17:12 05/10/2011

Kodak lâm nguy: Cái chết từ từ của một huyền thoại?

An Huy

Từ tuần trước tới nay, thị trường Mỹ rộ tin đồn Kodak, nhà sản xuất máy ảnh đã 131 năm tuổi, sắp sửa phá sản

Doanh thu năm 2010 của Kodak giảm còn 7,2 tỷ USD và hãng đã thua lỗ suốt 4 năm qua.
Doanh thu năm 2010 của Kodak giảm còn 7,2 tỷ USD và hãng đã thua lỗ suốt 4 năm qua.
Không đỡ nổi sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ ngoại rồi mất phương hướng trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, hãng máy ảnh East Kodak của Mỹ đang đối mặt những khó khăn tài chính chồng chất.

Những thách thức này đến với Kodak sau một phần tư thế kỷ “đại gia” máy ảnh một thời này nỗ lực bất thành trong việc tìm kiếm trọng tâm.

Từ tuần trước tới nay, thị trường Mỹ rộ tin đồn Kodak, nhà sản xuất máy ảnh đã 131 năm tuổi, sắp sửa phá sản. Theo hãng tin AP, sự sụp đổ của một thương hiệu huyền thoại như Kodak sẽ không chỉ gây chấn động trong làng doanh nghiệp Mỹ, mà còn gây tác động sâu sắc về mặt văn hóa tới nhiều thế hệ trên thế giới, những người từng được chụp ảnh lần đầu bằng chiếc máy ảnh cơ mang logo chữ K màu vàng không thể lẫn vào đâu được của Kodak.

“Người ta có thể nhìn thấy biểu tượng chữ K màu vàng của Kodak ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Thế giới đã phụ thuộc vào biểu tượng đó trong việc lưu giữ ký ức. Nhưng với sự xuất hiện của máy ảnh kỹ thuật số và camera trên điện thoại di động, Kodak đã thua trận. Tôi cho rằng, từ giờ, người ta sẽ nói về Kodak như nói về quá khứ”, chuyên gia ngành ảnh John Larish, người từng làm việc cho Kodak trong thập niên 1980 với tư cách một nhà phân tích thị trường, nhận định.

“Khi nói về máy ảnh, hai thế hệ gần đây chỉ biết đến Sony, thậm chí LG hay Samsung. Họ không biết đến Kodak. Kodak giờ không còn là cái tên đầu bảng trong lĩnh vực nhiếp ảnh nữa”, ông Larish nhận xét.

Thứ Sáu tuần trước, cổ đông của Kodak hoảng hốt cao độ sau khi có thông tin rò rỉ rằng Kodak đã thuê công ty luật Jones Day chuyên về tư vấn phá sản và tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong phiên giao dịch này, giá cổ phiếu của Kodak đã sụt xuống mức thấp kỷ lục 78 cent/cổ phiếu. Vào năm 1997, giá cổ phiếu này từng vượt 94 USD/cổ phiếu.

Sau đó, Kodak lên tiếng phủ nhận tin đồn hãng chuẩn bị phá sản, và cho biết, Jones Day chỉ là một trong những công ty tư vấn mà hãng thuê để tìm ra bước đi phù hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện nay. Cổ phiếu Kodak nhờ đó phục hồi lên 1,12 USD/cổ phiếu vào đầu tuần này.

Tuy nhiên, giới đầu tư lo ngại không biết liệu Kodak có đủ năng lực tài chính để xoay chuyển tình thế hiện nay hay không. Trong bối cảnh này, mạnh tay thu hẹp đội ngũ nhân viên xem ra là việc bắt buộc phải làm đối với Kodak. Vào năm 1988, Kodak có 145.300 nhân viên trên toàn cầu, đến nay chỉ còn 18.800 nhân viên. Nhân viên của Kodak cho biết, họ đã quen với nguy cơ mất việc bất kỳ lúc nào trong suốt mấy thập kỷ qua, nhưng giờ đây, họ còn trở nên lo ngại hơn khi tình hình công ty ngày càng xấu đi.

