16:17 02/07/2008

Kinh tế Mỹ: Vui đâu chưa thấy…

Kiều Oanh

Người Mỹ đang thiếu việc để làm, thiếu tiền để tiêu, khiến các doanh nghiệp nước này cũng điêu đứng theo

Người thất nghiệp ở Mỹ xếp hàng tham gia một hội trợ việc làm tại New York hồi tháng 5 - Ảnh: AP.
Người thất nghiệp ở Mỹ xếp hàng tham gia một hội trợ việc làm tại New York hồi tháng 5 - Ảnh: AP.
Loạt dữ liệu ảm đạm về doanh số mà các hãng xe hơi “thả bom” xuống thị trường Mỹ hôm thứ 3 là một bằng chứng rõ nét cho thấy bóng đêm vẫn đang tiếp tục đè nặng lên kinh tế nước này.

Cùng với đó, những khó khăn mà người lao động ở nước này phải đương đầu dường như mỗi lúc trở nên thêm căng thẳng.

Giá nhà trượt dốc thảm hại trong những tháng gần đây đã khiến hàng trăm ngàn người Mỹ phải mất việc. Họ là nhân viên làm việc trong các nhà bằng, nhân viên môi giới bất động sản, công nhân xây dựng tới những người làm việc trong ngành sản xuất đồ nội thất.

Các điều kiện tín dụng ngặt nghèo hơn do các ngân hàng đưa ra sau khi đã chịu những khoản thua lỗ nặng nề vì cho vay cầm cố quá dễ dãi trước đó đã khiến người Mỹ khó vay tiền, mà tiền đi vay chính là nguồn “nhựa sống” của sự tăng trưởng kinh tế Mỹ trong những năm gần đây.

Không vay được tiền, người tiêu dùng Mỹ đã thắt chặt chi tiêu, trong khi tiêu dùng chiếm tới 70% GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

U ám bức tranh thị trường lao động


Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang trên đà gia tăng, và giới chủ sử dụng lao động thậm chí còn cắt giảm số giờ làm việc của người lao động nhằm giảm thiểu số tiền lương phải trả ngay giữa lúc người lao động Mỹ cần tới công việc nhất.

Bổ sung thêm cho sự thật chẳng mấy dễ chịu này, ngay trong ngày đầu tiêng của tháng 7, hàng loạt hãng xe hơi tại Mỹ công bố doanh số bán hàng trong tháng 6 đáng buồn không kém. Đi đầu là Ford, với doanh số giảm 28%, tiếp đó là Toyota với 21% và GM với 18%.

Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang thắt lưng buộc bụng mỗi lúc một mạnh thêm, khiến các nhà sản xuất càng thiên về xu hướng cắt giảm sản xuất và thực hiện thêm nhiều đợt cắt giảm việc làm nữa. Cho tới gần đây, sự suy yếu của thị trường lao động Mỹ đã được chứng tỏ qua thái độ chần chừ thuê thêm nhân công mới của các công ty và thái độ mạnh mẽ của họ trong việc công bố những đợt sa thải lớn.

Trong những tháng qua, hàng loạt doanh nghiệp từ lớn đến bé của Mỹ đã “mạnh tay” sa thải, trong đó phải kể đến khối ngân hàng với các thành viên như Citigroup, JPMorgan Chase… và các hãng xe hơi Mỹ như Chrysler, Ford, GM…

Mới đây nhất, ngay trong ngày 1/7, hãng cà phê Starburks nổi tiếng của Mỹ cũng tuyên bố sa thải 12.000 nhân viên, tương đương khoảng 7% nhân lực của hãng trên toàn cầu, và đóng cửa 600 cửa hàng tại Mỹ vì lý do kinh tế Mỹ suy yếu nên kinh doanh của hãng gặp khó khăn.

Giới chuyên gia kinh tế cùng chia sẻ quan điểm chung cho rằng, những vấn đề đang kìm hãm kinh tế Mỹ sẽ chẳng dễ giải quyết, khiến tình trạng thắt chặt tín dụng kết hợp với cơ hội việc làm khan hiếm sẽ còn kéo dài tới tận sang năm.

