10:53 26/12/2007

Kinh tế thế giới 2007: 5 vấn đề đáng nhớ

Kiều Oanh

Trong thời điểm năm cũ đang khép lại, hãy cùng VnEconomy điểm qua một số vấn đề đáng nhớ của kinh tế toàn cầu năm qua

Khủng hoảng cho vay thế chấp tại Mỹ có tác động rất lớn đến kinh tế toàn cầu trong năm qua.
Khủng hoảng cho vay thế chấp tại Mỹ có tác động rất lớn đến kinh tế toàn cầu trong năm qua.
Khủng hoảng "nợ dưới chuẩn" làm điêu đứng nước Mỹ. Giá dầu và giá vàng tăng vọt, trong khi USD mất giá thảm hại. Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) đạt kỷ lục... Trong thời điểm năm cũ đang khép lại, hãy cùng VnEconomy điểm qua một số vấn đề đáng nhớ của kinh tế toàn cầu năm qua.

“Bóng ma” tín dụng “uy hiếp” nước Mỹ

Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn hoạt động cho vay có phần dễ dãi và ồ ạt - được gọi là “ndưới chuẩn” (subprime) - của các ngân hàng đối với người vay tiền mua nhà trả góp với hy vọng sau đó bán đi để kiếm lời. Sau một thời kỳ sốt dài, thị trường địa ốc Mỹ rơi vào tình trạng đóng băng khiến người vay tiền không thể bán nhà để trả nợ. Số lượng nợ xấu và khách hàng vỡ nợ cứ thế tăng, đẩy các tổ chức cho vay vào cảnh thua lỗ đáng sợ.

Hàng loạt các ngân hàng lớn ở Phố Wall như Bear Stearns, Merrill Lynch, Citigroup, Morgan Stanley liên tiếp công bố những khoản thâm hụt tài sản nhiều tỷ USD. Bóng đen khủng hoảng không chỉ dừng lại ở Mỹ mà còn lan sang cả châu Âu, tấn công vào các ngân hàng tại châu lục này như Northern Rock của Anh hay UBS của Thụy Sỹ.

Hệ quả là cổ phiếu tài chính Mỹ liên tục lao dốc và vài giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn tài chính Mỹ đã mất việc, nhưng vẫn nhận được những gói bồi thường thôi việc đáng mơ ước.

Để cứu vãn tình hình, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và một ngân hàng trung ương khác đã phải bơm tiền vào hệ thống tài chính để giảm áp lực vốn. Một số tập đoàn, trong đó có Citigroup, Merill Lynch và Morgan Stanley cũng phải “cầu viện” sự trợ giúp từ bên ngoài thông qua con đường bán lại cổ phần cho các đại gia đầu tư đến từ Trung Đông, Singapore và Trung Quốc.

Nhiều nhà phân tích dự báo, cuộc khủng hoảng tín dụng Mỹ sẽ còn lan sang năm 2008 và tổng số thiệt hại do nó gây ra đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Vàng và dầu “phi tên lửa”, USD “nhảy cầu”

Năm nay thực sự là năm làm các nhà đầu tư USD phải “khóc lắm”, còn những ai dự trữ vàng và dầu thô được “cười nhiều”. Liên tục trồi sụt và biến động từng ngày, nhưng giá vàng và dầu thô trên thị trường thế giới nhìn chung diễn tiến theo đồ thị đi lên. Trong khi đó, USD dù có những ngày phục hồi, vẫn mất mặt thảm hại trước Euro. 

Vàng, dầu và USD đánh dấu năm 2007 bằng những dấu mốc lớn. Ngày 7/11, giá vàng “thăng” tới 848 USD/oz, mức cao nhất kể từ năm 1980, khi mà giá vàng lên tới 873 USD/oz. Tiếp đó, vào ngày 21/11, giá dầu đạt đỉnh 99,29 USD/thùng, mức cao nhất kể từ khi hoạt động giao dịch kỳ hạn được áp dụng vào năm 1983. Rồi đến ngày 23/11, USD lao xuống vạch 1 Euro bằng 1,4967 USD, mức thấp nhất kể từ khi đồng Euro được đưa vào sử dụng năm 1999.

Tính ra, trong năm qua, giá dầu đã tăng trên 50%, giá vàng tăng gần 30%, USD mất giá hơn 10% so với Euro.

Nhu cầu năng lượng tăng cao tại các cường quốc đang nổi lên như Trung Quốc và tình hình chính trị diễn biến căng thẳng ở Trung Đông, “vựa” dầu của thế giới, là vài trong số những nguyên nhân chủ đạo đẩy giá dầu tăng cao. Trong bối cảnh đó, những giếng dầu và khí đốt trên vùng Trung Á đã trở thành tâm điểm tranh chấp giữa Mỹ, Tây Âu và Nga. Trong khi giá dầu cao là "tin buồn" với kinh tế Mỹ, đó lại là "tin lành" đối với kinh tế Nga, quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng khổng lồ.

Giá nhiên liệu không ngừng leo thang, gây áp lực lạm phát ở mức cao, trong khi đồng USD mất giá là những yếu tố đi đầu trong việc “đội” giá vàng lên vì vàng luôn là mặt hàng đầu tư chiến lược để đề phòng lạm phát. Giới quan sát dự báo, giá dầu trong năm tới rất có thể sẽ phổ biến ở ngưỡng 70 - 75 USD/thùng, giá vàng cũng sẽ tiếp tục trên dưới ngưỡng 800 USD/oz do USD vẫn còn mất giá so với Euro.

