07:48 05/12/2011

Kinh tế thế giới tuần qua: Những gam màu nổi bật

Diệp Anh

Kinh tế thế giới tuần qua có cả hai mảng sáng, tối. Trong đó, mảng sáng có vẻ chiếm ưu thế nhiều hơn

Chứng khoán Mỹ đã có tuần giao dịch khởi sắc nhất trong gần 3 năm qua.
Chứng khoán Mỹ đã có tuần giao dịch khởi sắc nhất trong gần 3 năm qua.
Chứng khoán Mỹ tăng cao nhất trong 3 năm; Tín hiệu khởi sắc kinh tế Mỹ; Cú bắt tay lịch sử của 6 ông lớn tài chính thế giới… là những gam màu chính trên bức tranh kinh tế toàn cầu tuần qua.

Kinh tế Mỹ khởi sắc không ngờ

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 2/12, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm 0,4%, từ 9% trong tháng 10 xuống 8,6% trong tháng 11. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009 tới nay.

Tổng số người thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 11 là 13,3 triệu, giảm khoảng 594.000 người so với tháng 10. Trong tháng 11 vừa qua, các chủ doanh nghiệp Mỹ đã tuyển dụng tổng cộng hơn 120.000 lao động mới.

Đây là tín hiệu tích cực về sự phục hồi của kinh tế Mỹ, nhưng không thật vững chắc vì bức tranh tổng thể của thị trường lao động này vẫn chưa thật sáng sủa, số công ăn việc làm mới được tạo ra chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ.

Tuy nhiên, cùng với các  thông tin đưa ra trước đó, như hoạt động chế tạo tại các nhà máy Mỹ trong tháng 11 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua, nhiều người tin rằng, kinh tế Mỹ sẽ tăng tốc vào cuối năm.

Theo công bố của Viện Quản lý nguồn cung, chỉ số hoạt động của các nhà máy đã tăng từ 50,8 điểm của tháng 10 lên 52,7 điểm, vượt dự báo của giới phân tích. Trong khi, chi tiêu cho xây dựng tăng 0,8% trong tháng 10, lên 798,53 tỷ USD.

Ngoài ra, số liệu về chi tiêu tiêu dùng và tạo việc làm trong khu vực tư cũng làm gia tăng sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế. So với nửa đầu năm ảm đạm, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ tăng hơn gấp đôi trong quý 3, lên 2%.

Các nhà kinh tế tin rằng hoạt động kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong quý cuối cùng của năm. Tổng doanh thu bán lẻ trong tháng 11 có thể đã đạt được 52,4 tỷ USD, cao hơn so với mức 45 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Cú bắt tay của 6 “ông lớn”

Hôm 30/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cùng 5 ngân hàng trung ương châu Âu, Canada, Anh, Nhật Bản và Thụy Sỹ đã phối hợp hành động, đẩy mạnh cung cấp vốn bằng đồng USD để ổn định thị trường tiền tệ.

6 “đại gia” trên nhất trí giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất cung cấp thanh khoản bằng đồng USD cho các ngân hàng thương mại từ 5/12. FED cũng gia hạn các thỏa thuận hoán đổi USD tương ứng của 5 đối tác đến hết 1/2/2013.

Các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ này nhằm đảm bảo các ngân hàng bên ngoài nước Mỹ có thể tiếp cận dễ dàng nguồn vốn bằng đồng USD, đã trở nên khó khăn hơn trong việc huy động trên thị trường đối với các ngân hàng ở châu Âu.

Ngoài ra, 6 ngân hàng trên còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc trao đổi các loại ngoại tệ khác ngoài đồng USD, đảm bảo cho các nhà băng khác nhận được bất kỳ loại tiền tệ nào nếu điều kiện thị trường cho phép.

Tuyên bố chung cho biết hoạt động phối hợp này nhằm tăng cường khả năng cấp vốn cho tài chính toàn cầu, giảm nhẹ căng thẳng trên thị trường tài chính, qua đó giảm thiểu tác động do những căng thẳng này gây ra đối với hoạt động tín dụng.

Một nguồn tin cho biết, những công cụ tiếp theo có thể được công bố trong những tuần tới, như mở rộng diện các ngân hàng có thể tiếp cận thanh khoản từ các ngân hàng trung ương.

Bước ngoặt chính sách của Trung Quốc

Cùng ngày diễn ra cú bắt tay của 6 đại gia tài chính trên, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng quyết định giảm 50 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12.

Quyết định này đánh dấu lần giảm đầu tiên trong vòng 3 năm qua, trong bối cảnh lạm phát và thị trường bất động sản có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại lớn sẽ giảm xuống còn 21%.

Chuyên gia kinh tế trưởng Mark Williams tại Capital Economics nhận định, động thái mới của PBoC phản ánh sự thay đổi chính sách quyết đoán của Trung Quốc và dự báo PBoC sẽ còn tiếp tục thực hiện các đợt tương tự trong vài tháng tới.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lian Ping của Ngân hàng Viễn thông Trung Quốc nhận định động thái của PBoC là phù hợp với dự đoán của thị trường. Việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp giảm căng thẳng tín dụng của các ngân hàng.

