Mỹ hiện nay không tới mức nghiêm trọng như trước cuộc khủng hoảng trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước.

Tuyên bố của ông Bernanke về khả năng một số ngân hàng của Mỹ sẽ bị vỡ nợ do cuộc khủng hoảng tín dụng gần đây cùng với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, đã làm cho cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Mỹ trong ngày 28/2 đồng loạt sụt giảm khá mạnh .

Ông Bernanke nhận định trong thời gian tới các hoạt động kinh tế của Mỹ sẽ còn ỳ ạch hơn, nếu giá nhiên liệu và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác tiếp tục leo thang thì tình hình sẽ còn khó khăn hơn. Bernanke thừa nhận FED đang đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan, sẵn sàng cắt giảm lãi suất các khoản vay nóng giữa các ngân hàng thương mại để vực dậy nền kinh tế nhưng muốn kiềm chế lạm phát thì phải tăng lãi suất.

Khủng hoảng địa ốc ngày càng tệ hại

Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố báo cáo chỉnh sửa lần thứ 2 về kinh tế Mỹ trong quý IV/2007, cho biết tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 3 tháng cuối của năm ngoái chỉ đạt 0,6% so với mức vốn đã thấp 0,7% công bố trước đây. Tốc độ tăng GDP của Mỹ cả năm 2007 chỉ đạt 2,2% so với mức tăng 3,3% cả năm 2006. Đây là mức tăng GDP chậm nhất kể từ năm 2002.

Nguyên nhân chủ yếu khiến GDP của Mỹ trong quý 42007 tăng chậm là do lượng tiền chi tiêu và đầu tư vào lĩnh vực mua bán và xây dựng nhà mới giảm mạnh, khối lượng hàng hóa của các nhà máy, xí nghiệp cũng bị giảm.

Một dấu hiệu rõ nét về cuộc khủng hoảng ngày càng tệ hại trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc, Công ty RealtyTrac Inc. chuyên theo dõi về thị trường thế chấp tín dụng công bố số liệu thống kê cho biết, số lượng nhà bị tịch thu do chủ nhà không còn khả năng trả nợ trong tháng 1/2008 tăng tới 57% so với thời điểm cách đây một năm. Trong cả nước Mỹ, có tổng cộng 233.001 chủ nhân các ngôi nhà đã nhận được giấy báo tịch thu gán nợ trong tháng trước, so với 148.425 ngôi trong tháng 1/2007.

Cuộc khủng hoảng ngày càng tệ hại này trong lĩnh vực địa ốc là một nguyên nhân buộc FED phải cắt giảm tổng cộng 2,25% lãi suất các khoản vay nóng, từ mức 5,25% giữa tháng 9/2007 xuống mức hiện nay là 3,0% và sẽ còn phải cắt giảm tiếp.

Nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ đã làm căng thẳng thị trường lao động. Trong tuần lễ kết thúc ngày 23/2, số công nhân Mỹ nộp đơn xin bảo lãnh thất nghiệp tăng vọt lên 370.000 người so với mức dự kiến 350.000 người và đây là số thất nghiệp cao nhất trong một tuần lễ kể từ tháng 10/2005.

Đến ngày 16/2/2008 trên cả nước Mỹ có khoảng 2,81 triệu công nhân bị thất nghiệp. Chỉ số giá cả hàng tiêu dùng của Mỹ trong quý 42007 cũng tăng tới 2,7% so với mức tăng 2% trong quý trước.