10:43 26/01/2009

Kinh tế năm mới: “Dứt khoát với những nếp cũ”

Kim Thái

2009 sẽ là một năm khó khăn và nhiều thử thách cho nền kinh tế Việt Nam, khi giảm phát gia tăng và tăng trưởng chậm lại

Ông Trần Sĩ Chương - Ảnh: VNN.
Ông Trần Sĩ Chương - Ảnh: VNN.
Nhà nghiên cứu kinh tế độc lập Trần Sĩ Chương nhận định năm 2009 sẽ là một năm khó khăn và nhiều thử thách cho nền kinh tế Việt Nam, khi giảm phát gia tăng và tăng trưởng chậm lại.

Vấn đề là giới làm chính sách, doanh nghiệp cần có những quyết sách gì để đối phó với cơn địa chấn kinh tế đang lan rộng khắp toàn cầu và ngày càng tác động sâu sắc đến Việt Nam.

"Nguy cơ giảm phát tiếp tục"

Ông đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam năm 2008 và triển vọng năm 2009 như thế nào? Theo ông, có những biện pháp nào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2009?

Năm 2009 sẽ là một năm rất khó khăn. Lạm phát sẽ không phải là vấn đề chính nữa mà vấn đề là cầu sụt giảm cả từ trong nước và bên ngoài. Việt Nam có nguy cơ đối mặt với giảm phát trong 2009.

Một đồng nghiệp của tôi đã ví von rất hay: phát triển kinh tế cũng giống như đạp xích lô vậy, khi đã bắt đầu đi rồi thì không nên phanh quá gấp, vì phanh lại rồi thì rất khó đạp lại được. Khi bị lạm phát thì giống như xe mình đang bị tuột dốc. Mình phải vừa nhấp phanh, vừa lách làm sao để xe vẫn kìm được tốc độ mà không dừng hẳn.

Việc kiềm chế lạm phát quá nặng tay hoặc không khéo léo có khả năng triệt tiêu sức phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vốn là bộ phận năng động của kinh tế Việt Nam. Khu vực này đang bị kiệt sức.

Bây giờ thì ngay cả những biện pháp giảm lãi suất cũng khó vực họ dậy vì họ đã yếu nên không có ngân hàng nào muốn cho họ vay và chính họ cũng không dám đi vay.

Vì vậy, nguy cơ giảm phát tiếp tục trong 2009 là không nhỏ. Đây là nỗi lo chính trong năm tới.

Để kích cầu thì cũng phải kích cung vì cung và cầu là hai mặt của một vấn đề. Có những biện pháp kinh điển như giảm lãi suất, giảm thuế, tăng đầu tư Nhà nước vào những công trình lớn như xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nhưng như tôi đã nói, biện pháp giảm lãi suất bây giờ không thực sự hiệu quả với khu vực tư nhân. Cách tăng đầu tư công thì gặp vấn đề là hiệu suất đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước thấp nên biện pháp này có thể sinh ra lãng phí và lạm phát.

Lạm phát xảy ra chính là vì tiền ở đầu vào nhiều nhưng hiệu quả hấp thu thấp nên hệ thống bị nghẽn và nóng lên. Biện pháp giảm thuế cũng chưa thật sự hiệu quả vì ở nước ta, hệ thống thuế không có tác động nhanh và trực tiếp lên hành vi kinh tế.

Hơn nữa, các doanh nghiệp đang khó khăn, không có lãi nhiều nên đóng thuế không phải là nỗi lo của họ. Giảm thuế không phải là biện pháp hấp dẫn nhất để kích thích họ đầu tư thêm.

Có lẽ cách tốt nhất là tác động vào thành phần đa số để họ chủ động trong việc kích cầu, tăng vòng xoay của đồng tiền. Đó là thành phần kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Đây là nơi tập trung của gần 40 triệu người lao động có thu nhập thấp.

Nhà nước nên trợ cấp trực tiếp cho khu vực nông thôn và mở rộng tín dụng tiêu dùng ở khu vực đô thị.

