10:27 19/12/2008

Kinh tế Việt Nam, một năm hai cuộc khủng hoảng

Dương Ngọc

Hiếm có năm như năm 2008 này, Việt Nam bị tác động của hai cú sốc liên tiếp - có chuyên gia gọi là hai cuộc khủng hoảng

Xuất khẩu của Việt Nam có tình trạng tháng sau thấp hơn tháng trước từ tháng 8 đến nay - Ảnh: AP.
Xuất khẩu của Việt Nam có tình trạng tháng sau thấp hơn tháng trước từ tháng 8 đến nay - Ảnh: AP.
Hiếm có năm như năm 2008 này, Việt Nam bị tác động của hai cú sốc liên tiếp - có chuyên gia gọi là hai cuộc khủng hoảng.

Cũng trong cùng một năm, Việt Nam đã phải hai lần chuyển đổi mục tiêu ưu tiên với các nhóm giải pháp phù hợp. Hai cú sốc lớn đưa đến chỗ Việt Nam đối mặt với  nguy cơ lạm phát trì trệ (stagflation).

Cuộc khủng hoảng thứ nhất

Đó là cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu, giá lương thực, sắt thép... trên thế giới. Có người cho rằng, có dầu thô xuất khẩu, có lương thực xuất khẩu, thì Việt Nam sẽ có lợi trong cuộc khủng hoảng trên thế giới này, chứ đâu bị tác động tiêu cực?

Đúng là Việt Nam xuất khẩu dầu thô, nhưng lại nhập khẩu xăng dầu với kim ngạch lớn hơn; còn giá lương thực thế giới tăng sẽ kéo giá lương thực ở trong nước lên theo. Điều quan trọng là mức lạm phát của Việt Nam cao hơn còn do những yếu tố ở trong nước cộng hưởng với cuộc khủng hoảng trên thế giới. Yếu tố ở trong nước xuất phát từ việc chạy theo mục tiêu tăng trưởng cao (còn gọi là tăng trưởng nóng), kéo theo việc gia tăng tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tốc độ tăng dư nợ tín dụng, làm cho các tốc độ này cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP.

Thông thường, hệ số giữa tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán so với tốc độ tăng GDP của các nước vào khoảng dưới 2,5 lần, nhưng của Việt Nam đã liên tục cao hơn: bình quân 2004 - 2007 tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 30,3%/năm, còn tốc độ tăng GDP là 8,23%/năm, hệ số giữa tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tốc độ tăng GDP lên đến khoảng 3,7 lần, cao gấp rưỡi các nước; riêng năm 2007 còn cao hơn nhiều.

Trong khi đó, lãi suất cho vay thấp, lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản cao. Tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn đầu tư đóng góp chiếm tới 57,5%, do yếu tố số lượng lao động tăng đóng góp 20%, do yếu tố tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (gồm hiệu quả đầu tư, năng suất lao động...) chỉ đóng góp 22,5%.

Hiệu quả đầu tư biểu hiện tổng hợp ở hệ số ICOR. ICOR tính theo tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP, so với tốc độ tăng GDP đã giảm trong mấy năm trước kia thì mấy năm nay lại tăng lên và cao hơn nhiều nước (năm 2005 là 4,85 lần, năm 2006 là 5,04 lần, năm 2007 là 5,38 lần, khả năng năm 2008 có thể còn lên tới 5,9 lần). ICOR cao và tăng có nghĩa là hiệu quả đầu tư thấp và giảm.

Chính những yếu tố đó ở trong nước, cộng hưởng với lạm phát thế giới đã làm cho lạm phát ở nước ta cao trong năm 2007 (cả năm là 12,63%- tức là bình quân 1 tháng là 1%, riêng 2 tháng cuối năm lên tới 2,07%/tháng), đã bùng phát vào các tháng đầu năm 2008 (6 tháng đầu năm 2008 tăng tới 2,86%/tháng).

