“Lạm phát” sân golf
Sân gofl không đóng góp bao nhiêu cho tăng trưởng kinh tế, nhưng đất tốt bị mất, lao động mất việc làm, môi trường bị tổn hại
“Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam đất nông nghiệp lại bị tấn công mãnh liệt, có tổ chức, qui mô rộng và đầy quyết tâm như hiện nay... Trong những “sát thủ” của cây lúa, của nghề nông ngày càng đông... nay là sân golf, mai có thể là bóng chày hay nhiều môn thể thao quý tộc khác”, GS.TS Trần Duy Quy (nguyên Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cảnh báo.
Theo báo cáo gần đây của 51/64 tỉnh, thành gửi Bộ Tài nguyên Môi trường về tình hình thu hồi đất để xây dựng sân golf, trên địa bàn cả nước hiện có 123 sân golf được chấp thuận về chủ trương đầu tư, được cấp phép xây dựng với tổng diện tích là 38.445 ha, trong đó có 15.264 ha đất nông nghiệp (đất trồng lúa là 2.433 ha).
“Xé nát”... đồng lúa
Khu vực có nhiều sân golf nhất là Đông Nam Bộ - 36 sân golf, trong đó Tp.HCM có 13 sân golf, Bà Rịa - Vũng Tàu 12 sân golf, Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh có 4 sân golf.
Trước đây, báo chí nói nhiều đến Long An vì chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm (từ cuối 2004 đến đầu năm 2007), tỉnh này đã chấp thuận đầu tư một loạt 13 dự án sân golf, đồng thời tiếp nhận 5 dự án khác với diện tích 9.500 ha.
Thấy sự phát triển không bình thường, cuối tháng 4/2008 các nhà chức trách Long An mới quyết định chỉ chọn 3 dự án sân golf tại 3 huyện là Thủ Thừa, Cần Giuộc, Đức Hoà với tổng diện tích 720 ha; các dự án sân golf còn lại phải chuyển mục đích đầu tư khác.
Từ 13 dự án bị rút xuống chỉ còn 3 dự án, nhưng người dân bị thu hồi đất xây dựng sân golf vẫn rất bức xúc. Cụ thể như dự án sân golf tại xã Mỹ Phú (Thủ Thừa). Theo ông Châu Hải Ngạt, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phú, dự án được triển khai ngay vùng đất năm làm 2 vụ lúa. Toàn xã có 777 ha đất lúa thì bị thu hồi mất 256,3 ha. 600 hộ lâu nay sống nhờ ruộng bị mất đất, chưa biết tương lai đi về đâu?
Đi sâu vào ĐBSCL, tại vùng lúa Hậu Giang có một dự án sân golf với diện tích 232 ha cũng đã được chính quyền địa phương chấp thuận. Sân golf được xây dựng trên vùng đất lúa của xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành. Chủ dự án không phải là người nước ngoài, mà là Công ty Golf Hậu Giang (Việt Nam), hiện nay đang lập qui hoạch chi tiết.
Dân không đồng tình, nhưng ông Phó chủ tịch UBND tỉnh thì cho rằng: “Khu vực này trồng lúa cho năng suất không cao và không phải vùng lúa cao sản”(?).
Hưng Yên là một tỉnh nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, hầu hết đất sản xuất đều là “bờ xôi ruộng mật”, đất trồng lúa màu mỡ. Mấy năm nay Hưng Yên là một trong những điển hình về việc lấy đất nông nghiệp để xây khu công nghiệp, khu đô thị. Đến thời điểm này tỉnh đã quy hoạch tới 20 khu công nghiệp tập trung, cần tới 6.155 ha đất vào năm 2015 và 9.035 ha vào năm 2020. Điều này đồng nghĩa với hàng chục nghìn ha đất trồng lúa sẽ tiếp tục bị “bức tử”.
Ngoài những nhà máy mọc san sát dọc quốc lộ 5, tiến đến là quốc lộ 39, không hiểu vì sao Hưng Yên đã đưa cả sân golf, khu vui chơi giải trí về đồng lúa. Đó là quy hoạch 180 ha đất lúa tại 2 xã Long Hưng, Nghĩa Trụ (huyện Văn Giang) đã được phê duyệt cho khu tổ hợp dịch vụ Văn Giang mà thực chất là dự án sân golf 18 lỗ?