Đặc biệt, Nhà nước cũng cần có những chính sách ưu đãi cho các khu vực có khả năng xuất khẩu và sản xuất có hiệu quả cao. Bằng cách đầu tư trực tiếp vào thành phần này, ta có thể ổn định xã hội và kích cầu trong nước vì những người này có tiền sẽ đem ra tiêu dùng.

Trong khi thị trường xuất khẩu bị suy giảm thi chúng ta nên chuyển sang “hướng nội”, đặt trọng tâm vào kích cầu trong nước.

Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp này cũng phụ thuộc vào khả năng triển khai chính sách nhanh chóng và hiệu quả của hệ thống. Điều này cũng liên quan đến khả năng cạnh tranh hiệu quả của Việt Nam. Đây mới chính là vấn đề cơ bản mà chúng ta phải giải quyết.

“Hệ số hiệu suất đầu tư thấp”

Vậy theo ông, những vấn đề cơ bản để nâng cao hiệu suất hệ thống kinh tế Việt Nam là gì?

Nguyên nhân căn bản của tình hình vừa qua là nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm đã có tính cạnh tranh không cao. Qua nhiều báo cáo và xếp hạng tính cạnh tranh của Việt Nam trên toàn cầu, trong 5 năm qua thứ bậc của Việt Nam chỉ ở quanh mức 70 trong số trên dưới 100 nước được khảo sát.

Hệ số hiệu suất đầu tư thấp thì đầu ra kém trong khi đầu vào nhiều, dẫn đến hệ thống bị nghẽn và dẫn đến lạm phát. Đây là điều nguy hiểm trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Hiệu suất hệ thống thấp một phần lớn là vì trong nhiều năm Việt Nam không phát triển được một cách toàn diện về cơ sở hạ tầng, như cầu, đường, cảng, điện, nước và hạ tầng xã hội như giáo dục và y tế.

Năm nay, mức FDI đã được đăng ký tăng rất nhanh, lên gần 65 tỷ USD, mặc dù mức giải ngân có lẽ chỉ dưới 20%, khoảng 12 tỷ.

Hãy so sánh với Trung Quốc, một đất nước rộng lớn gần 20 lần Việt Nam với cơ sở hạ tầng tốt hơn nhiều, mức độ phát triển kinh tế cao hơn, xuất siêu mỗi năm trên 250 tỷ USD. Vậy mà năm 2007, Trung Quốc mới nhận được chỉ có 50 tỷ FDI (Cả nước Mỹ cũng chỉ khoảng 180 tỷ USD).

Trong khi đó, Việt Nam là một cơ thể nhỏ, với thể trạng kém hơn nhiều, mà lại ăn nhiều thì tất nhiên sẽ bị béo phì, tăng huyết áp và nhiều vấn đề khác. Vì bị nhập siêu cao nên chúng ta phải tiếp tục cần đầu tư nước ngoài để cân bằng cán cân thương mại.

Nhưng đầu tư nước ngoài càng cao thì nền kinh tế càng có vấn đề khi mình chưa có sẵn khả năng tiếp thu và xử lý đầu tư tốt và thiếu sự chủ động trong điều tiết các khoản đầu tư này.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam còn mang nặng những lối tư duy từ những năm đầu đổi mới rằng đầu tư nước ngoài là cứu cánh cho kinh tế trong nước nên ai đầu tư gì mình cũng nhận.

Nên phân biệt ai nên đầu tư cái gì vào đâu, thiếu sự phối hợp giữa các thế mạnh tương đối của các địa phương, cho nên về lâu dài không những mất tính chủ động trong phát triển kinh tế của mình mà còn tạo ra những bất ổn kinh tế.

Vậy ông đánh giá thế nào về vai trò của khu vực kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân cũng như quan hệ tương hỗ của họ trong bộ máy chung của nền kinh tế?

Thứ nhất, tôi cho rằng hệ thống hành chính và sách lược đầu tư phải tốt. Nếu môi trường kinh doanh chưa tốt thì những người kinh doanh trong môi trường kinh doanh đó cũng không thể có hiệu quả cao, kể cả kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân.