Cùng một lúc với lạm phát, Việt Nam còn bị nhập siêu cao. Nhập siêu cao trong năm 2007 (cả năm nhập siêu 14,12 tỷ USD, bình quân 1 tháng là 1 tỷ USD, riêng 2 tháng cuối năm còn lớn hơn nhiều), bùng phát vào 5 tháng đầu năm 2008 (bình quân 2.695 triệu USD/tháng). Đứng trước tình hình trên, có tổ chức và chuyên gia quốc tế đã cảnh báo Việt Nam cả năm lạm phát có thể vượt qua mốc 30% và nhập siêu có thể vượt qua mốc 30 tỷ USD, từ đó khuyến cáo Việt Nam phá giá đồng nội tệ 20- 25% và cầu cứu IMF hỗ trợ.

Nhưng thực tế đã không đến mức như vậy mà từ tháng 6, tháng 7, lạm phát và nhập siêu, hai vấn đề nóng nhất đã được hạ nhiệt. Lạm phát từ tháng 7 đến tháng 11 chỉ còn 0,38%/tháng, thấp hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm, thấp hơn cả tốc độ tăng bình quân 1 tháng của cùng kỳ năm trước (0,79%), thấp hơn lãi suất tiết kiệm (tức là lãi suất đã thực dương). Nhập siêu từ tháng 6 đến tháng 11 chỉ còn ở mức dưới 1 tỷ USD (bình quân 1 tháng còn 529 triệu USD).

Đạt được kết quả trên do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân quan trọng hàng đầu là Chính phủ đã chuyển đổi mục tiêu ưu tiên từ ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế sang ưu tiên cho mục tiêu kiềm chế lạm phát. Có nguyên nhân do thực hiện 8 nhóm giải pháp, trong đó biện pháp quan trọng hàng đầu là thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ...

Cuộc khủng hoảng thứ hai

Hai vấn đề nóng nhất là lạm phát và nhập siêu vừa được hạ nhiệt, thì cuộc khủng hoảng địa ốc, cho vay dưới chuẩn ở Mỹ được “ủ bệnh” từ hơn một năm trước, bùng phát vào giữa tháng 9, đã lan nhanh sang các lĩnh vực tài chính, tiền tệ, kinh tế, lao động việc làm và lan nhanh sang các khu vực, các nước.

Một nền kinh tế mà tăng trưởng dựa tới gần 60% vào vốn đầu tư, có định hướng xuất khẩu (xuất khẩu so với GDP lên tới 70%), vừa mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được 2 năm, lại vừa trải qua lạm phát, nhập siêu cao..., nên cuộc khủng hoảng trên thế giới đã tác động đến Việt Nam, tuy có chậm hơn một số nước (do độ mở cửa về tài chính chưa rộng, đồng tiền chưa chuyển đổi, do có sự chủ động ứng phó...), nhưng cũng rất lớn và khá rộng.

Xuất khẩu có tình trạng tháng sau thấp hơn tháng trước từ tháng 8 đến nay. Tăng trưởng công nghiệp từ tháng 7 đến nay bị sụt giảm. Lượng khách quốc tế từ tháng 9 tới nay cũng tháng sau thấp hơn tháng trước và chi tiêu bình quân một lượt khách cũng có xu hướng ít đi. Vốn đầu tư gián tiếp đang ra nhiều hơn vào, chỉ số chứng khoán xuyên thủng hết đáy này sang đáy khác, trở về điểm xuất phát cách đây 3- 4 năm.

Nguy cơ suy giảm kinh tế đã xuất hiện. Tình hình nào thì mục tiêu ấy và giải pháp ấy. Một lần nữa trong năm nay, Chính phủ phải chuyển đổi mục tiêu ưu tiên, từ ưu tiên kiềm chế lạm phát, với giải pháp hàng đầu là thắt chặt tiền tệ, sang ưu tiên ngăn chặn sự suy giảm kinh tế, với gói 5 giải pháp cấp bách, trong đó kích cầu ngày càng trở thành giải pháp nổi bật và gói giải pháp tài chính đang được bàn thảo nhiều nhất.

