10:14 30/08/2010

Làm ăn với thị trường châu Phi

Xuất khẩu hàng hóa không phải là cánh cửa duy nhất để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường này

Chuyển gạo lên tàu để xuất khẩu - Ảnh: Lê Toàn.
Chuyển gạo lên tàu để xuất khẩu - Ảnh: Lê Toàn.
Chương trình hành động quốc gia Việt Nam-châu Phi giai đoạn 2004-2010 xác định châu Phi là thị trường trọng điểm đã được khởi động và kéo dài sang giai đoạn 2011-2015.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và châu lục này tăng bình quân 45% năm. Nhưng xuất khẩu hàng hóa không phải là cánh cửa duy nhất để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường này.

Xuất khẩu: cơ hội và rủi ro

Hiện Việt Nam có quan hệ thương mại với 50/54 quốc gia châu Phi, nhưng thị trường châu Phi bảy tháng đầu năm nay chỉ thu về cho xuất khẩu của nước ta gần 670 triệu Đô la Mỹ, tương đương cùng kỳ năm 2009, tính ra chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Với 100 triệu Đô la Mỹ nhập khẩu ở chiều ngược lại, Việt Nam là nước xuất siêu vào thị trường này. Trong đó, 30% tổng giá trị hàng hóa là xuất khẩu sang Nam Phi. Nhưng do Nam Phi đã bớt đi 60 triệu Đô la Mỹ từ việc giảm nhập vàng trong sáu tháng qua so với cùng kỳ năm 2009 nên kéo kim ngạch xuất khẩu đi xuống.

Kể cả trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, khi kim ngạch xuất khẩu vàng và đá quý sang Nam Phi tăng đột biến, đạt gần 70 triệu đô la mỗi tháng, theo thống kê của Bộ Công Thương, thì cũng chưa thể dựa vào đó mà cho rằng cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Phi đã được mở rộng hơn.

Bởi xuất khẩu vàng và đá quý chỉ mang tính thời điểm, được các doanh nghiệp Việt Nam nhập về gia công đơn giản và xuất đi để hưởng chênh lệch nhưng tính nguyên cả giá trị sản phẩm hàng hóa vào kim ngạch. Đây cũng không phải là mặt hàng có tên trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của nước ta.

Trong khi đó, thị trường châu Phi rộng lớn với hơn 50 quốc gia, chủ yếu là các quốc gia nghèo, đang phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP của châu lục này ước tính sẽ tăng khoảng 4,5% trong năm nay, cần nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu để đảm bảo đời sống. Do vậy, nhóm các mặt hàng chế biến của Việt Nam, chủ yếu là gạo, giày dép, dệt may, đồ nhựa, hạt điều, thuốc chữa bệnh thông thường... đều là những hàng hóa có thể đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong năm tháng đầu năm, chúng ta đã có những hợp đồng cung cấp gạo cho Angola, Bờ Biển Ngà, Ghana, ước tính thu về gần 700 triệu đô la Mỹ, chủ yếu là các hợp đồng xuất khẩu giữa các chính phủ. Còn về phần doanh nghiệp, ba mặt hàng bán chạy nhất là dệt may, giày dép và đồ nhựa có thời điểm tăng đột biến. Trong thời gian diễn ra World Cup vừa qua, thị trường Nam Phi nhập đến gần 1 triệu Đô la Mỹ giày dép (chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng). Sản phẩm dệt may xuất khẩu vào thị trường này cũng tăng mạnh với lý do tương tự.

Tại cuộc hội thảo quốc tế lần thứ hai về hợp tác Việt Nam-châu Phi vừa diễn ra tại Hà Nội hồi tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý rằng, châu Phi là thị trường tiềm năng lâu dài nhưng việc xuất khẩu của Việt Nam qua đây (chiếm 0,18% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả châu lục) còn nghèo nàn về cơ cấu, mặt hàng và các khuôn khổ pháp lý còn chưa được tận dụng để hạn chế những khó khăn, rủi ro cho cả hai phía.