Nếu môi trường kinh doanh tốt lên thì nước dâng, mọi thuyền cùng dâng, cả thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế Nhà nước cùng tốt lên. Tuy nhiên, trong tương quan tương đối thì khu vực doanh nghiệp Nhà nước cần phải cải thiện nhiều hơn vì họ là khu vực có hiệu quả đầu tư thấp hơn các khu vực khác.

Một mặt khác, không ai có thể chủ động xây dựng môi trường kinh doanh tốt hơn Nhà nước. Đó chính là vai trò điều tiết của Nhà nước trong phát triển kinh tế.

Trong kinh tế hội nhập, bài toán thành công bao gồm chỉ ba yếu tố chính: (1) Sự năng động của doanh nghiệp nhà nước; (2) môi trường kinh doanh trong nước; (3) điều kiện kinh doanh từ bên ngoài.

Chúng ta không thể chủ động ở điều kiện thứ 3, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động trong xây dựng môi trường kinh doanh để có tác động tích cực nhất.

Giá trị quan trọng nhất cho một môi trường kinh doanh tốt là sự “thuận lý” của hệ thống pháp lý và hành chính. Một môi trường kinh doanh tốt cũng phải song song với một xã hội có tính pháp trị cao.

Đã có những lo ngại về sự đầu tư tràn lan của các tập đoàn lớn. Ông có cho rằng cần có những chính sách mạnh mẽ để kiểm soát những tập đoàn này?

Thứ nhất, về mặt nguyên tắc, ai cũng biết là không chỉ công ty Nhà nước mà bất kỳ công ty nào trên thế giới, dù lớn đến đâu, thì đều gặp rủi ro khi đầu tư dàn trải sang những lĩnh vực mà họ không chuyên.

Kể cả những tập đoàn lớn nhất thế giới, từ IBM đến GE, đều đã phải trả giá khi họ đầu tư sang những lĩnh vực không chuyên, huống chi là những công ty Việt Nam chưa có tầm cỡ và sức vóc về mặt tổ chức, nhân sự và chuyên môn.

Thứ hai, các công ty Nhà nước lấy vốn từ ngân sách để đầu tư. Vốn ngân sách chính là vốn từ dân. Vậy mà những công ty này lại lấy tiền từ dân để bành trướng kinh doanh cạnh tranh lại với dân trong những lĩnh vực mà dân có thể làm và làm tốt hơn với hiệu quả cao hơn. Oái oăm là ở chỗ đó.

Ai cũng hiểu là chúng ta có chính sách tạo dựng các tập đoàn nhà nước trở thành những “quả đấm thép” của nền kinh tế. Tôi đồng ý về mặt nguyên tắc nhưng chỉ ở những ngành nào mà khu vực tư nhân chưa thể làm được hoặc không có khả năng làm.

Ở xã hội nào cũng có những khu vực như an ninh xã hội, phúc lợi và những khu vực cần đầu tư lớn và có hiệu quả lâu dài như giáo dục, giao thông... Đây là những lĩnh vực khó có lãi nhanh nên khó kêu gọi đầu tư tư nhân.

Tuy nhiên, ngay cả trong những lĩnh vực này, Nhà nước cũng phải có trách nhiệm tạo điều kiện để thành phần tư nhân được tham gia để tạo đối trọng và tính cạnh tranh trong đầu tư.

Đó là trách nhiệm “xã hội hoá cơ hội” và “tư hữu hoá rủi ro” để tăng hiệu suất đầu tư của toàn xã hội, của mọi thành phần kinh tế.

“Dứt khoát với những nếp cũ”

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối phó với biến đổi khí hậu, khan hiếm năng lượng và giá lương thực tăng, Việt Nam cần có những điều chỉnh gì về chiến lược phát triển kinh tế?

Chúng ta đều biết việc gì cần phải làm rồi. Biết việc cần làm là dễ nhưng quyết tâm làm được những việc cần làm mới là khó. Đó là ý chí chính trị không chỉ từ Nhà nước mà toàn xã hội cần phải có. Bây giờ chúng ta nên tập trung vào những vấn đề cơ bản nhất và có hiệu quả ngay.