“Nuốt chửng” cả... cù lao
Cù lao Thới Sơn (huyện Châu Thành, Tiền Giang), có diện tích tự nhiên 1.200 ha. Nhờ vị trí địa ly đắc địa: nằm cạnh thành phố Mỹ Tho, giữa sông Tiền bốn bề sông nước, kênh rạch chi chít; 600 ha cây ăn quả quanh năm xanh tốt... nên lâu nay Thới Sơn là điểm du lịch nổi tiếng của ĐBSCL. Hàng năm cù lao xanh thu hút hơn 300.000 lượt khách, trong đó 2/3 là khách quốc tế.
Người dân đang mừng, vì tháng 9/2008 khi cầu Rạch Miễu thông xe thì khách du lịch sẽ đến với Thới Sơn ngày càng nhiều hơn. Thới Sơn sẽ không còn là ốc đảo, bởi có một nhánh cầu nối liền với đường dẫn lên xuống đất cù lao. Thế nhưng, người dân Thới Sơn mừng chưa kịp vui khi nghe tin cả cù lao sẽ bị giải toả trắng để làm sân golf.
Chủ đầu tư là Công ty TNHH Mêkông - Thới Sơn, muốn “nuốt chửng” cả Thới Sơn với một dự án được quảng bá là rất “hoành tráng”, với số vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, chưa kể tiền giải toả, đền bù. Trong khi sân golf bị các nhà môi trường thế giới phản đối, vì muốn duy trì nó phải sử dụng rất nhiều hoạt chất để trừ sâu, nuôi cỏ...
Sân golf tuy đẹp nhưng không hề có bóng chim. Còn chủ dự án cù lao Thới Sơn dự định xây dựng một sân golf 36 lỗ, rộng 180 ha để “tái tạo môi trường cù lao xanh”, gắn liền với các khu vui chơi, khu biệt thự cao cấp, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu trung tâm thương mại, khu trung tâm hội nghị... Cuộc sống của 1.678 hộ dân đã bao đời nay, hết kháng chiến chống Pháp, đến chống Mỹ vẫn bám trụ trên đất cù lao dự kiến sẽ được dồn về khu tái định cư ở cuối cù lao (?).
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Chủ tịch UBND xã Thới Sơn cho biết: dự án xây dựng sân golf Thới Sơn đang trong giai đoạn lấy ý kiến, nhưng đã gây nên một dư chấn mạnh mẽ trong nhân dân và chính quyền cơ sở, không một ai đồng tình.
Ông Phan Minh Thanh là một cư dân sống ở cù lao Thới Sơn, đồng thời là Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trong hai nhiệm kỳ phản đối thẳng thừng. Ông nói: “Tôi cho rằng chủ trương xây dựng sân golf ở cù lao là sai lầm. Trước hết, khi nông dân bị bứng ra khỏi ruộng vườn là thất nghiệp. Hơn 800 bè cá của dân chung quanh cù lao chuyển đi đâu? Giá đền bù có đủ cho dân tái tạo cuộc sống? Nguy hiểm nhất là ảnh hưởng môi trường, không chỉ đời nay chịu mà cả đời sau và kiếp sau nữa!”.
Việc dồn dân vào khu tái định cư cũng làm ông Thanh rất lo lắng: “Hiện nay thu nhập bình quân của người dân ở Thới Sơn gần 10 triệu đồng/người/năm; năm 2010 dự kiến nâng lên 12 triệu đồng/người/năm. Ra khu tái định cư người dân sẽ sống bằng gì?”.
Kinh doanh bất động sản
Có thể nói Vĩnh Phúc là một trong những điển hình về đầu tư sân golf, kinh doanh bất động sản.
Xin nêu một ví dụ. Năm 2003 dự án sân golf Tam Đảo được tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép với diện tích 137 ha, trên địa bàn 3 xã là Hợp Châu, Minh Quang, Hồ Sơn. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Đảo đã dành tới quá nửa diện tích (90 ha) làm biệt thự. Trong 90 ha chủ đầu tư chia thành 290 lô đất, mỗi lô có diện tích 950 - 1.500 m2 và được rao bán ngay sau khi sân golf Tam Đảo 12 lỗ đi vào hoạt động (ngày 7/1/2007).
