10:25 20/11/2009

Lạm phát ở xa, tỷ giá ở ngay trước mặt

Anh Quân

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhìn nhận về những mất cân đối vĩ mô hiện nay

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến 30/10/2009, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 23,99%, tín dụng tăng trưởng 33,29% so với cuối năm 2008.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến 30/10/2009, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 23,99%, tín dụng tăng trưởng 33,29% so với cuối năm 2008.
Dư nợ tín dụng tăng cao gấp gần 8 lần tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; bội chi ngân sách bằng 6,9% GDP; thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể tới 1,9 tỷ USD trong năm 2009…

Những lo ngại bất ổn vĩ mô đang dấy lên trong giới phân tích và các chuyên gia kinh tế.

Nhìn nhận một số cân đối vĩ mô chính, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng áp lực lạm phát có thể tăng cao, nhưng là vấn đề của năm sau. Trong khi đó, tỷ giá là nhiệm vụ trước mắt cần giải quyết.

Cung tiền, tín dụng vượt dự kiến: Không thể làm khác

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến 30/10/2009, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 23,99%, tín dụng tăng trưởng 33,29% so với cuối năm 2008. Theo ông, vì sao lại có chuyện các chỉ tiêu này dễ dàng vượt kế hoạch như vậy?

Đầu năm nay, khi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đưa dự kiến mức tăng tổng cung tiền, tăng tín dụng (khoảng 23-25% và 25-27% - PV), chúng ta đang trong điều kiện nới lỏng chính sách tiền tệ, nới lỏng chính sách tài khóa để phục vụ mục tiêu kích thích kinh tế, ngăn chặn suy giảm. Mức như vậy là phù hợp với tình hình.

Trong quá trình thực hiện, với cơ chế bù lãi suất, đặc biệt là lãi suất ngắn hạn 4%, và nới lỏng cho vay thỏa thuận cao hơn lãi suất trần, theo sự cho phép của Quốc hội (nghị quyết kỳ họp thứ 4, tháng 11/2008 - PV), thì tổng cầu tín dụng trên thị trường đã tăng khá mạnh, dẫn tới việc buộc phải điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quý 2 và quý 3/2009 như vừa qua, chúng ta cũng khó mà “siết” tín dụng để hạn chế tăng tín dụng trong khi tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng để phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tuy tăng tín dụng có cao hơn dự báo ban đầu, nhưng nếu chúng ta giám sát tốt vòng quay của đồng tiền, kênh dẫn của dòng tiền, thì vẫn có thể ngăn chặn những tác dụng phụ của nó.

Đặc biệt, chúng ta cũng nên lưu ý đến đặc thù năm nay, do suy giảm kinh tế, tốc độ quay của đồng tiền chậm lại, cho nên tổng cung tiền cần phải lớn hơn. Như vậy, khối lượng tiền hoạt động trong thị trường lớn cũng là đúng thôi.

Liệu có thể cho rằng cách điều chỉnh như vậy của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý?

Tôi cho rằng cách điều chỉnh như vậy là cần thiết, không thể làm khác được. Tuy nhiên, nếu tổng dư nợ tín dụng năm nay lên đến gần 40% thì đây là một nguy cơ gây tái lạm phát cao.

Hơn nữa, từ nay đến cuối năm, chúng ta sẽ giải ngân rất nhiều trong nguồn bội chi ngân sách cho đầu tư, các công trình đều phải tăng nhanh giải ngân, thì áp lực tăng cung tiền trên thị trường sẽ rất lớn, có thể kéo đến quý 1/2010.

Bên cạnh đó, chính sách nới lỏng tiền tệ, tài khóa còn có độ trễ, do đó càng áp lực hơn lên nguy cơ bất ổn của năm 2010.

“Áp lực lạm phát là rất rõ”

Ông đánh giá gì về mức chênh lệch khá lớn giữa tốc độ tăng tín dụng, cung tiền so với tăng trưởng GDP dự kiến chỉ 5,2% trong năm nay?

Năm 2009 này, nếu tăng trưởng GDP khoảng 5,2%, trong khi tăng trưởng tín dụng lên đến gần 40%, có nghĩa là để nền kinh tế tăng trưởng thêm 1 đồng, chúng ta phải tăng tín dụng gần 8 đồng. Đây là một tỷ lệ quá cao so với nhiều nước trong khu vực.

Trong báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình trước Quốc hội vừa rồi, bình quân các năm trước, tỷ lệ này là 3,85. Trong khi với các nước trong khu vực, Indonesia là nước cao nhất có tỷ lệ này là 3,32, còn lại chỉ từ 1 đến 1,3.

Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của ta quá thấp, chi phí vốn quá lớn, gây áp lực lên nền kinh tế. Có cảm nhận rằng không biết phải tăng bao nhiêu tiền để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Và áp lực lạm phát là rất rõ.

Vấn đề này mang tính cơ cấu. Sử dụng vốn kém hiệu quả làm cho sức cạnh tranh của nền kinh tế giảm, dẫn tới cơ cấu kinh tế kém sức cạnh tranh.

Áp lực tăng trưởng dẫn tới đầu tư tăng mạnh và bội chi ngân sách cũng được duy trì ở mức cao, liên tục trong nhiều năm gần đây. Ông có cho rằng điều này là đáng lo ngại?

Tôi cho rằng đây là vấn đề đáng quan tâm, và tôi cũng đang lo lắng.

Trong cùng lúc, chúng ta nới lỏng cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, và duy trì mức bội chi ngân sách cao. Như nói trên, chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP vượt quá xa mức chúng ta bảo đảm tính hiệu quả của nền kinh tế.

Tất cả những yếu tố này đều tiềm ẩn tái lạm phát trong thời gian tới, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

“Khó khăn nhất hiện nay là vấn đề ổn định tỷ giá”

Thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể dự kiến sẽ lên tới 1,9 tỷ USD trong năm nay, gây áp lực phải huy động nguồn lực từ bên ngoài nhiều hơn. Đây có phải nguyên nhân gây áp lực lên cặp tỷ giá VND/USD?

Theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nợ quốc gia của chúng ta đã tăng khá cao, đến gần mức báo động. Chúng ta vay nợ nước ngoài chỉ một phần. Nhưng dù là nợ Chính phủ hay nợ của doanh nghiệp thì đều gây áp lực đến thanh toán quốc tế của Ngân hàng Nhà nước, gây áp lực lên tỷ giá.

Tôi cho rằng, yếu tố tiềm ẩn và khó khăn nhất hiện nay là vấn đề ổn định tỷ giá. Vì 4 yếu tố tạo nguồn cung ngoại tệ gồm xuất khẩu, giải ngân FDI, doanh thu du lịch, kiều hối trong đó có FII, tất cả 4 nguồn này cùng lúc đều giảm trong năm 2009. Trong khi đó, nhập siêu giảm không đáng kể, năm nay vẫn vào khoảng 12 tỷ USD.

Do đó, cán cân thanh toán tổng thể mọi năm là dương thì năm nay có thể âm đến 1,9 tỷ USD, như Ngân hàng Nhà nước có báo cáo.

Cộng vào đó, gói hỗ trợ tín dụng tiền đồng 4%, tình trạng "ghìm" lại USD, các doanh nghiệp không sử dụng vay ngoại tệ mà vay tiền đồng để mua ngoại tệ… là áp lực tạo sức cầu ngoại tệ gia tăng. Cho nên, tôi cho rằng trong các vấn đề vĩ mô thì tỷ giá là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay.

Nếu giữ tỷ giá như Chính phủ đã công bố, trong tình hình như thế này là rất khó khăn.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ổn định

Trước nguy cơ tái lạm phát, hệ thống ngân hàng đang khó khăn trong thu hút tiền gửi của xã hội. Đã nên tăng dự trữ bắt buộc, thưa ông?

Hiện nay, lãi suất huy động khoảng từ 8 đến 8,5% cho kỳ hạn 1 năm. Nếu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm khoảng 6-7% thì lãi suất thực dương khoảng 2%. Như vậy có động lực huy động vốn.

Tuy nhiên, nguồn vốn của nền kinh tế dân cư đang hoạt động bên ngoài hệ thống ngân hàng thương mại. Hầu hết hộ gia đình, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi cần huy động vốn có thể tiếp cận tín dụng từ bên ngoài mà không qua hệ thống ngân hàng. Chứ không phải toàn bộ tiền đã đổ vào hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, có yếu tố tâm lý nữa. Thời gian gần đây, khi giá vàng và USD cao, lo nguy cơ lạm phát cao… trong những thời điểm nhất định, người dân đã mua vàng, dự trữ USD, tạo sự hụt hẫng đối với huy động của hệ thống ngân hàng thương mại.

Nhưng theo tôi, nếu duy trì tốt chỉ số CPI thì huy động của hệ thống ngân hàng sẽ tăng trong thời gian từ nay đến cuối năm. Bởi vì, đó là kênh đầu tư tốt nhất đối với người dân.

Tín dụng tăng cao, hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay có đứng trước rủi ro lớn hơn không, đặc biệt là tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại?