Gói giải pháp tài chính kích cầu không chỉ giới hạn 1 tỷ USD như đã công bố trước đây. Nếu tổng hợp từ các nguồn - được gọi là gói kích cầu tài chính tổng thể - có thể lên đến 6 tỷ USD, tức là lên gần 110 nghìn tỷ đồng (bao gồm 17 nghìn tỷ đồng đã công bố lấy từ dự trữ nhà nước - chứ không phải lấy từ khoảng 22 tỷ USD dự trữ ngoại tệ; 20 nghìn tỷ đồng Chính phủ tạm ứng từ năm trước chưa tiêu hết; 20 nghìn tỷ đồng từ cắt giảm thuế cho doanh nghiệp mà Chính phủ chưa thu về; 30 nghìn tỷ đồng từ việc bảo lãnh vay quốc tế); 20 nghìn tỷ đồng từ phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ.

Về mức tuyệt đối, tuy còn thấp xa so với các nền kinh tế lớn, nhưng lại thuộc loại cao nếu so với nguồn lực của đất nước. Nếu so với GDP tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân năm nay của Việt Nam (khoảng 88,5 tỷ USD), thì gói tài chính trên đã chiếm khoảng 6,8%; nếu so với mức dự trữ ngoại hối (khoảng trên 22 tỷ USD), thì đã chiếm khoảng 26%.

Đây là một cố gắng lớn của Chính phủ trong điều kiện ngân sách còn bội chi lớn, mức dự trữ ngoại hối của quốc gia còn mỏng. Đây không chỉ là sự nhạy bén trong việc dự đoán tình hình, chuyển hướng mục tiêu ưu tiên với giải pháp và có liều lượng cao chưa từng có, thể hiện quyết tâm cao trong việc ngăn chặn nguy cơ suy giảm kinh tế của nước ta.

Kích cầu thế nào?

Việc kích cầu vào đâu đã được các cơ quan hoạch định chính sách vĩ mô lựa chọn và quyết định. Tuy nhiên, hiện có hai vấn đề lớn đặt ra. Đó là tiêu chí để lựa chọn và đẩy nhanh việc thực hiện.

Một, về tiêu chí để lựa chọn, cần quan tâm đến mấy điểm. Trước hết, lượng tài chính kích cầu dù huy động từ nguồn nào cũng là tiền của quốc gia. Đã là tiền của quốc gia thì phải loại bỏ sự xin- cho, phải minh bạch công khai, phải có ưu tiên, tránh dàn đều.

Cần bám sát mục tiêu chủ yếu của kích cầu số một hiện nay là ngăn chặn sự suy giảm kinh tế; khi thực hiện được mục tiêu số một này thì cũng có tác động góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm công ăn việc làm - nội dung quan trọng của việc bảo đảm an sinh xã hội. Sự suy giảm kinh tế do hai yếu tố chính là vốn đầu tư và tiêu thụ, trong đó tiêu thụ hiện đang là khâu khó khăn nhất. Vì vậy, tiêu chí cần lựa chọn là:

Kích cầu vào các lĩnh vực để tiêu thụ sản phẩm đang bị ứ đọng lớn (than, sắt thép, xi măng, phân bón, một số nông sản quan trọng...), những mặt hàng xuất khẩu lớn đang có thị trường.

Kích cầu vào các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động để giải quyết công ăn việc làm, để tạo sức mua có khả năng thanh toán của dân cư, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, những người bị mất việc, những người làm công ăn lương.

Hai, một nội dung quan trọng cần đặc biệt quan tâm là đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nếu chậm trễ thì ít tác dụng và kém hiệu quả.

Ba, cách làm không chỉ hỗ trợ lãi suất cho vay vốn, giãn nợ, khoanh nợ, cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn giảm lãi suất vay; giảm thuế, giãn thời hạn thực hiện thuế. Có một giải pháp quan trọng của kích cầu là giảm giá, trong đó có giảm hơn nữa giá xăng dầu, giảm giá vận chuyển. Giảm các thủ tục để vốn ra nhanh.