Mỹ “mắc kẹt” giữa tăng trưởng và lạm phát

Năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải cắt giảm lãi suất đồng USD ba lần để cứu vãn nền kinh tế nước này khỏi nguy cơ tăng trưởng chậm lại vì những tác động tiêu cực từ thị trường địa ốc đóng băng và những “đòn tấn công” của cuộc khủng hoảng “nợ dưới chuẩn”.

Lần thứ nhất, vào ngày 18/9, FED cắt giảm lãi suất đông “bạc xanh” từ mức 5,25%, xuống còn 4,75%. Lần thứ hai, vào ngày 31/10, lãi suất USD được FED hạ xuống còn 4,5%. Và lần thứ ba, vào ngày 11/12, lãi suất đồng tiền này được đưa xuống mức 4,25%.

Tuy nhiên, tác dụng đòn bẩy đối với tăng trưởng của các động thái cắt giảm lãi suất chưa được cảm nhận rõ ràng, thì nguy cơ lạm phát đã mỗi lúc một đè nặng thêm. Tháng 11 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng của nước này tăng 0,8%, mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua.

Về viễn cảnh kinh tế Mỹ trong năm 2008, giới chuyên môn cho rằng, kịch bản xấu nhất là suy thoái có nhiều khả năng không xảy ra. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế này năm tới sẽ giảm xuống mức 2,1% so với mức 2,6% của năm nay. Và để cản đà “trôi” của tăng trưởng, FED có thể tiếp tục phải cắt giảm lãi suất xuống dưới 4%, thậm chí là tới 2%.

Trung Quốc gây ấn tượng bằng các đợt IPO

Năm nay, bất chấp các nỗ lực kiềm chế của Chính phủ Trung Quốc, nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ cực nóng, với mức tăng 11,5% trong 3 quý đầu năm. Hiện Trung Quốc đang tiến sát Đức trong cuộc đua trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Thặng dư thương mại khổng lồ giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục là một trong những vấn đề được bàn cãi nhiều nhất trong quan hệ hai nước.

Nền kinh tế đông dân nhất thế giới này trong năm qua cũng khiến thế giới phải sửng sốt vì những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) kỷ lục. Thị trường chứng khoán “rực lửa” của đại lục đã khiến giá cổ phiếu của nhiều công ty đại chúng tăng tới vài ba lần ngay trong ngày đầu niêm yết. Trong số này phải kể đến đợt IPO của tập đoàn dầu khí PetroChina, trang web thương mại điện tử Alibaba, và các “đại gia” địa ốc Country Garden và Soho.

Ngay sau khi IPO, giá trị thị trường của PetroChina đã vọt qua 1.000 tỷ USD, đưa tập đoàn này “soán ngôi” công ty lớn nhất thế giới của ExxonMobil. Cũng nhờ IPO, cô gái trẻ 26 Yang Huiyan, cổ đông lớn nhất của Country Garden, trở thành người giàu nhất Trung Quốc với tài sản 16 tỷ USD tính theo giá trị cổ phiếu.

Sự sôi động của thị trường chứng khoán và địa ốc Trung Quốc đã sản sinh ra một lớp tỷ phú mới ở nước này. Thống kê cho thấy, Trung Quốc hiện có hơn 100 tỷ phú, đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, nước có 415 tỷ phú.

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) đạt kỷ lục

Giá trị các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) toàn cầu trong năm 2007 đã đạt một kỷ lục mới là 4.400 tỷ USD, so với mức 3.600 tỷ USD trong năm ngoái.

Đáng kể nhất là vụ một nhóm ba ngân hàng do Ngân hàng Hoàng gia Scotland dẫn đầu mua lại Ngân hàng ABN Amro của Hà Lan với giá 99 tỷ USD, đánh dấu thỏa thuận mua lại lớn nhất đã hoàn thành trong năm. Trong khi đó, “đại gia” khai thác mỏ BHP Billiton cũng đưa ra đề nghị mua lại đối thủ Rio Tinto với mức giá chưa từng có: 193 tỷ USD. Một khi hoàn tất, đây sẽ là thỏa thuận mua lại lớn nhất từ trước đến nay.

Khủng hoảng tín dụng ở Mỹ cũng khiến nhiều tập đoàn ngân hàng lớn ở nước này phải bán cổ phần cho các nhà đầu tư đến từ nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Điển hình là Citigroup bán cổ phần trị giá 7,5 tỷ USD cho cơ quan đầu tư Abu Dhabi (ADIA) của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Merrill Lynch bán cổ phần 6,2 tỷ USD cho tập đoàn Temasek của Singapore và một công ty khác của Mỹ, còn Morgan Stanley bán cổ phần trị giá 5 tỷ USD cho công ty đầu tư vốn của Nhà nước Trung Quốc.

Các công ty đầu tư vốn tư nhân và các quỹ lợi ích quốc gia là hai lực lượng mới nổi trên thị trường M&A trong năm qua. Với nguồn tiền dồi dào từ bán dầu mỏ, các nhà đầu tư vùng Vịnh cũng tiến hành các vụ mua lại khắp thế giới. Tính ra, hiện các nước giàu có tài nguyên năng lượng này đã đầu tư tới 4.000 tỷ USD trên toàn cầu.

Năm nay cũng chứng kiến vụ "ly hôn” của “gia đình” ôtô DaimlerChrysler. Ngày 4/10, DaimlerChrysler đã quyết định đổi tên thành Daimler, trút bỏ những tàn tích cuối cùng của vụ mua lại hãng Chrysler vào năm 1998 với giá 40 tỷ USD.