Do cách Hà Nội không xa (trên 60 km); những lô đất này nằm tại chân đập hồ Xạ Hương, dọc hai bên sườn đồi dưới chân núi Tam Đảo, cận kề khu bảo tồn thiên nhiên, có suối, có thác nước tự nhiên... tạo nên cảnh quan rất đẹp, nên sau khi công ty rao bán người người đổ xô đến mua nền và được bán xong trong một thời gian ngắn.
Theo thông tin từ Phòng Kinh doanh nhà của Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Đảo, mỗi lô đất có giá khoảng 1 tỷ đồng. Tính ra, 290 lô đất công ty đã thu về khoảng 300 tỷ đồng, trong khi dự toán đầu tư cho toàn bộ dự án sân golf chỉ khoảng 400 tỷ đồng.
Sân golf Đầm Vạc (Vĩnh Yên) cũng ở trong tình trạng tương tự. Sân golf có tổng diện tích 126 ha. Chủ dự án cũng dành gần 23 ha để làm khu nhà vườn (mỗi nhà có diện tích 200 - 250 m2); làm khu biệt thự, mỗi căn biệt thự có diện tích 280 - 320 m2.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra để có sự điều chỉnh và hạn chế nghiêm ngặt việc chuyển đất trồng lúa và cây lương thực sang sử dụng vào mục đích khác như khu du lịch sinh thái, sân golf, UBND tỉnh Lâm Đồng đã gửi báo cáo ra Văn phòng Chính phủ.
Bản báo cáo cho biết: chỉ riêng 6 dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước vào các dự án sân golf ở Lâm Đồng, có tổng diện tích trên 5.000 ha, trong đó phần giành cho sân golf chỉ 991 ha, còn lại cho các mục đích khác, chủ yếu là xây dựng biệt thự, khách sạn để bán và cho thuê.
Vẫn theo bản báo cáo, với 3 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép, Công ty Jinung Vina có kế hoạch xây 200 căn biệt thự tại khu nghỉ dưỡng - sân golf Bảo Lộc (chưa kể giai đoạn 2 mở rộng thêm trên 250ha); Acteam International xây 250 biệt thự tại dự án Spring City Dalat Vietnam (huyện Đơn Dương); Công ty Đầu tư Hàn - Việt lên kế hoạch xây 500 biệt thự trong dự án khu nghỉ mát, sân golf Đà Lạt tại huyện Đức Trọng.
Việc ồ ạt “hiến” đất cho sân golf xây biệt thự ở Lâm Đồng đã được Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cảnh báo: “Hiện nay đất nông nghiệp trên địa bàn đã không còn để bố trí tái định cư cho dân. Không biết sân golf sẽ mang lại lợi ích gì, trong khi hậu quả môi trường, khan hiếm nguồn nước tưới đã được cảnh báo lâu nay?”.
Mất nhiều, được bao nhiêu?
Cách Hà Nội 30 km - đi theo đường Láng - Hoà Lạc, là ngã tư Xuân Mai (Hà Tây). Nơi đây, trong vòng bán kính chưa đầy 20 km rẽ trái, rẽ phải, đi lên hướng bắc Hoà Bình có tới 3 sân golf.
Cho đến nay, đa số người Việt Nam vẫn xa lạ với môn thể thao này, nhưng vì sao sân golf được phổ cập đến thế? Theo TS. Phạm Sĩ Liêm - Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, các nước không bao giờ lấy đất tốt để làm sân golf. Thường sân golf phải được xây dựng ở những nơi mà đất không canh tác được, ở vùng đồi núi, thậm chí trong sa mạc. Nhật Bản qui định làm sân golf rất nghiêm ngặt, đó là phải xây dựng trên sườn núi.
Còn ở ta, việc cấp phép đầu tư sân golf lại hoàn toàn thuộc thẩm quyền của các địa phương. Để có thành tích thu hút đầu tư, thậm chí vì mục đích “riêng tư”, nên khi các doanh nghiệp “đổ bộ” vào xin làm sân golf (xây biệt thự, kinh doanh bất động sản) thì được địa phương chấp nhận với nhiệt tình “trải thảm đỏ” của địa phương đã làm cho mật độ sân golf ngày càng dày đặc. Nhưng lợi ích mang về cho dân, cho nước được bao nhiêu?
