10:06 11/10/2010

Lạm bàn về tính sáng tạo của người Việt

Trước khi khuyến khích tinh thần sáng tạo thì nên chăng dạy cho học sinh từ tấm bé về tinh thần kỷ luật và thái độ có trách nhiệm?

Minh họa: Khều.
Minh họa: Khều.
Trước khi khuyến khích tinh thần sáng tạo thì những người làm giáo dục nên chăng dạy cho học sinh từ tấm bé về tinh thần kỷ luật và thái độ có trách nhiệm? Dạy thật cụ thể thế nào là kỷ luật, thế nào là trách nhiệm chứ không chỉ hô hào suông! Có như thế thì vài mươi năm sau, chúng ta mới mong có được một đội ngũ lao động chuyên nghiệp.

Nhờ cái bửng xe bị rách toác mà tôi biết ông, một ông già người Hoa có cửa tiệm chuyên tân trang các loại bửng xe trên đường Phạm Viết Chánh. Ông ngồi đó trong căn tiệm nhỏ hẹp, kẹp cái bửng giữa hai chân và chăm chú làm việc. Ông không chỉ hàn vá mà còn tỉ mỉ mài, cạo để miếng vá được liền lạc, hài hòa với cả phần còn lại.

Giữa buổi sáng thành phố ồn ã, náo nhiệt, người ta vội vã ăn sáng, vội vã phóng xe, hình ảnh một ông già tỉ mẩn ngồi hàn bửng cứ như từ quá khứ hiện về, từ Sài Gòn nửa thế kỷ trước, thong dong, nhàn nhã. Tôi nhìn ông làm việc, muốn chụp một tấm ảnh để giữ kỷ niệm về một ông già có cách thức làm việc chăm chút, tỉ mỉ, để đem về dạy con dạy cháu.

Tôi thật sự thấy kính trọng ông vì tình yêu công việc, vì tinh thần trách nhiệm mà ông thể hiện trong từng động tác khiến cái bửng sau khi hoàn thành, người không tinh mắt khó mà nhận biết chỗ vá. Ông lấy tiền công 30.000 đồng, nhưng nếu ông đòi 100.000 đồng tôi vẫn hết sức vui vẻ trả vì ông xứng đáng được như vậy.

Báo chí cũng kể chuyện ở Nhật có một cụ ông làm nghề đánh giày đến vài chục năm. Giày ông đánh không chỉ sáng bóng như mới mà độ sáng bóng còn giữ được rất lâu khiến ông trở thành người đánh giày nổi tiếng.

Có du khách nước ngoài từng được ông đánh giày cho, lần sau khi trở qua Nhật đã mang theo hàng tá giày cho ông đánh và trả tiền công gấp mấy lần giá ông cụ đề nghị. Bởi vậy, không có công việc nào sang hơn hay hèn hơn việc nào, nếu công việc được làm với sự chuyên tâm và tinh thần trách nhiệm. Thế mới có chuyện người làm nghề đánh giày vẫn được người đời trân trọng!

Cách đây không lâu, một công ty châu Âu chuyên sản xuất động cơ máy bay đã có cuộc điều tra nghiên cứu về nguồn nhân lực của Việt Nam. Trong báo cáo khảo sát có một nhận xét đáng lưu ý như sau: so với người Thái Lan thì người Việt Nam sáng tạo hơn, năng động hơn nhưng lại thiếu phép tắc, thiếu nền nếp. Khi quy trình công việc được phổ biến, nếu người Thái răm rắp làm theo thì người Việt lại hay có sáng kiến chỉnh sửa quy trình.

Một chuyên gia ngành hàng không kể rằng để thay một tấm vật liệu trên thân máy bay, quy trình đòi hỏi rất khắt khe với những quy định cụ thể như động tác xoay con vít qua trái bao nhiêu lần, qua phải bao nhiêu lần…, vậy nhưng công nhân Việt Nam lại không tuân thủ vì nghĩ rằng đi theo quy trình chỉ tổ “rách việc”, quy trình này cần được cải tiến!

Kết quả là tấm vật liệu trị giá 15.000 Đô la Mỹ bị hỏng, hãng phải đặt hàng một tấm khác từ nước ngoài gửi về và phải chờ 15 ngày, trong suốt khoảng thời gian đó máy bay đành nằm ụ khiến hãng thiệt hại thêm vài triệu đô. Rõ ràng, chi phí cho sự “sáng tạo” không đúng chỗ quá đắt, chưa kể sự sụt giảm uy tín của hãng đối với khách hàng.

Chúng ta thường nghe những lời khen về sự khéo tay và sáng tạo (cũng lại sáng tạo!) của thợ Việt Nam nhưng đồng thời cũng nghe than phiền về tinh thần trách nhiệm của họ. Một cái máy còn mới tinh đang vận hành thì một con ốc bất ngờ văng ra chỉ vì trước đó nó không được siết chặt; một cái ổ cắm điện mới xài không bao lâu thì khe cắm đã không còn giữ được phích cắm; tốp thợ xây sửa nhà sau khi rút lui còn để lại một bãi chiến trường cho gia chủ dọn dẹp và cạo rửa mất mấy ngày…

Khổ thay, không chỉ có người thợ mà cả chủ doanh nghiệp và lãnh đạo chính quyền cũng thiếu gương mẫu về tinh thần trách nhiệm. Lô cốt “đi qua” để lại một mặt đường tái lập chiếu lệ, nham nhở; rừng đầu nguồn cũng đem cho nước ngoài thuê, và khi được hỏi về ảnh hưởng xấu của việc làm này trong tương lai thì vị lãnh đạo cao nhất của địa phương đã hồn nhiên trả lời rằng việc đấy (tác hại của việc cho thuê rừng) để vài mươi năm sau sẽ tính! Người ta chỉ chăm chăm biết đến công việc của mình, chủ ý làm sao cho xong phần việc của mình còn hệ lụy do thiếu trách nhiệm thì không cần biết tới.

Trước khi khuyến khích tinh thần sáng tạo thì những người làm giáo dục nên chăng dạy cho học sinh từ tấm bé về tinh thần kỷ luật và thái độ có trách nhiệm? Dạy thật cụ thể thế nào là kỷ luật, thế nào là trách nhiệm chứ không chỉ hô hào suông! Có như thế thì vài mươi năm sau, chúng ta mới mong có được một đội ngũ lao động chuyên nghiệp. Mà chuyên nghiệp là gì, phải chăng trước hết là làm đúng công việc được phân công, theo đúng quy trình được phổ biến và hoàn thành đúng thời gian?

Để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước khi cần những con người có tính sáng tạo để “đi tắt đón đầu” như khẩu hiệu ta thường nghe, chúng ta rất cần những người thợ, người chủ doanh nghiệp, những vị có chức sắc trong bộ máy công quyền làm đúng công việc của mình với một bổn phận và tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Nếu từ những người lao động giản đơn đến những chính trị gia đều có tấm lòng đối với nghề nghiệp mà ta hay gọi là lương tâm chức nghiệp như ông lão đánh giày bên Nhật hay ông thợ già hàn bửng xe ở một góc nhỏ của Sài Gòn thì Việt Nam đâu khó để vươn lên và phát triển.

Sơn Hà (TBKTSG)