Với nguồn tín dụng hỗ trợ lãi suất ngắn hạn 4% thì lượng tín dụng tăng khá cao. Đó cũng là yếu tố kích thích dư nợ tín dụng cao. Vậy thì, nó có gây bất ổn ngân hàng không?

Theo tôi, trước mắt nếu có, trong điều kiện tín dụng tăng nhanh, có thể gây nguy cơ nợ xấu. Nhưng như Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, nợ xấu vẫn được khống chế dưới 3% thì không có nhân tố tạo rủi ro mất thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Tôi tin rằng cho dù trước mắt có thể có khó khăn, nhưng yếu tố thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại vẫn là an toàn. Bởi vì trong điều kiện hiện nay, Ngân hàng Nhà nước còn có khả năng “mở cửa” công cụ chiết khấu, tái chiết khấu, tái cấp vốn.

Chỉ cần “nhích” cửa sổ này thì hoàn toản bảo đảm thanh khoản. Tôi tin rằng yếu tố thanh khoản vẫn ổn định.

Chính sách nên “qua sông dò đá”

Chính sách tiền tệ trong năm tới, theo ông có còn dư địa để tiếp tục theo đuổi nới lỏng?

Năm tới, chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa có thể sẽ rất khó khăn. Tôi cho rằng hiện nay, chính sách tiền tệ của Chính phủ đã theo hướng nới lỏng thận trọng.

Khi mà nền kinh tế thế giới phục hồi, giá cả gia tăng, áp lực bên ngoài lớn hơn, thì những yếu tố bên ngoài ấy sẽ đẩy giá trong nước lên. Cộng với độ trễ của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hiện nay, áp lực lạm phát là cao. Mà khi áp lực lạm phát cao thì chính sách tài chính, tiền tệ phải thu hẹp lại chứ không thể nới lỏng được nữa.

Theo kinh nghiệm của các nhà điều hành chính sách tiền tệ trên thế giới, trong bối cảnh hiện nay, mọi chính sách đều nên thực hiện theo kiểu qua sông dò đá. Tức là chúng ta xem tín hiệu và điều chỉnh, chứ không thể khẳng định chính sách cố định từ nay đến hết năm 2010, kể cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Quan trọng là làm sao phối hợp nhịp nhàng hai chính sách này, để không mâu thuẫn nhau. Tôi cho rằng Chính phủ cũng đã đặt ra vấn đề này.

Gần đây có ý kiến cho rằng trách nhiệm kiểm soát lạm phát hiện nay đang trao cho Ngân hàng Nhà nước là quá nặng. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Nguyên nhân lạm phát rất nhiều, có những yếu tố ngoài tiền tệ, ví dụ như bội chi ngân sách chẳng hạn. Giao trách nhiệm hết cho Ngân hàng Nhà nước là không phù hợp. Tôi cho rằng, Chính phủ nên đóng vai trò chỉ đạo chung, phối hợp tất cả các chính sách và các cơ quan liên quan.

Liên quan đến những rủi ro từ cơ cấu, theo ông, Chính phủ có nên quy định đến lúc nào thì chấm dứt bội chi, hoặc lúc nào hết nhập siêu không?

Tôi cho rằng vấn đề này cần có lộ trình. Như vừa rồi nhiều đại biểu đã đề nghị, bội chi năm 2010 nên giảm dần, từ 6,9% GDP xuống 6%. Nhưng cuối cùng cân đối mức 6,2%.

Bội chi để đầu tư đối với những nước như chúng ta là cần thiết. Nhưng hiện nay, bội chi chúng ta tính chưa hết. Những nguồn như phát hành trái phiếu Chính phủ chưa được tính vào bội chi. Cho nên, nếu cộng tất cả lại, bội chi còn cao hơn chứ không phải chỉ có 6,2% GDP.

Tôi cho rằng, bội chi có thể kiểm soát, nhưng quan trọng hơn đối với Chính phủ hiện nay là hiệu quả chi đầu tư. Nếu bội chi 6-7% GDP mà hiệu quả thì chúng ta không gây áp lực lạm phát.

Ngoài ra, bên cạnh kênh tiền tệ, chúng ta còn phải quan tâm đến kênh tài khóa, ngân sách hơn nữa. Vì rủi ro tiềm ẩn cũng có nguyên nhân từ dòng tiền đầu tư từ ngân sách. Và một cơ cấu kinh tế chỉ nhập siêu thì làm sao có ổn định được.

 Tôi cũng đã có lần  chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về lộ trình giảm nhập siêu, nhưng chưa có trả lời rõ về vấn đề này.