13:57 27/03/2007

Làm ăn với doanh nghiệp Pháp: 3 điều cần chú ý

Quỳnh Ngọc

Cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh về tình hình hợp tác thương mại Việt - Pháp

Theo ông Minh, hiện đã có 230 doanh nghiệp Pháp đến hợp tác làm ăn với Việt Nam.
Theo ông Minh, hiện đã có 230 doanh nghiệp Pháp đến hợp tác làm ăn với Việt Nam.
Sáng nay (27/3), Bộ Thương mại đã tổ chức Diễn đàn thương mại Việt - Pháp nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Pháp ngữ.

Bên lề diễn đàn, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh xung quanh tình hình hợp tác thương mại hai nước trong thời gian qua và những cơ hội trong tương lai, đặc biệt sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO.

Ông đánh giá thế nào về tình hình hợp tác thương mại giữa hai nước trong thời gian qua?

Trong khuôn khổ hợp tác ở Cộng đồng Pháp ngữ, ASEM, EU - Việt Nam, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hiểu biết lẫn nhau trong mọi lĩnh vực của hai nước không ngừng phát triển. Đặc biệt là trong quan hệ thương mại song phương, chúng ta đã tranh thủ được Hiệp định tiếp cận thị trường giữa Việt Nam với EU về xoá bỏ hạn ngạch hàng dệt may và cho phép Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU cũng như các ưu đãi thuế quan khác.

Nhờ vậy, trao đổi thương mại hai chiều liên tục tăng từ 737,9 triệu USD năm 2002 lên gần 1,3 tỉ USD trong năm ngoái. Điều này chứng tỏ sự năng động trong quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Tuy nhiên, so với tiềm năng hợp tác giữa hai nước, kết quả này vẫn còn khiêm tốn. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục cố gắng hơn để tăng cường các hoạt động trao đổi thương mại song phương, đặc biệt tận dụng các cơ hội khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO.

Vậy xin ông cho biết những cơ hội cho các doanh nghiệp Pháp khi vào làm ăn với Việt Nam sau khi Việt Nam đã gia nhập WTO?

Cơ hội rất nhiều và rất lớn dành cho không chỉ doanh nghiệp Pháp mà cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung.

Thứ nhất, có thể nói bây giờ các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO thể hiện rất rõ là Việt Nam cam kết tuân thủ các hiệp định cũng như các quy tắc của WTO.

Thứ hai là chính sách mở cửa thị trường rất rộng rãi để chào đón các nhà doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Pháp nói riêng. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ được hưởng một quy chế đối xử bình đẳng và không phân biệt; được tự do vào thị trường Việt Nam với các ưu đãi thuế quan và phi thuế quan; được tự do kinh doanh như các doanh nghiệp Việt Nam, tất nhiên trừ một số mặt hàng thuộc danh mục thương mại nhà nước và một số mặt hàng nhạy cảm chỉ cho phép sau một thời gian chuyển đổi.

Thứ ba là thuế nhập khẩu trung bình của Việt Nam sẽ giảm xuống còn 13%.

Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc, hợp tác và tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại với các đối tác Pháp, ông có thể cho biết một vài kinh nghiệm khi làm ăn với doanh nghiệp Pháp?

Tôi thấy có 3 điều rất quan trọng khi làm ăn với Pháp mà các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý. Thứ nhất, doanh nghiệp Pháp rất chặt chẽ về mặt thể lệ và chính sách. Đàm phán với họ cũng khó. Thế nhưng khi đã đàm phán được rồi thì con đường mở ra cũng rất thuận lợi.

Thứ hai, Pháp là nước phát triển vì vậy các điều kiện, quy chế, thể lệ, tiêu chuẩn đều rất chặt chẽ… Trong cộng đồng kinh tế châu Âu, Pháp là nước có yêu cầu cao nhất về tiêu chuẩn chất lượng và rất khắt khe. Vì thế chúng ta phải giữ uy tín trong lĩnh vực này thì mới đảm bảo làm ăn lâu dài được.

Vấn đề thứ ba chúng tôi cho rằng là cần phải tạo các điều kiện về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất để họ yên tâm khi làm ăn tại Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về việc sử dụng tiếng Pháp trong các hoạt động xúc tiến thương mại với Pháp?

Pháp rất chú ý đến vấn đề ngôn ngữ, do đó có cả một cộng đồng Pháp ngữ và cũng luôn khuyếch trương Pháp ngữ, đặc biệt là có hẳn một ngày Quốc tế Pháp ngữ.

Vì vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam có thể giao dịch với các doanh nghiệp Pháp bằng tiếng Pháp thì sẽ nâng nhiệt tình và sự quan tâm của họ rất nhiều. Mặt khác, văn tự của Pháp rất chặt chẽ, nếu như thông hiểu tiếng Pháp thì sẽ đảm bảo thành công hơn.