Sự kiện này bao gồm một đêm biểu diễn nghệ thuật, một cuộc triển lãm những thiết kế và những vật liệu thân thiện với môi trường được mang tên “Chúng tôi làm”. Tôi đem câu chuyện đi hỏi anh Kiến trúc sư ấy để tìm hiểu xem xu hướng xanh đang là một trào lưu khiến cho mọi người buộc phải cuốn theo, hay là một nhu cầu thực sự?
Chào anh, cơ duyên nào khiến anh được giao nhiệm vụ tổ chức đêm tiệc Hội nghị khách hàng lại thành ra “Sếu đỏ” và “Chúng tôi làm”?
Thật ra, triển lãm “Chúng tôi làm” chỉ là một phần của event “Sếu đỏ”, nơi chúng tôi trưng bày những thiết kế xanh và những Vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Hình ảnh “Sếu đỏ” là biểu tượng của sự trường tồn và hạnh phúc – chính là bản chất ban đầu giữa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Chúng tôi làm sự kiện này vẫn bao gồm những phần cảm ơn khách hàng nhưng đồng thời truyền tải thông điệp về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên nhằm phát triển bền vững.
Anh có thể chia sẻ cách anh làm thế nào để lan truyền thông điệp ấy?
Trong sự kiện, chúng tôi triển lãm 15 công trình đã và đang được xây dựng hướng đến cuộc sống xanh, những công trình có hai tiêu chí: độc đáo về mặt kiến trúc, thân thiện với môi trường. Trong đó, tiêu chí thân thiện với môi trường sẽ bao gồm thiết kế tiết kiệm năng lượng, sử dụng những vật liệu tái chế hoặc ít tác động đến môi sinh như: đá ong, gạch đinh, mái ngói, giảm thiểu nhựa và kính và phải có thảm xanh.
Nhưng tôi thấy có vẻ như những tiêu chí trên cũng không dễ đưa vào nhà ở dân dụng tại Việt Nam, nơi diện tích đất ngày càng nhỏ hẹp?
Mọi người đang hiểu không đúng về kiến trúc xanh vì nó không chỉ thiên về thị giác. Nó còn bao gồm những công trình cùng chức năng nhưng giảm thiểu năng lượng. Chẳng hạn như thay vì dùng một bộ cửa nhựa thì chúng ta dùng cửa gỗ cũ, như thế sẽ giảm thiểu năng lượng sản xuất và lắp đặt. Thay vì cần 10 cái máy lạnh thì chỉ cần bớt một thôi cũng đã giảm thiểu tác động đến môi trường. Kiến trúc xanh sẽ phải là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ba yếu tố: Thứ nhất là tạo dựng không gian; thứ hai là sử dụng vật liệu; thứ ba là tái tạo năng lượng. Nhưng ở Việt Nam hiện nay mới đi được đến bước thứ hai.
Tôi có làm việc với nhiều tòa nhà được xây dựng theo tiêu chuẩn xanh thì các nước châu Âu đã xây dựng thang bảng điểm rất chi tiết để đánh giá phân loại các tòa nhà chứ không chỉ dựa vào cảm nhận và số lượng máy lạnh như trên?
Đúng, ở nước ngoài, chính phủ có những quy định cụ thể và có các hình thức khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng các vật liệu nhẹ, thân thiện với môi trường bằng cách giảm thuế; các tập đoàn toàn cầu cũng ưu tiên lựa chọn thuê các tòa nhà xanh làm văn phòng như một cách họ thể hiện trách nhiệm với xã hội.
Tôi thấy chúng ta cũng có những chương trình như mua máy nước nóng năng lượng mặt trời được giảm giá, theo anh thì có phải là một trong những nỗ lực của chúng ta trong việc khuyến khích phát triển công trình xanh?
Ở Việt Nam vẫn còn manh mún và tự phát, đa phần các công trình xanh xuất hiện là do kiến trúc sư đề nghị hoặc nhu cầu của chủ nhà. Năm nào ông Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa cũng gửi đề xuất lên chính quyền yêu cầu trong giấy phép xây dựng phải quy định về phủ xanh mặt bằng mái là bao nhiêu phần trăm. Chúng ta chưa có những chính sách chặt chẽ và cụ thể để bảo vệ môi trường
Nhưng có vẻ điều này là rất khó thực hiện với thực trạng nhà ở hiện nay, chưa kể việc trồng trọt cây cối trong môi trường thiếu nắng là không khả thi, rồi xử lý côn trùng cũng sẽ phải dùng hóa chất?