Bất lợi hàng đầu mà các nhà xuất khẩu e ngại, ngoài thị trường xa xôi, chi phí vận chuyển lớn thì việc thanh toán quốc tế ở thị trường này là một rào cản đáng kể. Bà Lê Thị Thái Hòa, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, cho biết: “Phương thức thanh toán của nhiều nước châu Phi còn lạc hậu, đối tác thanh toán chậm, có khi bán hàng cả năm sau mới thu được vốn nên nhiều doanh nghiệp không muốn bán”.

Ngoài ra, hiện tượng lừa đảo qua mạng của nhiều đối tượng từ châu Phi gia tăng trong thời gian gần đây khiến nhiều doanh nghiệp dè dặt. Tuy nhiên, bà Hòa gợi ý: để có thể bám được thị trường, tránh rủi ro, doanh nghiệp cần tích cực liên hệ với Vụ Thị trường châu Phi và Thương vụ Việt Nam tại nhiều quốc gia ở lục địa đen để được giúp đỡ, tránh bị lừa đảo.

Việt Nam đặt mục tiêu năm nay tăng trưởng thêm 20% kim ngạch xuất khẩu vào châu Phi. Mục tiêu trên khó đạt được do xuất hiện một số yếu tố bất lợi, gây áp lực lên các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Chẳng hạn mặt hàng gạo phải cạnh tranh gay gắt với gạo Thái Lan do nước này bắt đầu xuất khẩu trở lại sau thời gian dài dự trữ khiến nguồn cung tăng cao. Myanmar cũng bắt đầu bước chân vào thị trường xuất khẩu gạo sang châu Phi như Việt Nam và Thái Lan. Sản phẩm vỏ ruột xe “vấp” phải một số quy định mới tại thị trường Ai Cập. Túi ni lông đối diện với tiêu chuẩn môi trường tại Morocco. Dệt may, da giày xuất sang Nam Phi đã đến ngưỡng vì sức mua tập trung vào kỳ World Cup đã qua.

Bộ Công Thương đang triển khai đề án “Sử dụng hệ thống doanh nghiệp đầu mối đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang châu Phi”. Đây cũng là một cách tập trung sức lực để gia tăng thị phần tại thị trường châu Phi, đồng thời hạn chế rủi ro từ những hợp đồng phân tán.

Đầu tư tại chỗ

Một cánh cửa khác có thể mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường châu Phi, đó là hình thức đầu tư trực tiếp, dù đây là con đường cũng rất dài. Lý do là ngành công nghiệp nhiều quốc gia châu Phi được xếp vào hàng lạc hậu nhất thế giới, chủ yếu xuất khẩu thô tài nguyên. Tỷ trọng bình quân sản lượng công nghiệp trong GDP của châu Phi mới đạt 25%. Trong khi đó, Việt Nam đã có một số thành công nhất định trong gia công, chế biến các sản phẩm công nghiệp.

Đã có một số dự án của doanh nghiệp được triển khai tại châu Phi như Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) đầu tư vốn và điều hành các dự án thăm dò dầu khí tại Algeria, Tunisia, Cameroon, Congo... Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đang triển khai dự án sản xuất phân bón tại Morocco với sản lượng dự kiến từ 660.000 đến 1 triệu tấn DAP/năm. Một số công ty tư nhân vừa và nhỏ cũng đã thành lập nhà máy, xưởng sản xuất bánh kẹo tại Ghana, Angola...

Để việc đầu tư được hình thành rõ nét hơn, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương làm đầu mối trong Chương trình hành động quốc gia Việt Nam-châu Phi 2011-2015, hướng đến mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch công nghệ sang châu Phi đồng thời với việc thu hút nguyên, nhiên liệu từ châu Phi vào ngành công nghiệp trong nước. Mười lĩnh vực được chọn ưu tiên là thăm dò, khai thác dầu khí, khoáng sản các loại, hóa chất phân bón, dệt may, da giày, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng, chế biến nông, hải sản, liên doanh sản xuất máy móc nông nghiệp và sản xuất xe đạp, xe máy.

Đây là một hướng gợi ý cho doanh nghiệp, nhưng để làm được điều này, doanh nghiệp cần những quyết sách cụ thể hơn từ Chính phủ qua các công cụ pháp lý, tài chính khuyến khích đầu tư sang châu Phi.

Ngọc Lan (TBKTSG)