09:48 27/07/2009

Kinh tế Trung Quốc lấy lại đà tăng trưởng

Trung Việt

Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách dùng đầu tư kích thích kinh tế cho tới ít nhất là năm 2010

Kinh tế Trung Quốc có khả năng đạt mức tăng trưởng 8% trong năm nay.
Kinh tế Trung Quốc có khả năng đạt mức tăng trưởng 8% trong năm nay.
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì vừa nhận định, kinh tế nước này có khả năng đạt mức tăng trưởng 8% trong năm nay, sau khi đã đạt mức tăng trưởng 7,9% quý 2 vừa qua.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại những rủi ro tiềm ẩn từ các gói kích cầu.

Tăng trưởng kinh tế bảo đảm đủ việc làm

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, ông Trần Đức Minh nhận định rằng, nhìn chung kinh tế Trung Quốc "đang dần ổn định và đi vào phát triển". Theo ông, tốc độ sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm dần trong nửa cuối năm nay.

Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, trong quý 2/2009, kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với dự đoán cũng như mức tăng trưởng 6,1% của quý 1. Tính chung nửa đầu năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đạt gần 14.000 tỷ Nhân dân tệ (2.000 tỷ USD), tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế cả năm 2009 sẽ đạt mục tiêu 8%, mức tăng trưởng cần thiết để có thể tạo đủ việc làm tại quốc gia 1,3 tỷ dân này.

Nhận xét về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc, nhà phân tích kinh tế tại Thượng Hải, ông Lý Kiến Phong, cho rằng ngành tài chính của Trung Quốc không hòa nhập sâu với phần còn lại của thế giới nên nước này không chịu những tác động mạnh của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bên cạnh đó, nhờ Chính phủ Trung Quốc nhanh chóng triển khai các chính sách chống khủng hoảng mà điển hình là gói kích thích kinh tế khổng lồ 580 tỷ USD, nên đến nửa đầu năm nay đã mang lại những hiệu quả rất rõ ràng. Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách dùng đầu tư kích thích kinh tế cho tới ít nhất là năm 2010.

Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc còn được củng cố bởi những tín hiệu tích cực trong việc thu hút đầu tư. Kết quả một cuộc khảo sát về triển vọng đầu tư do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố ngày 22/7 cho thấy có tới 240 công ty đa quốc gia được hỏi nói rằng Trung Quốc vẫn là điểm đến hàng đầu cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đứng trên cả Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Nga.

Tiềm ẩn rủi ro từ nền tảng phục hồi kinh tế

Thông tin về sự phục hồi mạnh của kinh tế Trung Quốc đã làm phấn chấn nhiều thị trường chứng khoán châu Á và thế giới trong những ngày qua, đồng thời làm dấy lên hy vọng sự phục hồi của Trung Quốc sẽ tạo đà kéo theo sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Morgan Stanley, tổ chức tài chính và đầu tư uy tín của quốc tế cũng vừa đưa ra nhận định gần giống tuyên bố của ông Dương Khiết Trì hôm 23/7. Đồng thời, tổ chức này đã điều chỉnh về dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2009. Morgan Stanley cho rằng kinh tế Trung Quốc có khả năng đạt mức tăng trưởng đầy lạc quan 9% trong năm nay.

Nhà kinh tế trưởng của JP Morgan Trung Quốc, ông Tây Phương Hùng nhận xét kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình phục hồi nhanh trong khi thị trường bất động sản cũng có nhiều triển vọng phát triển.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định, sự phục hồi của một mình Trung Quốc không thể đem lại sự phục hồi cho kinh tế toàn cầu. Phần lớn hàng nhập khẩu của Trung Quốc là nguyên liệu thô từ các nền kinh tế đang phát triển, do đó, lợi ích trực tiếp mà sự phục hồi kinh tế Trung Quốc mang lại cho Mỹ và châu Âu là rất có hạn.

Chính Người phát ngôn Tổng cục Thống kê Trung Quốc cũng cảnh báo rất nhiều khó khăn và thách thức vẫn còn ở phía trước như: "nền tảng phục hồi chưa chắc chắn. Đà tăng trưởng chưa ổn định. Cơ cấu kinh tế chưa cân xứng. Vì vậy, còn nhiều yếu tố bất ổn". Do các ngân hàng nhà nước đẩy mạnh cho vay, tín dụng mới ở Trung Quốc đã tăng vọt lên 1,1 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm nay, gây nhiều quan ngại.

Các chuyên gia còn cho rằng, khoảng 15% gói kích cầu của Trung Quốc, tương đương 145 tỷ USD bị sử dụng sai mục đích, đưa vào đầu cơ chứng khoán, bất động sản. Theo đó, dẫn đến nguy cơ bùng nổ phá sản tại những lĩnh vực này và làm gia tăng lạm phát.