15:22 21/05/2008

“Lãi suất mới sẽ “lọc” vốn vay!”

Anh Quân

Phó giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng cho rằng cơ chế lãi suất mới sẽ giúp “sàng lọc” các dự án kém hiệu quả

Nhiều ngân hàng đã đồng loạt nâng lãi suất huy động vốn trong những ngày qua - Ảnh: SGTT.
Nhiều ngân hàng đã đồng loạt nâng lãi suất huy động vốn trong những ngày qua - Ảnh: SGTT.
Từ đầu năm đến nay, Berjaya Vietnam, một doanh nghiệp địa ốc của Malaysia, đã thương thuyết thành công với nhiều dự án địa ốc của các doanh nghiệp trong nước.

>>Chuyên trang về lãi suất ngân hàng của VnEconomy

Nguồn cung tiền từ các ngân hàng suy giảm mạnh là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản không vay được vốn, và phải nhượng lại quyền thực hiện dự án của mình.

Sự đổ vỡ của hàng loạt dự án bất động sản không làm ngạc nhiên nhiều người, trong đó có TS. Đào Quang Thông, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng (Ngân hàng Nhà nước).

Theo lý giải của TS. Đào Quang Thông, căn nguyên của sự việc đã âm ỉ từ lâu, chỉ đến nay mới bung ra. Vấn đề nằm ở chính sách tiền tệ, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước chưa sử dụng công cụ lãi suất và tỷ giá một cách hữu hiệu, chưa thực sự theo tín hiệu thị trường.

Trao đổi với VnEconomy, ông Thông nói:

- Chúng ta đã áp dụng chính sách lãi suất không hợp lý trong một thời gian dài. Năm 2007, CPI (chỉ số giá tiêu dùng - PV) là 12,6% nhưng lãi suất huy động thấp hơn, chỉ khoảng từ 9,6 đến 10,8%/năm. Bốn tháng đầu năm 2008, CPI tăng 11,6% nhưng lãi suất huy động ngân hàng cũng vẫn chỉ chạy theo CPI.

Việc áp dụng lãi suất huy động như vừa qua trong khi lạm phát tăng cao khiến cho lãi suất tiết kiệm thực âm quá lâu. Người dân không muốn gửi tiền vào các ngân hàng, điều này dẫn đến nhiều cuộc “chạy đua” lãi suất huy động như chúng ta đã thấy trong thời gian vừa qua.

Chúng ta từng đảm bảo lãi suất tiền gửi thực dương, nhưng từ năm ngoái đến nay, chúng ta chưa thực hiện nguyên tắc này. Điều này giải thích vì sao Chính phủ đã cho áp dụng nhiều biện pháp rút tiền trong lưu thông về nhưng lượng tiền trong lưu thông vẫn cao.

Việc áp dụng mức lãi suất huy động thực âm nên cho vay cũng ở mức thấp tương đối so với lạm phát, khiến việc cho vay vẫn còn tràn lan, cho vay cả những dự án kém hiệu quả. Rất nhiều ngân hàng ở trong tình trạng này, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Vậy mức lãi suất cơ bản 12%, cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản mới được áp dụng có hợp lý?

Mức này là tương đối hợp lý trong điều kiện hiện nay. Với mức lãi suất cơ bản là 12% thì các ngân hàng chỉ dám huy động chung vào khoảng 15%, lãi suất cho vay sẽ vào khoảng từ 17% đến 18%/năm.

Tôi cho là mức lãi suất này đủ để “sàng lọc” các dự án kém hiệu quả. Hơn nữa, mức lãi suất này đủ sức để hút tiền gửi trong dân, có thể coi là theo đúng tín hiệu thị trường như chúng ta mong muốn lâu này.

Mức lãi suất mới này có gì lợi, hại, thưa ông?

Sẽ là khó khăn hơn cho các doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn. Doanh nghiệp cần phải chứng minh được tính khả thi, tính hiệu quả của dự án và khả năng trả nợ khoản vay. Nhưng tôi cho là lợi nhiều hơn hại.

Thứ nhất, lãi suất sẽ là công cụ hiệu quả để “sàng lọc” các dự án vay vốn. Để trả được nợ vay, các doanh nghiệp phải xem xét tính hiệu quả của dự án, định lượng vay bao nhiều là đủ.

Thứ hai, những khuyết điểm như đầu tư dàn trải, tràn lan trước kia nhận lỗi mãi mà không sửa được thì nay sẽ thể hiện rất rõ qua hiệu quả đầu tư và trả nợ vốn vay. Nó hữu hiệu hơn nhiều lần việc hô khẩu hiệu, tiết kiệm, cân nhắc, dãn tiến độ, tập trung, trọng điểm...

Chỉ khi chúng ta sử dụng công cụ lãi suất theo đúng tín hiệu thị trường sẽ có lợi cho nền kinh tế. Không sử dụng công cụ này hay sử dụng nó một cách méo mó thì chỉ có hại cho nền kinh tế.

Thứ ba, chúng ta đã bỏ đi thói quen “áp” mệnh lệnh hành chính đối với việc điều hành chính sách lãi suất, chuyển hẳn sang áp dụng lãi suất theo tín hiệu thị trường.

Đây cũng là cơ hội để thay đổi nhận thức về điều hành chính sách lãi suất. Việc cân đối luồng tiền vào, ra lưu thông nên để cho công cụ lãi suất điều khiển.

Bản thân các ngân hàng, với quyền được áp dụng mức lãi suất cạnh tranh sẽ “hút” tiền về hiệu quả hơn, qua đó làm giảm áp lực lạm phát trên thị trường.

Nhưng chúng ta vẫn còn trong giai đoạn phát triển với nhiều dự án mang tính xã hội hơn là đơn thuần mang lợi ích kinh tế?


Với những dự án mang tính xã hội cao như đầu tư cho giáo dục, y tế chẳng hạn, theo tôi Chính phủ nên có cơ chế riêng. Hơn nữa, Chính phủ nên xây dựng chính sách để làm sao huy động sức dân, sức doanh nghiệp vào các dự án loại này, kể cả nhà đầu tư nước ngoài.