15:53 11/11/2008

Lãi suất giảm nhanh, huy động vốn chậm lại

Minh Đức

Lãi suất huy động của các ngân hàng đồng loạt giảm nhanh; tốc độ huy động vốn của hệ thống đang có tín hiệu chậm lại

Theo dự báo của ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, thời gian tới nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất cơ bản xuống dưới 12%/năm.
Theo dự báo của ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, thời gian tới nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất cơ bản xuống dưới 12%/năm.
Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm nhanh; tốc độ huy động vốn của hệ thống đang có tín hiệu chậm lại.

Ngày 11/11, nhiều ngân hàng cổ phần đồng loạt áp biểu lãi suất huy động mới; lãi suất huy động VND một số thành viên đã rút về gần mốc 13%/năm, riêng các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn 10% - 12%/năm.

Từ ngày 5/11, thực hiện cơ chế mới theo sự điều chỉnh các lãi suất chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm xuống mức thấp, đặc biệt ở khối quốc doanh và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Trong ngày 10 và 11/11, đến lượt nhiều ngân hàng cổ phần lớn nhỏ giảm mạnh, đưa mặt bằng chung ở nhóm này xuống dưới 14%/năm; chênh lệch lãi suất với một số ngân hàng đa có mức cao đã lên đến 1,5% - 2%.

Tại Ngân hàng Kỹ thương Techcombank, từ hôm nay, lãi suất VND tiết kiệm thường đều xuống dưới mốc 14,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Lĩnh lãi cuối kỳ, mức cao nhất tại ngân hàng này hiện có ở kỳ hạn 3 tháng với 14,35%/năm; kế đến là ở kỳ hạn 4 tháng với 14,2%/năm, kỳ hạn 5 tháng có mức 14%/năm. Đó cũng là 3 kỳ hạn có lãi suất từ 14%/năm trở lên, còn lại đều dưới 14%/năm.

Những mức lãi suất trên cũng gần với biểu lãi suất áp dụng từ hôm nay của Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank).

Tại một số ngân hàng cổ phần lớn như Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lãi suất huy động VND cũng đã rút về ở mức thấp. Như tại ACB, mốc 14%/năm có ở kỳ hạn 3 tháng; còn lại đều dưới 14%/năm; tại kỳ hạn 6 tháng chỉ còn 12,55%/năm lĩnh lãi hàng tháng; từ 9 tháng trở lên chỉ từ 9% - 12,5%/năm.

Tại những thành viên trên, lãi suất huy động VND hiện đã giảm từ 4% - 5%/năm so với những đỉnh điểm cuối tháng 6/2008.

Tại khối quốc doanh và Vietcombank, một “mặt bằng” mới cũng đã thiết lập, cao nhất là 14%/năm ở Vietcombank; cao nhất tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 13,5%/năm. Nhưng trong nhóm này cũng có sự chênh lệch khá lớn, như tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), mức cao nhất ghi nhận ở 16%, kỳ hạn 12 tháng.

Một điểm đáng chú ý là “đường cong lãi suất” tại khối quốc doanh đã được chỉnh lãi theo hướng từ thấp lên cao theo kỳ hạn thấp đến cao, từ không kỳ hạn đến 12 tháng.

Hiện trên thị trường, ở một số ngân hàng cổ phần, lãi suất huy động VND vẫn ở mức khá cao so với mức mới mà những ngân hàng trên vừa áp dụng. Như tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), các kỳ hạn từ 1 - 9 tháng đều có trên 15%/năm, cao nhất là 15,8%/năm.

Hay tại Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), với khoản tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên, người gửi vẫn được lãi suất từ 16,45% - 16,6%/năm ở kỳ hạn 6 tháng.

Theo dự báo của ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, thời gian tới nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất cơ bản (hiện ở mức 12%/năm); bởi theo ông lãi suất cho vay hiện nay vẫn gây khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp.

Nếu lãi suất cơ bản tiếp tục giảm, lãi suất cho vay giảm thêm, các ngân hàng sẽ phải giảm tiếp lãi suất huy động để giảm chi phí. Mặt khác, với nguồn vốn khả dụng đang dư thừa lớn, việc điều chỉnh lãi suất huy động thời điểm này có thể xem là một hướng hợp lý, dù cạnh tranh giữa các ngân hàng hiện vẫn chủ yếu qua lãi suất.

Đi cùng với việc giảm lãi suất đồng loạt nói trên, một số dự báo đang đề cập đến khả năng tốc độ huy động của hệ thống thời gian tới sẽ chững lại; phía sau đó là sự cân nhắc của các nguồn vốn nhàn rỗi đến những kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao hơn như vàng, chứng khoán, bất động sản… (tất nhiên, sự chuyển hướng đó đều đi cùng với khả năng có rủi ro).

Trên thực tế, tốc độ huy động của hệ thống ngân hàng đã có dấu hiệu chậm lại, theo dữ liệu từ báo cáo của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, trong tháng 10 vừa qua, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước chỉ tăng 2,42% so với tháng 9, thấp hơn mức tăng 3,8% của tháng 9 và mức 4,21% của cùng kỳ năm 2007; trong đó, số dư tiền gửi VND ước chỉ tăng 2,16%, thấp hơn mức tăng 4,39% của tháng 9 và số dư tiền gửi ngoại tệ ước tăng 3,18%, cao hơn mức tăng 2,09% của tháng 9. So với cuối năm 2007, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 16,61%.

Một điểm đáng chú ý là theo thông tin từ các ngân hàng thương mại lớn, cũng như từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tốc độ huy động tiền gửi từ đầu năm đến nay chủ yếu tăng từ khối dân cư!

Theo Ngân hàng Nhà nước, điều này cho thấy người dân vẫn tin tưởng vào hệ thống. Trong khi đó, lượng tiền gửi của khối doanh nghiệp có xu hướng giảm được giải thích từ nguồn tiền được đưa vào sản xuất kinh doanh thay vì gửi ngân hàng như trước đây.