09:38 18/02/2008

Kỷ lục đầu tư vào các khu công nghiệp

Phạm Minh

Năm 2007, đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp đã có sự tăng đột biến

Tính đến cuối năm 2007 trong cả nước đã có 183 khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên là 43.687 ha, phân bố khắp 54 tỉnh, thành.
Tính đến cuối năm 2007 trong cả nước đã có 183 khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên là 43.687 ha, phân bố khắp 54 tỉnh, thành.
Tính đến thời điểm 31/12/2007, các khu công nghiệp trong cả nước đã thu hút trên 1 triệu lao động trực tiếp.

Bình quân 1 ha đất công nghiệp đã cho thuê thu hút được 72 lao động, và tạo ra được giá trị sản xuất kinh doanh trên 1,5 triệu USD. Cũng trong năm 2007, các doanh nghiệp khu công nghiệp nộp ngân sách được khoảng 1,1 tỷ USD.

Theo ghi nhận chính thức từ Vụ Quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): năm 2007, các khu công nghiệp trong cả nước đã tiếp tục đà tăng trưởng của các năm trước, đồng thời có những phát triển mới mang tính đột phá...

Đây cũng là năm có số lượng khu công nghiệp được thành lập mới và mở rộng nhiều nhất trong 16 năm xây dựng và phát triển các khu công nghiệp Việt Nam, gồm: 33 khu công nghiệp mới được thành lập, có tổng diện tích tự nhiên 9.024 ha; và 12 khu công nghiệp mở rộng diện tích thêm 1.992 ha.

Như vậy, tính đến cuối năm 2007 trong cả nước đã có 183 khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên là 43.687 ha, phân bố khắp 54 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 29.179 ha, bằng 66,8%. Trong số này có 111 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và đã cho thuê được 13.120 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp 73,7%...

Vẫn là những điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư…

TS. Trần Ngọc Hưng, Vụ phó Vụ Quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất, xác nhận, năm 2007 cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp đã có sự tăng đột biến, và đạt được ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể là, ngoài 14 dự án đầu tư nước ngoài và 31 dự án đầu tư trong nước vào phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp với tổng vốn trên 870 triệu USD và 20.200 tỷ đồng.

Các khu công nghiệp trong cả nước còn thu hút được 7.270 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó vốn đầu tư mới của 605 dự án là 4.805 triệu USD, và vốn tăng thêm của 459 lượt điều chỉnh dự án là 2.465 triệu USD. Đồng thời, các khu công nghiệp đã thu hút được thêm 41.629 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư của các dự án trong nước; gồm: 468 dự án mới và 128 lượt bổ sung điều chỉnh.

Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tp.HCM là những địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp nhiều nhất, với 4.519,3 triệu USD, chiếm 62% vốn đầu tư tăng thêm vào các khu công nghiệp cả nước. Riêng Đồng Nai, dẫn đầu về đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp với 1.745 triệu USD.

Về đầu tư trong nước vào các khu công nghiệp, Bà Rịa - Vũng Tàu cao nhất với trên 5.000 tỷ đồng, tiếp theo là Tp.HCM, Hải Phòng (trên 3.000 tỷ), Hải Dương (2.800 tỷ), Long An (2.100 tỷ)...

Tính chung, đến cuối năm 2007 các khu công nghiệp trong cả nước đã thu hút được 3.020 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn 29.872 triệu USD, và 3.070 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 197.382 tỷ đồng; và 31 dự án đầu tư nước ngoài và 152 dự án trong nước có tổng vốn 1.872 triệu USD và 57.600 tỷ đồng để phát triển hạ tầng các khu công nghiệp.

Trong số này đã có 2.012 dự án đầu tư nước ngoài và 1.930 dự án đầu tư trong nước đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 14.046 triệu USD và 104. 261 tỷ đồng, tương ứng với 47% và 53% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Các doanh nghiệp khu công nghiệp trong năm qua cũng đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2006: tổng doanh thu đạt 22,4 tỷ USD, tăng 24%; kim ngạch xuất khẩu đạt 10,8 tỷ USD, tăng 31,7%, và chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước...

… nhưng không ít bất cập

Việc thành lập mới và mở rộng các khu công nghiệp trong năm 2007 vừa qua, rõ là có tạo điều kiện cho một số địa bàn đặc biệt khó khăn ở các vùng Tây Bắc phát triển khu công nghiệp, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên, các khu công nghiệp vẫn tập trung nhiều tại các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm.

Trong tổng số 183 khu công nghiệp, thì tại 3 vùng kinh tế trọng điểm đã có tới 133 khu công nghiệp (chiếm 72,7%) với tổng diện tích tự nhiên 35.346 ha (chiếm 80,9%); riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có 87 khu công nghiệp (chiếm 47,5%) với tổng diện tích tự nhiên 24.198 ha (chiếm 55,3%)...

Đây là những địa phương có nhiều lợi thế về địa lý, địa chất, điều kiện kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông liên kết với các đô thị, trung tâm kinh tế lớn trong và ngoài nước đều thuận lợi... nên việc phát triển và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đạt nhiều kết quả khả quan so với nhiều địa phương khác trong cả nước.

Tuy nhiên, “thực tế, đã xuất hiện tình trạng các địa phương chưa tuân thủ chặt chẽ các điều kiện và tiêu chí về thành lập mới hay mở rộng diện tích các khu công nghiệp. Một số địa phương đã thành lập nhiều khu công nghiệp khi chưa đáp ứng điều kiện tỷ lệ lấp đầy và xử lý nước thải theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại quyết định 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006”, TS. Hưng cho biết.

Theo ghi nhận, trong năm 2007 đã có thêm 15 dự án xử lý nước thải tập trung trong các khu công nghiệp đi vào vận hành; nâng tổng số nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp hiện nay lên được 50, nghĩa là chưa đạt tới 50% so với số khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Nếu tính cả 20 nhà máy xử lý nước thải tập trung đang được xây dựng, dự kiến sẽ vận hành trong năm 2008, thì vẫn còn đó hơn 40 khu công nghiệp chưa tiến hành việc xây dựng này.

Điều đó dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với các dòng sông, suối và các khu dân cư lân cận các khu công nghiệp. Không ít doanh nghiệp khu công nghiệp tuy đã thực hiện một số biện pháp khống chế ô nhiễm môi trường, nhưng lại không vận hành các hệ thống này, không đăng ký chủ nguồn thải đối với các chất thải nguy hại, không thực hiện việc theo dõi, giám sát môi trường...

Nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp hiện cũng đang là vấn đề bức xúc. Trong những năm gần đây, nguồn lao động cung ứng cho các khu công nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung trở nên khan hiếm. Tại Bình Dương, số lao động là người ngoài tỉnh chiếm đến hơn 90%; còn tại Tp.HCM con số này là 70% vào năm 2007.

Báo cáo của nhiều ban quản lý các khu công nghiệp địa phương đều thừa nhận rằng: công tác chăm lo đời sống cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp còn hạn chế: thiếu nhà ở, chất lượng bữa ăn giữa ca thấp, thiếu các sinh hoạt văn hóa, tinh thần, doanh nghiệp vẫn còn vi phạm các quy định về lao động, nhất là các chế độ lương, thưởng, bảo hiểm xã hội...