13:25 07/03/2011

Lạm phát giá lương thực đáng lo hơn giá dầu cao?

An Huy

Giá lương thực leo thang, thay vì giá dầu cao, có khả năng sẽ trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Giá lương thực đang trở thành mối đe dọa lớn hơn giá dầu.
Giá lương thực đang trở thành mối đe dọa lớn hơn giá dầu.
Nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo, giá lương thực leo thang, thay vì giá dầu cao, có khả năng sẽ trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay. Gánh nặng từ lạm phát giá lương thực sẽ chủ yếu chất lên vai các quốc gia đang phát triển vốn là động lực chính cho sự phục hồi hiện nay của nền kinh tế thế giới.

Mấy tuần trở lại đây, giá dầu lửa được đẩy tăng cao gần như bởi một yếu tố duy nhất là khủng hoảng chính trị ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Giới đầu tư lo ngại, cuộc xung đột ở Libya có thể trở thành nội chiến, đồng thời lan sang nước sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới là Saudi Arabia.

Tuy nhiên, với giả thiết nguồn cung dầu từ Saudi Arabia không bị gián đoạn, ảnh hưởng đối với hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng toàn cầu sẽ không lớn. Trong khi đó, giá lương thực-thực phẩm được dự báo là sẽ còn tăng cao hơn nữa sẽ gây áp lực lớn hơn đối với ngân sách của các hộ gia đình.

“Ở thời điểm hiện tại, sự tăng giá lương thực là điều đáng lo ngại hơn cả”, ông Thomas Helbling, một cố vấn trong bộ phận nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát biểu trên Reuters.

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner cũng bày tỏ quan điểm tương tự khi chỉ ra rằng, các nước giàu có thể sử dụng tới kho dự trữ dầu lửa chiến lược trong trường hợp cần thiết, trong khi giá lương thực-thực phẩm sẽ còn ở mức cao “trong một thời gian dài nữa”.

Trong bài phát biểu trước thềm kỳ họp Quốc hội thường niên vào cuối tuần vừa rồi, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định, chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh trong năm nay. Theo ông Ôn Gia Bảo, Chính phủ Trung Quốc sẽ nỗ lực kiềm chế mức lạm phát cả năm dưới 4%.

Giá lương thực-thực phẩm và giá nhà tăng mạnh là những nhân tố chính đẩy lạm phát tăng nóng tại Trung Quốc trong thời gian qua. Trong tháng 1 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, tăng tốc so với mức 4,6% trong tháng 12, tuy thấp hơn mức 5,1% trong tháng 11.

Trong tuần này, các thống kê về bán lẻ tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Anh sẽ cho thấy người tiêu dùng đã ứng phó ra sao trong tháng 2 vừa qua, khi bạo lực ở Libya đẩy giá năng lượng tăng mạnh.

Các chuyên gia kinh tế được Reuters thăm dò ý kiến thậm chí còn dự báo, tháng 2 vẫn là một tháng tăng trưởng bùng nổ của lĩnh vực bán lẻ tại Trung Quốc, với mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ có thể lên tới 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Đối với Mỹ, mức dự báo tăng trưởng doanh thu bán lẻ tháng 2 là 1% so với tháng 1, cao hơn mức tăng đạt được trong tháng 1 so với tháng 12/2010.

Cần lưu ý rằng, một phần của sự tăng trưởng tiêu dùng nói trên phản ánh việc người tiêu dùng phải chi thêm tiền để mua xăng dầu trong tháng 2, và nếu giá dầu còn tiếp tục duy trì ở mức cao, người dân sẽ phải “thắt lưng buộc bụng”. Theo điều tra của Reuters, cho tới thời điểm này, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ vẫn đang tăng cùng với sự gia tăng của giá xăng dầu. Nhưng các chuyên gia nhận định, nếu giá dầu cao hơn nữa, niềm tin của người tiêu dùng sẽ giảm xuống đầu tiên.

Tuy nhiên, theo như sự đặt cược của giới đầu tư dầu lửa, giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ sẽ đạt đỉnh ở mức khoảng 106 USD/thùng trong năm nay và sẽ giảm sâu vào năm tới.

Chuyên gia kinh tế Peter Hooper của ngân hàng Deutsche Bank cho rằng, một cú sốc dầu lửa “vừa phải”, với giá dầu tăng trên 110 USD/thùng, sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 0,4%. Đây sẽ là một mức thiệt hại khá nhỏ nếu so với mức dự báo tăng trưởng 4,2% mà các chuyên gia dự báo về kinh tế thế giới năm nay trong một cuộc thăm dò của Reuters.

Cũng theo ông Hooper, nếu giá dầu chạm 150 USD/thùng, thì tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ bị “gọt” mất 2%, nhưng khả năng xảy ra mức giá dầu này chỉ là 10-15%.

Trong khi đó, giá lương thực-thực phẩm được nhiều chuyên gia dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, một phần do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, một phần do mức sống tăng trên phạm vi toàn cầu đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt lên cao. Chi phí cao hơn này sẽ đổ phần nhiều lên các nước đang phát triển, nơi tiền mua thức ăn chiếm một tỷ lệ lớn hơn trong ngân sách của các hộ gia đình.

Tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick phát biểu với Reuters rằng, các chính trị gia ở các nước giàu không phải lúc nào cũng nhận thức được những thách thức về chính trị và kinh tế mà giá lương thực-thực phẩm cao gây ra đối với các nước đang phát triển. Trong trường hợp giá lương thực-thực phẩm cao gây thiệt hại cho tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, nền kinh tế toàn cầu nói chung sẽ gặp trục trặc.

Theo dự báo của IMF, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, trong khi các nền phát triển được dự báo chỉ tăng 2,5%.