00:10 02/07/2010

Lãi suất cơ bản: “Bóng” đang ở chân Ngân hàng Nhà nước?

Nguyễn Hoài

Vì nhiều lý do, Luật Ngân hàng Nhà nước mới vẫn giữ nguyên khái niệm lãi suất cơ bản cho dù chúng gây tranh cãi suốt mấy năm nay

Một vụ trưởng của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, muốn lãi suất cơ bản chính xác, khách quan và phù hợp với thị trường thì phải đi từ thị trường - Ảnh: Reuters.
Một vụ trưởng của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, muốn lãi suất cơ bản chính xác, khách quan và phù hợp với thị trường thì phải đi từ thị trường - Ảnh: Reuters.
Vì nhiều lý do, Luật Ngân hàng Nhà nước mới vẫn giữ nguyên khái niệm lãi suất cơ bản cho dù chúng gây tranh cãi suốt mấy năm nay. Nhưng có người nói vui, đó chỉ là câu chuyện “đười ươi giữ ống”, quan niệm và hành xử của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất cơ bản ra sao mới là điều quan trọng.

Hơn 10 năm trước, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu mặc dù được coi là những lãi suất chủ đạo trong công cụ điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhưng sự tồn tại của chúng gần như chỉ trên giấy hoặc mang tính chất chỉ định.

Cần tách bạch chức năng

Nói vậy là bởi, tại thời điểm đó, hầu hết các khoản giao dịch cho vay của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng đều mang tính chỉ định nên lãi suất của các khoản vay này (tái cấp vốn) thực ra là lãi suất chỉ định.

Còn đối với lãi suất tái chiết khấu thì do thị trường tín phiếu kho bạc và các giấy tờ có giá khác của Chính phủ hoạt động rất cầm chừng, lúc có lúc không nên lãi suất của chúng (tái chiết khấu) cũng chỉ ở… trên giấy!

Thậm chí, ngay cả lãi suất thị trường, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định “trần - sàn” và nói tóm lại, các công cụ điều hành lãi suất lúc bấy giờ chủ yếu mang tính chất tượng trưng, áp đặt và không phản ánh đúng bản chất quan hệ về giá vốn trên thị trường.
 
Từ thực tiễn này đã đặt ra yêu cầu phải có một loại lãi suất làm định hướng cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Bởi vậy, năm 1997, khi Luật Ngân hàng Nhà nước ra đời, đã quy định: “Lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh”.

Đến tháng 8/2000, lãi suất cơ bản chính thức đi vào cuộc sống nhưng trong suốt 8 năm liền, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã “ấn định” nhưng rốt cục, giao dịch trên thị trường không hề lấy lãi suất cơ bản làm “cơ sở”. Bởi lẽ, không ai hiểu được Ngân hàng Nhà nước lấy cơ sở nào để lãi suất cơ bản lúc thì 5%, lúc thì 7% hay 8%/năm.

Sự mờ nhạt này được kết thúc đến đầu năm 2008, do chịu nhiều tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế trong nước có nhiều diễn biến bất thường: lạm phát phi mã, lãi suất mất ổn định cả trên thị trường 1 và thị trường 2.

Trong tình cảnh khó khăn đó, Ngân hàng Nhà nước đã có một dịp may không thể may hơn: tại Bộ luật Dân sự có quy định lãi suất cho vay trong nền kinh tế không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản.

Vậy là Ngân hàng Nhà nước đã lấy luôn điều luật này để làm cơ chế điều hành lãi suất và lập tức, mặt bằng lãi suất được ổn định trở lại.

Nhưng cũng từ đó, lợi ích của bên gửi tiền và bên cho vay đều bị ảnh hưởng và điều nguy hiểm là cơ chế này đã đưa Việt Nam trở về thời kỳ “trần lãi suất” mà ngành ngân hàng đã mất hàng chục năm để xóa bỏ.

Một năm qua, bằng nhiều cách khác nhau, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải tháo gỡ dần cơ chế trên, như cho phép cho vay thỏa thuận đối với thẻ, tiêu dùng và gần đây, cho vay thỏa thuận đối với các giao dịch khác.

Nhưng sự chờ đợi nhất từ các tổ chức tín dụng vẫn là giải quyết dứt điểm vấn đề lãi suất cơ bản ngay trong Luật Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Luật Ngân hàng Nhà nước vẫn quy định: Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi.

Nhiều tổng giám đốc nói rằng: “Luật Ngân hàng Nhà nước vẫn quy định lãi suất cơ bản nhưng đó chỉ là câu chuyện “đười ươi giữ ống” mà thôi”. Theo họ, việc tháo gỡ “vòng kim cô” lãi suất cơ bản hoàn toàn phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước.

Bởi, nếu cơ quan này thiết kế được một mức lãi suất cơ bản phản ánh đúng giá vốn thị trường, hình thành trên cơ sở các quan hệ kinh tế là ổn.

Làm thế nào để xác định lãi suất cơ bản?

Có vẻ như “quả bóng” về lãi suất cơ bản đang thực sự ở trong chân của Ngân hàng Nhà nước. Một vụ trưởng của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, muốn lãi suất cơ bản chính xác, khách quan và phù hợp với thị trường thì phải đi từ thị trường.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cần lấy tham chiếu lãi suất ở nhiều nhóm ngân hàng thương mại khác nhau, sau đó thực hiện phép toán “bình quân gia quyền” để công bố một mức lãi suất cơ bản.

Còn ông Phạm Quốc Thanh, Phó tống giám đốc ABBank cho rằng, việc lấy “bình quân gia quyền” qua “rổ lãi suất” của nhiều ngân hàng thương mại để định ra lãi suất cơ bản cũng có mặt tích cực nhưng việc làm này lại có mặt hạn chế là “từ thị trường rồi quay về định hướng cho thị trường”.
 
Ông Thanh nêu ra một sáng kiến khác: một trong những loại lãi suất được các ngân hàng thương mại coi trọng là lãi suất đấu thầu trái phiếu Chính phủ, bởi chúng mang đậm dấu ấn của thị trường.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có thể dựa vào lãi suất trái phiếu Chính phủ của nhiều kỳ hạn khác nhau (1, 3 hay 5 năm…) sau đó “chốt” lại một mức lãi suất để làm lãi suất chủ đạo. Và lãi suất cơ bản phải được xây dựng trên nền lãi suất chủ đạo này.

Ở các nước có thị trường tài chính phát triển, lãi suất trái phiếu Chính phủ là một trong những lãi suất chủ đạo trên thị trường mà nhà quản lý căn cứ vào đó để điều hành chính sách tiền tệ.

Dĩ nhiên, điều này sẽ tỏ ra hiệu quả khi mà thị trường thứ cấp phát triển và làm như vậy sẽ còn góp phần hướng thị trường trái phiếu thứ cấp phát triển hơn - điều mà Việt Nam cần hướng tới.

Tuy nhiên, cũng có băn khoăn rằng, có những thời điểm thị trường trái phiếu Chính phủ “ế ẩm” thì Ngân hàng Nhà nước không có cơ sở tham chiếu.

“Nếu như vậy thì có thể do giá trái phiếu Chính phủ quá cao, không phản ánh đúng giá thị trường và Chính phủ phải xem lại mức giá của mình đã phù hợp hay chưa”, ông Thanh nói.

Đồng tình với quan điểm này, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng chia sẻ: “Nếu đưa ra một mức lãi suất cơ bản phù hợp, không chỉ tạo thuận lợi cho thị trường mà việc chống cho vay nặng lãi cũng không đáng ngại, bởi “dư địa” chống cho vay nặng lãi vẫn còn tới 150%”.