11:03 04/12/2008

Kinh tế nhà nước “phình to” thành thế độc quyền

Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội bày tỏ quan điểm về xu hướng các tổng công ty nhà nước chuyển đổi thành tập đoàn

Bà Phạm Thị Loan.
Bà Phạm Thị Loan.
Tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây, đại diện của hầu hết các hiệp hội doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài đã bày tỏ quan ngại về tình trạng phình to của khu vực kinh tế nhà nước, cũng như các biện pháp mang tính hành chính gần đây.

Trước mối lo ngại này, báo giới đã phỏng vấn bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội, đại biểu Quốc hội.

Bà Loan nói:

- Quốc hội đã yêu cầu phải hoàn thành cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước đến năm 2010. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ cổ phần hóa được khoảng 15% tổng số vốn, số vốn 85% còn lại, tương ứng 400 ngàn tỉ đồng là rất lớn. Tốc độ cổ phần hóa đang rất chậm với chỉ 150 doanh nghiệp năm ngoái và 30 doanh nghiệp trong sáu tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, các tổng công ty nhà nước đang có xu hướng rầm rộ chuyển sang tập đoàn kinh tế. Chưa nói tới hiệu quả thực chất của tập đoàn kinh tế nhà nước, nhưng rõ ràng đó là thực tế kéo dài sự tồn tại của doanh nghiệp nhà nước và chuyển sang thế độc quyền nhà nước.

Nhưng có ý kiến cấp cao cho rằng, không duy trì tập đoàn kinh tế nhà nước là không phù hợp với bối cảnh chính trị của Việt Nam. Nhận xét của bà?

Không phải như thế. Hiện nay chúng ta đang đi theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường nghĩa là chúng ta cần đưa các hoạt động kinh tế theo quy luật thị trường, chứ không phải điều hành kinh tế theo kiểu mệnh lệnh hành chính của thời bao cấp. Đó không còn gọi là cơ chế thị trường. Còn định hướng xã hội chủ nghĩa ở đây là phải vì lợi ích của nhân dân, và đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Muốn vậy thì phải có cơ chế để điều hành những công ty quốc doanh phải hoạt động theo cơ chế thị trường, nhưng với mục tiêu là đặt quyền lợi đất nước và người dân lên trước. Như vậy nguồn vốn của Nhà nước mới được sử dụng hiệu quả,

Nhưng trong thời gian khủng hoảng vừa qua đã có nhiều biện pháp hành chính được đưa ra, mà nếu thiếu khu vực kinh tế nhà nước hùng mạnh, áp đảo như thế thì rõ ràng Chính phủ khó kiềm chế được lạm phát?

Tôi nghĩ khác. Nếu có cơ chế và chính sách đúng thì Chính phủ vẫn có thể điều hành được mà không phải tính đó là khu vực kinh tế nhà nước hay tư nhân. Áp dụng những chính sách tiền tệ, cho vay, lãi suất,… thì vẫn có thể điều hành được về giá cả, chống lạm phát, chứ không phải căn cứ vào doanh nghiệp nhà nước mới làm được như vậy. Không phải điều hành bằng cơ chế mệnh lệnh hành chính là chống được lạm phát.

Các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước đã đầu tư ào ạt trong năm ngoái, điều mà nhiều chuyên gia đánh giá, đã góp phần làm bất ổn kinh tế vĩ mô thời gian qua. Ý kiến của bà?

Đây rõ ràng là một nguyên nhân. Việc đầu tư của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước là rất lớn. Có những tập đoàn được báo cáo là vay lên đến hơn 20 lần so với vốn chủ sở hữu. Đây là điều rất bất hợp lý và nguy hiểm.

Một tập đoàn của Hàn Quốc vay đến 20 lần thì đã bị phá sản, còn có những tập đoàn của ta vay đến 22 lần mà chưa thấy sao cả. Vậy thì khả năng trả nợ của họ như thế nào, liệu cứ để họ hoạt động bình thường theo cơ chế thị trường thì họ có tồn tại được không?

Hệ số ICOR, tức số vốn cần bỏ ra để tạo ra một sản phẩm, của các doanh nghiệp nhà nước là 8, của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 4, của các công ty nước ngoài là 2,7. Con số này cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước như thế nào.

Nhưng có thực tế là sau khi bị quy là tác nhân gây lạm phát vì đầu tư ào ạt trong năm ngoái, các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt được huy động làm động lực chính chống lạm phát trong những tháng giữa năm nay. Có mâu thuẫn không?

Điều này không bền vững, và chỉ có thể giải quyết nhất thời. Nếu duy trì như thế, thì ngân sách nhà nước tiếp tục phải bù lỗ. Tại sao không để thị trường tự điều tiết, còn nhà nước điều tiết thông qua cơ chế chính sách tiền tệ, tài khóa, chứ không phải chính sách bù lỗ như hiện nay.

Tập đoàn điện lực có bán giá thấp xuống thì lại phải lấy vốn ngân sách bù, Petrolimex có bán hạ giá dầu thì nhà nước lại vẫn phải bù lỗ. Kết cục là vẫn cứ phải bù từ ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp này.

Tóm lại, bà nhận thấy ý kiến chung của các hiệp hội doanh nghiệp về vấn đề này như thế nào?

Nếu tiếp tục phát triển các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế nhà nước thì hiệu quả sử dụng đồng vốn sẽ tiếp tục rất thấp, như vậy sẽ còn làm ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Không nhìn nhận rõ vấn đề này thì vô tình đưa nước ta trở về thời kỳ kinh tế bao cấp, bảo hộ doanh nghiệp nhà nước và không khuyến khích doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Tư Giang (SGTT)