“Đây là kiểu suy thoái chuyển biến chậm”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ Ethan Harris của Lehman Brothers nhận xét. Ông cho rằng: “Trong một đợt suy thoái bình thường, mọi thứ thường đi xuống rất nhanh chóng và nền kinh tế yếu đến nỗi không thể yếu hơn mà chỉ có thể phục hồi. Nhưng nước Mỹ không ở trong tình trạng kinh tế cổ điển đó trong 2 - 3 quý rồi.

Thay vào đó, nước Mỹ sẽ có khoảng 2 năm tăng trưởng chậm chạm, không đủ để tạo việc làm. Đây giống như một căn bệnh mãn tính hơn là một cơn đau dữ dội hẳn”. Harris dự báo kinh tế Mỹ sẽ còn tăng trưởng “ì ạch” và thị trường việc làm Mỹ sẽ còn co lại cho đến hết mùa thu năm sau.

Theo Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong tháng 5 so đã tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 5,5%. Con số này không bao gồm những người mất việc và đã từ bỏ ý định tìm việc làm, hoặc những người bị chuyển từ làm việc toàn thời gian sang làm việc bán thời gian. Nếu bổ sung thêm cả những đối tượng này, tỷ lệ khiếm dụng lao động (underemployment) có thể lên tới 9,7%, so với mức 8,3% của tháng 5/2007.

Goldman Sachs dự báo, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ sẽ lên tới đỉnh ở mức 6,4% vào cuối năm 2009 trước khi bức tranh thị trường lao động nước này sáng dần lên. Điều này có nghĩa là, thời kỳ cắt giảm việc làm quy mô lớn trong các doanh nghiệp Mỹ mới đi dược có nửa chặng đường.

“Thị trường lao động rõ ràng là đang xấu đi, và có khả năng rất cao sẽ còn tiếp tục xấu đi”, nhà kinh tế Andrew Tilton của Goldman Sachs nhận xét. Ông nói thêm: “Chắc chắn sự đi xuống của thị trường địa ốc và cuộc khủng hoảng tín dụng vẫn tiếp diễn. Không thể phủ nhận việc ngày càng có nhiều việc làm bị mất đi trong lĩnh vực địa ốc, xây dựng và tài chính. Đã có hàng trăm ngàn việc làm đã bị mất trong các lĩnh vực này”.

Thứ 5 tuần này, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo sơ bộ về tình hình thị trường việc làm tháng 6. Phần lớn giới quan sát đều dự báo, nước Mỹ đã mất thêm 60.000 việc làm nữa trong tháng 6, đánh dấu tháng thứ 6 suy giảm liên tiếp.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống chút ít sau khi đã tăng tới 0,5% trong tháng 5 so với tháng 4 - mức tăng hàng tháng mạnh nhất trong vòng 22 năm qua. Còn nếu tỷ lệ thất nghiệp duy trì hoặc tăng, điều đó có thể khiến thị trường hoảng sợ vì những ảnh hưởng tiêu cực từ sự đi xuống của tăng trưởng kinh tế càng được khẳng định.

Người Mỹ hết tiền tiêu?


“Tốc độ tăng lương chậm lại và tỷ lệ người có việc làm giảm xuống đúng là một thứ “thuốc độc” đối với các doanh nghiệp muốn bán hàng hóa cho người tiêu dùng”, chuyên gia kinh tế trưởng Ian Shepherdson của tổ chức High Frequency Economics nhận xét.

Những dấu hiệu gần đây càng khẳng định thêm quan điểm cho rằng thị trường việc làm Mỹ đang nằm trong gọng kìm của nền kinh tế đi xuống. Ba tuần liên tiếp, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã vượt mức 380.000, một mức độ tương đương với những giai đoạn suy thoái. Chi tiêu trong ngành xây dựng trong tháng 5 cũng giảm xuống. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng do Đại học Michigan tiến hành đối với tình hình tài chính của doanh nghiệp và các cá nhân ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1980 trở lại đây.