Theo tôi, người kiến trúc sư giỏi sẽ phải tư vấn cho khách hàng của mình biết vị trí đó có bao nhiêu nắng, gió, phù hợp trồng cây gì? Cây đó có nguy hiểm khi trồng trong nhà hay không vì trên thị trường vẫn còn một số loại cây không an toàn khi trồng trong nhà. Với côn trùng, đa phần sẽ là côn trùng không nguy hiểm và có những cách diệt côn trùng bằng các phương pháp sinh học.
Nhưng theo anh thì có phải những căn nhà kiến trúc xanh ấy thường tốn kém hơn, vừa xây dựng lẫn về mặt bảo quản, vì nói thật ra thì những sản phẩm tái chế, tái sử dụng rất khó vệ sinh?
Cái này cũng cần vai trò của kiến trúc sư trong công tác tư vấn kết hợp với thái độ sẵn sàng của chủ nhà. Kiến trúc sư giỏi sẽ biết cách tạo ra một căn nhà ít tốn năng lượng, ít tốn chi phí và nhuần nhuyễn trong việc sử dụng và lắp đặt các vật liệu trong nhà. Các vật liệu thô mộc sẽ đặt ở các nơi ít sử dụng, phòng ngủ và phòng bếp thoáng khí, đỡ hao tốn máy lạnh, đèn thắp sáng và quạt hút. Người thiết kế cần nắm bắt được nhu cầu của chủ nhà. Chủ nhà cũng phải tự điều chỉnh thói quen sống của mình, và theo kinh nghiệm của tôi, khi đến gần thiên nhiên, con người sẽ bớt căng thẳng, sống nhẹ nhàng và sẽ trở thành nhu cầu, lúc ấy thì kiến trúc sư không cần thuyết phục, mà chỉ cần tư vấn.
Đã bao giờ anh thuyết phục thành công một khách hàng nào đó để theo xu hướng kiến trúc xanh?
Tôi có chị khách hàng yêu cầu thiết kế một căn hộ chung cư với ngân sách tiết kiệm. Tôi đã lựa gỗ bỏ đi để làm nội thất và lấy những tấm ván bàn học cũ làm cho chị một cái bàn ăn. Chị không thích cái bàn này lắm nên đã dự định bỏ đi không dùng nữa. Tuy nhiên, một lần hai mẹ con chị ngồi xuống bên chiếc bàn và ngắm nhìn nó thì phát hiện ra trên mặt bàn có rất nhiều bài thơ, những câu chuyện không đầu không đuôi qua lại của tuổi học trò, những dấu khắc ai yêu ai… và chị dùng những câu chuyện đó để tranh thủ tâm sự rồi hướng dẫn con, rồi họ dần dần phát hiện ra là họ rất hay ngồi bên cái bàn ấy! Những chiếc bàn khác trong nhà vì chị yêu quý nên dùng một tấm kiếng đặt lên, chỉ có cái bàn này thô mộc, và nó ngày càng bóng lên qua thời gian sử dụng.
Vậy chị ấy còn muốn bỏ cái bàn ấy đi nữa không? Tôi muốn đến xin về?
Không, bây giờ thì họ yêu quý nó nhất nhà rồi (cười). Bởi vậy những công trình xanh và thân thiện với môi trường vẫn là một thách thức cần được lan truyền. Vai trò của nhà nước là khuyến khích và hỗ trợ cụ thể, vai trò của kiến trúc sư là sẽ cần tư vấn để chủ nhà chấp nhận thay đổi tư duy, dù có những rủi ro nhưng sẽ có nhiều bất ngờ thú vị mà không thay đổi thì không thể nắm bắt hết những trải nghiệm khác biệt này. Việc quay về với thiên nhiên không chỉ là xu hướng mà dần dần sẽ phải là nhu cầu thật sự.
Vậy anh và các cộng sự của mình có kế hoạch gì cho việc tuyên truyền về xu hướng kiến trúc xanh này?
Chúng tôi sẽ đưa triển lãm kiến trúc “Chúng tôi làm” thành hoạt động thường niên, mỗi năm diễn ra ba lần. Trong các thiết kế của tôi luôn ưu tiên cho không gian mở, cây xanh, vật liệu thiên nhiên, sử dụng đồ tái chế nhằm giảm thiểu giá thành, đây là cách hay nhất để thuyết phục chủ nhà, và với những chủ nhà yêu quý thiên nhiên, chúng tôi sẽ đem đến cho họ một mội trường sống xanh thật sự, mỗi ngày.
Xin cảm ơn anh và chúc anh cùng các cộng sự thành công.
Nguyễn Phạm Khánh Vân