Sự dịch chuyển của ngành ảnh thế giới sang kỹ thuật số diễn ra với tốc độ chớp nhoáng, và Kodak tới giờ vẫn chưa thể tìm thấy cho mình một chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực này. “Thật là sốc vì Kodak bỗng chốc không còn là một cái tên quen thuộc với gần như mọi gia đình trong văn hóa phương Tây nữa”, giáo sư ngành ảnh Robert Burley thuộc Đại học Ryerson ở Toronto nhận xét.

“Tôi đã chứng kiến sự sa sút nhanh chóng của Kodak trong 5 năm qua và vẫn cảm thấy ngạc nhiên. Tôi đang cố gắng để tìm hiểu xem mối quan hệ của mọi người với lĩnh vực nhiếp ảnh đang thay đổi như thế nào”, Giáo sư Burley nói.

Khi phát minh ra chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới vào năm 1975, Kodak đã chần chừ với ý tưởng giảm bớt sự phụ thuộc mạnh mẽ vào lĩnh vực máy ảnh cơ khi đó đang có mức lợi nhuận cao. Chính sự chần chừ này của Kodak đã tạo điều kiện cho các đối thủ Nhật Bản như Canon và Sony có cơ hội vươn lên nhanh chóng trong lĩnh vực máy ảnh kỹ thuật số có tốc độ tăng trưởng chóng mặt hồi cuối thập niên 1990.

Năm 2004, Kodak bị loại khỏi nhóm 30 cổ phiếu thuộc chỉ số Dow Jones, đồng thời đi tới quyết định khởi động một chiến dịch thúc đẩy mảng kỹ thuật số kéo dài 4 năm. Theo đó, những nhà máy già cỗi bị đóng cửa, nhiều mảng kinh doanh bị chấm dứt, hàng nghìn nhân viên của Kodak bị sa thải. Năm 2007, Kodak tưởng như đã thành công với mức lợi nhuận ròng 676 triệu USD, nhưng ngay sau đó, hãng lại bắt đầu một thời kỳ suy giảm mới.

Theo Giáo sư Mark Zupan của Đại học Rochester, sự nổi lên của Kodak thành một doanh nghiệp blue-chip trong thế kỷ 20 phản ánh năng lực của các doanh nghiệp Mỹ, nhưng những phát kiến công nghệ chẳng bao giờ đứng yên. “Với những thách thức mà các công ty đang phải đối mặt, thật khó để duy trì được vị thế đứng đầu. Những doanh nghiệp lớn như HP, IBM hay Goodyear đều đã có lúc cận kề miệng vực”, Giáo sư Zupan nói.

Tới tháng 12/2010, Kodak tiếp tục bị gạt khỏi danh sách các cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500.

Tính đến cuối quý 2 vừa qua, Kodak có gần 957 triệu USD tiền mặt trong tay, từ mức 1,6 tỷ USD hồi đầu năm. Các nhà phân tích của Moody’s dự báo, lượng tiền mặt của Kodak có thể giảm xuống dưới mức 700 triệu USD vào năm 2012.

Doanh thu năm 2010 của Kodak giảm còn 7,2 tỷ USD và hãng đã thua lỗ suốt 4 năm qua. Giới chuyên gia Phố Wall cho rằng, năm nay Kodak sẽ lỗ ròng 638 triệu USD, và sẽ lỗ thêm 215 triệu USD vào năm 2012.

Tuy nhiên, Kodak vẫn dự báo hãng sẽ làm ăn có lãi trở lại vào năm 2012 nhờ hoạt động đầu tư mạnh vào lĩnh vực máy in kỹ thuật số. Một “cọc” khác cho Kodak bám vào lúc này là kho bằng sáng chế của hãng. Kodak đã thu được 2 tỷ USD phí cấp phép từ năm 2008, và kỳ vọng thu được thêm 3 tỷ USD nữa từ hoạt động này trong thời gian tới.