Lãi suất năm 2007 chính thức khởi tranh
Một, hai, rồi ba, bốn… Số thành viên tham gia khởi động cuộc đua lãi suất năm 2007 đang bắt đầu mở rộng trên thị trường ngân hàng
Mở đầu năm kinh doanh mới, nhiều ngân hàng cổ phần lần lượt điều chỉnh lãi suất huy động, tạo nên một áp lực cạnh tranh mới với những sắc thái mới.
Mở hàng lãi suất năm nay là Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) với quyết định tăng lãi suất “Tiết kiệm điện tử”, áp dụng ngay từ ngày đầu tiên của năm (1/1/2007).
Lãi suất “Tiết kiệm điện tử” tiền VND của Techcombank tăng mạnh nhất ở kỳ hạn 12 tháng với mức tăng từ từ 0,12%/năm đến 0,17%/năm, lên 9,42%năm, 9,45%/năm và 9,48%/năm, tương ứng với các mức tiền gửi dưới 50 triệu VND, 50-200 triệu VND và từ 200 triệu VND.
Đối với “Tiết kiệm điện tử” tiền USD, mức tăng lãi suất nằm trong khoảng từ 0,10%/năm đến 0,23%/năm. Kỳ hạn 24 tháng có mức tăng lãi suất cao nhất, tăng từ 0,2% – 0,23%/năm lên 5,20%/năm, 5,23%/năm và 5,25% tương ứng với các mức tiền gửi dưới 5.000 USD, 5.000-15.000 USD và từ 15.000 USD trở lên.
Nhưng cuộc đua tăng lãi suất mới chỉ thực sự khởi tranh trong vài ngày trở lại đây, với sự tham gia của một loạt ngân hàng cổ phần.
Ngày 15/1, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) quyết định tăng lãi suất huy động đối với cả VND và ngoại tệ. Lãi suất VND kỳ hạn 1 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ, tăng từ 7,32 lên 7,68%; 2 tháng từ 7,92 lên 8,16%, 3 tháng từ 8,64 lên 8,76%...
Ngày 16/1, Ngân hàng An Bình (ABBank) điều chỉnh lãi suất huy động tiết kiệm USD với biên độ tăng 0,1%-0,25%/năm cho các kỳ hạn 1, 2, 3 và 6 tháng; trong đó tăng mạnh nhất là tiền gửi từ 50.000 USD đến dưới 100.000 USD với kỳ hạn 2 tháng (tăng tương ứng từ 4,35%/năm lên 4,55%/năm)…
Ngày 16/1, Ngân hàng Toàn cầu (G-Bank) tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND trên địa bàn Hà Nội với mức tăng bình quân từ 0,04 - 0,3 %/năm. Lãi suất mới lĩnh cuối kỳ 6 tháng lên 8,68%/năm, 12 tháng là 9,11%/năm, 24 tháng là 9,35%/năm...
Nghịch lý trong hợp lý
Những diễn biến trên có vẻ trái với những yếu tố đang hỗ trợ cho khả năng bình ổn lãi suất trên thị trường, nhưng lại đúng với yêu cầu hoạt động nội tại của các ngân hàng. Nghịch lý trong hợp lý đang tạo ra những sắc thái mới trong đợt khởi động này.
Cuối năm 2006, lạm phát có dấu hiệu chững lại ở mức khả quan nhất trong ba năm qua. Cũng trong năm 2006, lãi suất tăng trong khi vốn khả dụng của nhiều ngân hàng dư thừa đã được xem là một nghịch lý. Đầu năm 2007, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì các mức lãi suất chủ đạo; áp lực tăng lãi suất trên thị trường thế giới cũng giảm bớt, đặc biệt là lãi suất USD.
Nhưng lãi suất vẫn tăng. Thậm chí trong lần trò chuyện đầu năm với VnEconomy, một tổng giám đốc ngân hàng cổ phần cả quyết rằng: “Tôi xin cá là lãi suất sẽ vẫn tăng, nhiều ngân hàng sẽ phải tăng!” (dù đến thời điểm này ngân hàng ông lãnh đạo vẫn chưa điều chỉnh lãi suất).
Sự cả quyết đó có cơ sở từ sự hợp lý của đợt tăng lãi suất lần này. Nếu để ý, có thể thấy phần lớn các ngân hàng tham gia là những gương mặt mới trên thị trường, hoặc quy mô vốn và thương hiệu chưa thực sự mạnh; theo đó tăng lãi suất là một công cụ hiệu quả để hút vốn về phía mình. Đó là một sự hợp lý.
Thứ hai, thị trường tiêu dùng bước vào mùa mua sắm chuẩn bị Tết Nguyên đán, nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao. Trong quyết định tăng vừa qua, lãnh đạo một ngân hàng cho rằng nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao dịp Tết (giá tiêu dùng cũng tăng cao) là nguyên nhân chính để ngân hàng tăng lãi suất để có tiền đáp ứng. Trước đó, khả năng đáp ứng cũng đã bị ảnh hưởng từ kỳ đáo hạn tiền gửi cuối năm 2006. Đây cũng là một hợp lý.
Thứ ba, thị trường chứng khoán bước vào thời điểm nóng sốt nhất từ trước tới nay; lượng tiền thay vì gửi tiết kiệm được đổ vào chứng khoán rất lớn khiến hoạt động huy động của ngân hàng bị ảnh hưởng đáng kể. Đây cũng là sự chia sẻ mang tính lâu dài mà các ngân hàng phải đối mặt. Do đó tăng lãi suất để giảm bớt lực kéo của thị trường chứng khoán là một hợp lý.
Thứ tư, cũng mang tính lâu dài và kỳ vọng là thị trường bất động sản sẽ sôi động trở lại trong năm 2007. Những dấu hiệu vốn nước ngoài đổ vào thị trường này bước đầu cho thấy kỳ vọng đó có cơ sở. Và kỳ vọng đó hiện thực đồng nghĩa với lượng tiền trong dân cư sẽ rời ngân hàng để đổ vào bất động sản. Lãi suất tăng trong bối cảnh này cũng là hợp lý.
Thứ năm, mục tiêu tăng trưởng năm nay khá cao, cầu vốn cho nền kinh tế lớn mà kênh chủ yếu vẫn là ngân hàng. Áp lực này có thể chỉ giảm tải trong 5 - 7 năm nữa, khi thị trường vốn phát triển mạnh mẽ hơn, khả năng tự huy động vốn của các doanh nghiệp tốt hơn. Còn trước mắt, để đáp ứng vốn thì vẫn phải tăng huy động đầu vào từ lãi suất hấp dẫn.
Tuy nhiên, những hợp lý trên chỉ gói gọn trong yêu cầu nội tại của mỗi ngân hàng. Những ngân hàng lớn, có thâm niên, thương hiệu lớn thường có khả năng cung vốn dồi dào, khả năng hút vốn mạnh thì vẫn có thể “thảnh thơi” trong đợt khởi động này.
Còn với ngân hàng tham gia cuộc đua, có thể sẽ có những cân nhắc khó khăn, khi mà tiền lương lao động tăng, chi phí công sở, phí mặt bằng tăng, cả tiền điện, nước… cũng tăng, trong khi chênh lệch lãi suất huy động và cho vay, lợi nhuận chủ yếu, lại không thể kéo dãn ra mãi.