Tại các nhà máy, đồng USD yếu đã trở thành động lực cho hoạt động xuất khẩu. Chỉ số sản xuất của Viện Quản lý Nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) đã tăng từ mức 49,6 trong tháng 5 lên 50,2 trong tháng 6. Chỉ số này ở dưới mức 50 điểm có nghĩa là hoạt động sản xuất co hẹp. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp của nước Mỹ đã tăng nhẹ.

Nhưng theo chuyên gia kinh tế trưởng Stuart Hoffman của công ty PNC Financial Service, con số trên chủ yếu phản ánh sự gia tăng của lượng hàng tồn kho và giá cả nguyên vật liệu thô cao hơn, thay vì sự cải thiện trong số lượng đơn đặt hàng cho các nhà máy. Nếu các doanh nghiệp vẫn hoạt động yếu và các đơn đặt hàng không được thực hiện, hoạt động sa thải sẽ tiếp tục tăng tốc. Trên thực tế, nhân tố sử dụng lao động trong chỉ số này đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Sự đi xuống của thị trường việc làm Mỹ đã trở thành triệu chứng và cũng là nguyên nhân của một nền kinh tế suy yếu, đẩy nhiều gia đình vào mức sống mỗi lúc một đi xuống. Trong thời kỳ khi giá nhà tại Mỹ vẫn tăng, người Mỹ đem ngôi nhà của mình ra cầm cố để vay rất nhiều tiền, chi tiêu cho hoạt động giải trí, các kỳ nghỉ và mua sắm.

Nhưng tới lúc này, việc tiếp cận với thẻ tín dụng chẳng còn dễ dàng nữa, khiến dân Mỹ buộc phải quay trở lại với những giới hạn truyền thống của việc chi tiêu trong gia đình. Hàng triệu gia đình Mỹ giờ đây phải hạn chế chi tiêu trong khoản lương mà họ có được.

Với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và số giờ làm việc giảm xuống, tiền lương của người Mỹ cũng giảm xuống, buộc hàng triệu gia đình phải giảm và giảm chi tiêu. Giá cả thực phẩm và xăng dầu tăng cao đang khiến những khoản tăng lương khiêm tốn trở nên vô nghĩa, khiến các hộ gia đình càng có ít tiền hơn để tiêu. Tất cả thực tế này khiến doanh số của các doanh nghiệp vốn đang khó khăn lại thêm sụt giảm, buộc họ phải cắt giảm thêm nhân công, tạo ra một vòng luẩn quẩn không có điểm dừng.

Nỗi lo ngại về sự đi xuống theo hình xoáy trôn ốc đã thúc đẩy chính quyền Mỹ hoàn thuế cho người dân tổng số tiền 100 tỷ USD với hy vọng số tiền này sẽ thúc đẩy hoạt động tiêu dùng. Bộ Tài chính Mỹ tới nay đã giải ngân 78 tỷ USD trong khoản hoàn thuế này. Kết quả, số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, tiêu dùng tại nước này đã tăng 0,8% trong tháng 5.

Các nhà kinh tế kỳ vọng khoản hoàn thuế sẽ giúp cải thiện doanh số bán lẻ qua mùa hè năm nay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải để có thể có thêm một số việc làm mới và ngăn kinh tế Mỹ không thực sự co hẹp lại.

Tuy nhiên, hầu như không ai dám kỳ vọng rằng doanh số bán lẻ tăng thêm nhờ hoàn thuế sẽ giúp tạo ra thêm việc làm, vì các doanh nghiệp hiểu rằng, đến cuối mùa hè năm nay, những khoản hoàn thuế sẽ không còn nữa.

Nhiều chuyên gia dự báo, đến khi đó, kinh tế Mỹ sẽ bị kéo lùi lại bởi những nhân tố đã tạo ra tình trạng suy yếu hiện nay, bao gồm giá nhà lao dốc, tín dụng thắt chặt và đồng lương eo hẹp. “Rất khó để vượt qua những cơn gió chướng này”, kinh tế gia trưởng Harris của Lehman nhận xét.

(Theo New York Times)