Người làm kinh doanh cần những vấn đề rất cụ thể được giải quyết ngay để mang lại hiệu quả thiết thực cho công việc của họ. Những việc này hoàn toàn trong tầm tay và không cần đầu tư thêm gì cả.

Nếu mình chịu khó dứt khoát với những nếp cũ thì mình sẽ cải thiện được nền kinh tế. Những thói quen xấu ở lại càng lâu thì nền kinh tế càng trì trệ và tích tụ thành những biến chứng.

Khu vực nhà nước ở đâu cũng có sự trì trệ và bảo thủ nhất định. Vậy khu vực ngoài nhà nước nên và có thể làm gì để thúc đẩy cải cách trong khu vực nhà nước?

Ở đâu cũng vậy, sức ì và bảo thủ đều tồn tại trong các hệ thống. Nhưng có hai nguyên tắc để vượt qua nó là vì lợi và vì sợ. Cái lợi của việc cải tổ hệ thống thì đã rõ rồi nhưng cái khó là trong việc cải tổ sẽ có bên được và bên mất.

Nhận thức về trách nhiệm tập thể và vì lợi chung trong xã hội Việt Nam còn thấp nên nếu nói về cái lợi chung để bắt người ta làm thì chưa đủ lực, rất khó. Nên để có quyết tâm làm việc đúng trong xã hội mình thì người ta phải biết sợ những hệ lụy của cơn khủng hoảng như trong năm vừa qua và những năm sắp đến.

Điều này cho thấy nếu mình không cải thiện cách làm ăn của mình thì mình sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn hơn nhiều. Hiểm họa đó nếu được làm rõ nét hơn thì sẽ làm mọi người biết sợ hơn và có quyết tâm cao hơn để làm những chuyện đúng mà mình đã biết nhưng chưa làm.

Nhưng có những người ủng hộ chủ thuyết thị trường tự do lại cho rằng bản thân sự tự do kinh doanh và tự do cạnh tranh là những điều khoản tốt buộc các nhà đầu tư phải biết cân nhắc cái gì có lợi và cái gì có rủi ro cao...

Những giới hạn của thuyết bàn tay vô hình này không chỉ được Karl Marx nói mấy trăm năm trước rồi mà cả những nước tư bản phát triển cũng ý thức được từ lâu rằng đó là chuyện không thật.

Nguyên tắc đó chỉ nên dùng như một hướng chung để kích động và tối đa hóa tính năng động của nền kinh tế. Còn con người thì ở đâu cũng dễ bị chi phối bởi lòng tham. Đó là bài học trước mắt của nước Mỹ và cái giá khổng lồ mà họ đang phải trả.

Cho nên, sân chơi nào cũng phải có lề, có luật chơi rõ ràng và trọng tài công minh. Bất kỳ luật chơi nào cũng phải có những ràng buộc nhất định; nhưng những luật ấy không làm giảm tính sinh động của cuộc chơi mà thậm chí còn làm cho nó hay hơn.

Cái chính ở đây là luật chơi phải rõ ràng, có tính công bình và công minh để mọi người dễ dàng tuân thủ. Không thể có chuyện ai muốn làm gì thì làm, đặc biệt là không thể có được ở những nước đang phát triển như Việt Nam.

Cái khó ở đây là đòi hỏi sự can thiệp một cách hợp lý của Nhà nước. Được như vậy, xã hội mới thật sự phát huy được nội lực từ dân chúng để phát triển bền vững.

Phát triển kinh tế cũng giống như đạp xích lô vậy, khi đã bắt đầu đi rồi thì không nên phanh quá gấp, vì phanh lại rồi thì rất khó đạp lại được. Khi bị lạm phát thì giống như xe mình bị tuột dốc. Mình phải vừa nhấp phanh, vừa lạng lách làm sao để xe vẫn kìm được tốc độ mà không dừng hẳn