Phố Wall tăng mạnh nhất 3 năm

Những tín hiệu lạc quan từ kinh tế Mỹ và chính sách tài chính thế giới đã giúp Phố Wall tăng điểm mạnh trở lại trong tuần qua. Đặc biệt, riêng trong ngày 30/11, hiệu ứng từ cú bắt tay của 6 đại gia ngân hàng đã giúp Phố Wall nhảy hơn 4%.

Tuy nhiên, thị trường chững lại ngay trong phiên kế tiếp 1/12. Dow Jones mất 25,65 điểm còn 12.020,03 điểm. S&P 500 giảm 2,38 điểm xuống 1.244,58 điểm. Riêng Nasdaq lại ghi được 5,86 điểm lên 2.626,20 điểm.

Phiên cuối tuần, thị trường một lần nữa đi ngang, bất chấp đầu phiên tăng mạnh nhờ báo cáo việc làm lạc quan. Dow Jones giảm nhẹ 0,61 điểm. S&P 500 giảm 0,3 điểm. Còn Nasdaq tăng nhẹ 0,73 điểm.

Hai phiên giảm điểm liên tiếp cuối tuần có thể làm nhiều người nản lòng, nhưng khi nhìn bức tranh tổng thể trong tuần, thì đà đi xuống này có thể nói là không đáng kể. Bởi thực tế, Phố Wall đã có tuần giao dịch tốt nhất trong gần 3 năm.

Cụ thể, tính chung cả tuần chỉ số Dow Jones tăng tổng cộng 7%, mức cao nhất kể từ ngày 13/7/2009. Nếu tính theo điểm, chỉ số Dow Jones đã ghi được 788 điểm, mức nhiều nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 27/10/2008.

Chỉ số S& P 500 tăng tổng cộng 7,4%, mức tăng lớn nhất trong một tuần kể từ ngày 9/3/2009 và đóng tuần ở mức 1.244,28 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng mạnh nhất, tới 7,59% lên 2.629,93 điểm vào cuối phiên 2/12.

Giá năng lượng trở lại mức cao

Cùng đi lên với thị trường chứng khoán, trong tuần, một điểm đáng chú ý khác của kinh tế quốc tế còn là những đột phá trên thị trường năng lượng. Sau nhiều tuần lình xình, ba phiên liên tiếp cuối tuần qua, giá dầu thô đều giao dịch trên 100 USD/thùng.

Giá dầu thô lên mạnh ngay từ đầu tuần, sau hiệu ứng từ đợt mua hàng hạ giá ngày “Thứ sáu đen” ở Mỹ. Thêm vào đó là tín hiệu căng thẳng ở Trung Đông, sau khi sứ quán Anh ở Tehran bị người biểu tình tấn công.

Tuy nhiên, mức tăng không bền vững do những lo lắng về nợ công châu Âu vẫn tồn tại, khiến nhà đầu tư không an tâm về triển vọng tiêu thụ năng lượng sắp tới. Thị trường đảo chiều đi xuống vào ngày đầu tiên của tháng 12.

Giới đầu tư thêm lo âu sau khi Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Italy Corrado Passera cảnh báo nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực Eurozone này "hoàn toàn có nguy cơ rơi trở lại suy thoái," thậm chí cả khi chính phủ đã chuẩn bị cắt giảm ngân sách.

Song, việc nhiều nước thông qua các biện pháp trừng phạt Syria và Iran, nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), lại khiến thị trường dầu mỏ tăng nhiệt trong phiên cuối tuần.

Châu Âu vẫn là mối họa

Bên cạnh những khoảng sáng của kinh tế thế giới tuần qua, thì nợ công của châu Âu vẫn là một điểm tối. Dù cho cộng đồng quốc tế đã có nhiều bước đi mới hỗ trợ, nhưng châu Âu vẫn như một “thiên sứ mắc đọa”, không đủ sức cất cánh trở lại.

Trong tuần, ngoài những thông tin bất lợi thường nhật từ thị trường trái phiếu của các quốc gia nợ nần, thì thông tin về khả năng Italy rơi trở lại vào suy thoái là nổi bật hơn cả, bởi sức tác động từ thông tin này lên thị trường toàn cầu là rất lớn.

Theo hãng tin ANSA ngày 1/12 dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp, Giao thông Vận tải và Cơ sở hạ tầng Italy Corrado Passera cảnh báo nền kinh tế của nước này có lẽ đang ở bên bờ vực của sự suy thoái.

Theo ông Passera, khả năng suy thoái kinh tế của Italy, cũng đã được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo sẽ diễn ra vào năm 2012, là do kinh tế toàn cầu yếu kém, tác động của khủng hoảng nợ.

Italy phải thực hiện mọi biện pháp nhằm đảm bảo nền kinh tế phục hồi, chẳng hạn như cắt giảm tệ quan liêu, tăng năng suất và khả năng cạnh tranh, cân bằng sự phát triển giữa hai miền Nam và Bắc.