10:51 01/12/2009

Kinh tế thế giới đối mặt 3 ẩn họa tài chính

Trung Việt

Cuộc khủng hoảng vừa qua cho thấy tình trạng tài chính toàn cầu ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế và việc làm

Theo Moody's, nợ công của các nước trong giai đoạn 2007-2010 có thể lên tới 45% GDP toàn cầu, tương đương 15,3 nghìn tỷ USD.
Theo Moody's, nợ công của các nước trong giai đoạn 2007-2010 có thể lên tới 45% GDP toàn cầu, tương đương 15,3 nghìn tỷ USD.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang qua đi, nhưng thế giới hiện phải đối mặt với 3 nguy cơ tiềm ẩn: hình thành những loại bong bóng mới, thiếu khả năng thanh toán nợ đúng hạn và nợ ngân sách tăng quá cao.

Đó là nhận định của các chuyên gia vừa được đăng tải trên tờ La Croix của Pháp, số ra ngày 28/11.

Theo báo La Croix, cuộc khủng hoảng vừa qua cho thấy tình trạng tài chính toàn cầu ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế và việc làm.

Nguy cơ bong bóng

Hiện nay, hệ thống ngân hàng đang trên đà phục hồi nhờ hưởng những mức lãi suất sàn của ngân hàng trung ương và xu hướng tăng giá trên thị trường cổ phiếu. Triển vọng của nền kinh tế thế giới cũng khá hơn, mặc dù tỉ lệ thất nghiệp vẫn tăng.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chưa thể loại trừ những mối nguy hiểm do cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua gây ra, thậm chí các biện pháp kích thích kinh tế của các nước có thể tạo ra những rủi ro khác.

Về nguy cơ xuất hiện các bong bóng, biểu hiện đầu tiên là giá tài sản hay nguyên liệu, đều có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân là do tình trạng bơm tiền mặt vào thị trường, lượng tiền mặt này chỉ hỗ trợ phần nào cho các hoạt động vay tín dụng, phần còn lại đã được đầu tư vào thị trường tài sản, khiến giá bất động sản tăng.

Tại Trung Quốc, giá bất động sản tăng rất nhanh khiến một số nhà quan sát lo ngại rằng, bong bóng bất động sản tại Trung Quốc đang ở giai đoạn có thể nổ tung. Trong vòng một năm qua, giá bất động sản Trung Quốc đã tăng 85%, riêng Thượng Hải, giá những căn hộ mới đã tăng gần 30%.  

Gần đây, một số ngân hàng lớn trên thế giới cảnh báo nợ khó đòi sẽ tiếp tục là gánh nặng đối với các tổ chức tín dụng ở nhiều nước. Nhiều ngân hàng có thể phải chịu những thiệt hại trong kinh doanh do các khách hàng không thể thanh toán nợ đúng hạn.

Ngân hàng Trung ương Đức cho biết đã thu lợi nhuận, nhưng cổ phiếu của ngân hàng giảm vì nợ khó đòi tăng. KB Financial, công ty mẹ của ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc Kookmin, thông báo lợi nhuận hàng quý giảm mạnh hơn dự kiến do tác động từ chi phí cho nợ khó đòi.

Nợ ngân sách tăng vọt

Công ty xếp hạng hàng đầu thế giới Moody's cảnh báo nợ công của các quốc gia trên thế giới sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Kế hoạch phục hồi kinh tế của các chính phủ khiến cho nợ ngân sách ngày càng lớn, đẩy thâm hụt ngân sách tăng thêm vài % GDP trong vòng một năm.

Một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và Đức đã thoát khỏi tình trạng suy thoái trong những tháng gần đây, nhưng vẫn có nguy cơ tái suy thoái, một phần do nợ nhà nước chồng chất. Trong khi đó, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới vẫn tăng trưởng âm trong năm 2009, nhiều chính phủ tiếp tục phải vay nợ để đối phó với những tác động do suy thoái kinh tế gây ra.

Theo Moody's, nợ công của các nước trong giai đoạn 2007-2010 có thể lên tới 45% GDP toàn cầu, tương đương 15,3 nghìn tỷ USD. Vào năm 2010, mức nợ này dự kiến chiếm 80% GDP toàn cầu, lên 49 nghìn tỷ USD.

Để trả nợ, các ngân hàng trung ương phải in thêm tiền. Điều này dẫn đến nguy cơ giới đầu tư mất lòng tin vào giá trị tiền mặt và sẽ đầu cơ vào các tài sản thực như hàng hóa và nguyên liệu, để bảo toàn vốn. Ngoài ra, việc tung ra lượng tiền mặt lớn cũng có thể khiến cho lạm phát có nguy cơ quay trở lại.

Trong khi đó, thế giới ngày càng lo ngại về tình trạng đồng USD mất giá. Hiện đang có xu hướng các nhà đầu tư vay vốn bằng tiền USD với tỷ lệ thấp và mang đi cho vay ở một số thị trường lớn khác để hưởng chênh lệch lãi suất.

Xu hướng này nếu tiếp tục duy trì sẽ khiến cho đồng USD ngày càng bị mất giá, còn giá trị các loại tiền địa phương lại tăng, dẫn tới nguy cơ tăng đầu cơ tại các thị trường tài sản ở nước ngoài, gây nguy hiểm cho khả năng phục hồi kinh tế thế giới.

Đồng thời, việc đồng USD mất giá, tín dụng bị xiết lại cùng với xu hướng giảm sút các đơn đặt hàng sẽ có thể dẫn các doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản.