05:00 01/12/2007

Làm gì với lao động “3 không”?

Quỳnh Lam

Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động nói về tình trạng thiếu kỹ năng của lao động xuất khẩu Việt Nam

"Ở hầu hết các thị trường, nhu cầu về lao động có tay nghề đang gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là những lao động có tay nghề cao."
"Ở hầu hết các thị trường, nhu cầu về lao động có tay nghề đang gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là những lao động có tay nghề cao."
VnEconomy hỏi chuyện ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động, xung quanh tình trạng thiếu kỹ năng của lao động xuất khẩu Việt Nam.

Không nghề, không ngoại ngữ, không tác phong công nghiệp


Thưa ông, tình trạng lao động thiếu kỹ năng đã ảnh hưởng như thế nào đến công tác xuất khẩu lao động?

Lao động xuất khẩu Việt Nam vốn xuất thân từ nông thôn, đa số không nghề, không ngoại ngữ, không tác phong công nghiệp, mà chúng ta vẫn thường gọi là lao động “3 không”, rất bất lợi khi muốn ra nước ngoài làm việc.

Thông thường, những lao động “3 không” bao giờ cũng rất khó được tuyển chọn và thu nhập thấp. Đối tượng lao động này cũng rất khó tiếp cận và học hỏi công việc cũng như phong tục tập quán, văn hóa của nước sở tại nếu được tuyển dụng. Thời gian kéo dài, sẽ dẫn đến tâm lý chán việc, tệ hơn là góp phần vào số lượng lao động bỏ trốn. Đó là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân người lao động.

Ngoài ra, thực trạng này còn ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu, uy tín lao động Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thực tế thì cho đến thời điểm này, thị trường lao động ngoài nước vẫn cần và chấp nhận một bộ phận lao động giản đơn, chưa qua đào tạo nghề hoặc trình độ nghề thấp. Tuy nhiên, ở hầu hết các thị trường, nhu cầu về lao động có tay nghề đang gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là những lao động có tay nghề cao.

Cụ thể, những thị trường truyền thống như Malaysia, Đài Loan đang tăng tốc nhu cầu lao động làm việc trong công xưởng, nhà máy, khu công nghệ cao; Nhật Bản, Hàn Quốc đều có chương trình tuyển chọn lao động kỹ thuật cao, chuyên gia cho một số nghề với chế độ cấp visa dài hạn và luôn được ưu tiên đặc biệt.

Những thị trường như Mỹ, Canada, Australia, Singapore được coi là thị trường cao nhất kể cả về thu nhập và diều kiện nhập cảnh. Muốn có một tấm visa vào những thị trường này, người lao động phải có kỹ năng nghề cao, kinh nghiệm làm việc thực tế và phải đạt trình độ tiếng Anh 4.5 điểm IELTS trở lên…

Theo ông, nguyên nhân nào khiến lao động xuất khẩu Việt Nam rơi vào thực trạng “3 không”?

Một trong những nguyên nhân chính của tình hình trên do chưa có sự gắn kết cht chẽ, hợp tác chiến lược giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Thực tế, hệ thống các trường dạy nghề khá nhiều nhưng phần lớn vẫn chưa bắt bén được nhu cầu thị trường cả trong ngành nghề lẫn công nghệ. Nhiều học viên học nghề xong không biết sử dụng những thiết bị hiện đại.

Còn việc dạy ngoại ngữ trong các trường dạy nghề hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, học sinh ra trường không đủ trình độ ngoại ngữ để đi làm việc ở nước ngoài.

Vì thế, từ trước đến nay, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đều tự tạo nguồn và tự đào tạo lấy lao động.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp chủ yếu là đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng. Doanh nghiệp nào có cơ sở dạy nghề thì chủ yếu dạy nghề ngắn hạn. Số doanh nghiệp xuất khẩu lao động có trường dạy nghề rất ít, và cũng không thể đào tạo được nhiều nghề để đáp ứng yêu cầu đa dạng về nghề của thị trường lao động quốc tế.

Ngoài ra, lao động khi có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài đều muốn đi bằng con đường nhanh nhất, việc họ không đủ kiên trì và kinh phí để theo học một lớp chính quy t12-24 tháng cũng là một nguyên nhân khiến họ phải mang cái “mác” lao động “3 không”.

Một mình doanh nghiệp không thể tự giải quyết

Đ
ể giải quyết thực trạng lao động trên, theo ông cần phải làm gì?

Điều đó quả thật không dễ chút nào, khi mà công tác đào tạo nghề và ngoại ngữ cho lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện chưa được đầu tư một cách bài bản.

Tôi nghĩ, muốn có một nguồn lao động đảm bảo chất lượng với tay nghề cao và phong phú, một mình doanh nghiệp xuất khẩu lao động không thể làm nổi. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống dạy nghề. Đã đến lúc các doanh nghiệp và nhà trường nên bắt tay nhau để đào tạo, đem lại lợi ích cho hai bên.

Cụ thể, nhà trường sẽ phải thực hiện được định hướng thị trường trong đào tạo, có cơ hội tiếp thu công nghệ đào tạo mới, nâng chất lượng đầu ra, tăng sức hấp dẫn cho đầu vào. Khi học sinh ra trường, được đối tác chấp nhận thì doanh nghiệp cũng dễ dàng được chọn mặt gửi vàng.

Ngược lại, khi nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, doanh nghiệp sẽ tránh được tình trạng tuyển lao động theo kiểu ăn đong, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cũng như số lượng cho đối tác. Như thế, doanh nghiệp sẽ giữ được uy tín, có cơ hội giữ và mở rộng thị trường.

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề này cũng cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước. Vai trò của nhà nước chính là việc tạo cơ chế, theo dõi và chỉ đạo sự gắn kết đó đi đúng hướng và hiệu quả.