Lấy ví dụ sân golf Vân Trì (Đông Anh, Hà Nội), với tổng vốn đầu tư 14,5 trriệu USD, nhưng dự án này kéo dài từ 1993 đến 2003 mới đi vào hoạt động. Sân golf Vân Trì chiếm 128 ha, trong đó đất nông nghiệp 93 ha, khiến 600 hộ gia đình mất đất nhưng chỉ có 500 lao động địa phương được đưa vào làm việc.
Tính từ tháng 6/2003 đến tháng 12/2007, sân golf này nộp ngân sách 20,8 tỷ đồng, trung bình 1 năm nộp khoảng 4 tỷ đồng.
Nếu tính giá trị đất bị mất; hàng trăm, ngàn lao động bỗng nhiên mất việc làm thì ngân sách nhà nước thu được không đáng kể. Sân golf không đóng góp bao nhiêu cho tăng trưởng kinh tế Hà Nội.
Còn về môi trường? Theo kết quả khảo sát các sân golf ở Đông Nam Á, bình quân 1 sân golf 18 lỗ (như sân golf Vân Trì) tiêu thụ 150.000 m3 nước sạch/ngày, tương đương lượng nước sinh hoạt cho 20.000 hộ gia đình. Ngoài ra, để chăm sóc 1 ha (cỏ) sân golf người ta phải sử dụng tới 1,5 tấn hoá chất, cao gấp 3 lần so với cùng diện tích đất nông nghiệp.
Mà, thành phần các hoá chất này gồm có axit silic, ôxit nhôm và ôxit sắt đều là những tác nhân có thể gây ung thư. Chính vì những tác nhân này mà ở các nước muốn lập dự án sân golf phải xin ý kiến các nhà khoa học và cộng đồng cư dân để đánh giá đúng những tác động của môi trường và xã hội.
Năm 2006, các dự án sân golf cũng bùng nổ ở Trung Quốc, Chính phủ nước này phải đưa hoạt động xây dựng sân golf vào danh sách “những hoạt động đất bị cấm”.
Theo báo cáo gần đây của 51/64 tỉnh, thành gửi Bộ Tài nguyên Môi trường về tình hình thu hồi đất để xây dựng sân golf, trên địa bàn cả nước hiện có 123 sân golf được chấp thuận về chủ trương đầu tư, được cấp phép xây dựng với tổng diện tích là 38.445 ha, trong đó có 15.264 ha đất nông nghiệp (đất trồng lúa là 2.433 ha).
“Xé nát”... đồng lúa
Khu vực có nhiều sân golf nhất là Đông Nam Bộ - 36 sân golf, trong đó Tp.HCM có 13 sân golf, Bà Rịa - Vũng Tàu 12 sân golf, Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh có 4 sân golf.
Trước đây, báo chí nói nhiều đến Long An vì chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm (từ cuối 2004 đến đầu năm 2007), tỉnh này đã chấp thuận đầu tư một loạt 13 dự án sân golf, đồng thời tiếp nhận 5 dự án khác với diện tích 9.500 ha.
Thấy sự phát triển không bình thường, cuối tháng 4/2008 các nhà chức trách Long An mới quyết định chỉ chọn 3 dự án sân golf tại 3 huyện là Thủ Thừa, Cần Giuộc, Đức Hoà với tổng diện tích 720 ha; các dự án sân golf còn lại phải chuyển mục đích đầu tư khác.
Từ 13 dự án bị rút xuống chỉ còn 3 dự án, nhưng người dân bị thu hồi đất xây dựng sân golf vẫn rất bức xúc. Cụ thể như dự án sân golf tại xã Mỹ Phú (Thủ Thừa). Theo ông Châu Hải Ngạt, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phú, dự án được triển khai ngay vùng đất năm làm 2 vụ lúa. Toàn xã có 777 ha đất lúa thì bị thu hồi mất 256,3 ha. 600 hộ lâu nay sống nhờ ruộng bị mất đất, chưa biết tương lai đi về đâu?
Đi sâu vào ĐBSCL, tại vùng lúa Hậu Giang có một dự án sân golf với diện tích 232 ha cũng đã được chính quyền địa phương chấp thuận. Sân golf được xây dựng trên vùng đất lúa của xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành. Chủ dự án không phải là người nước ngoài, mà là Công ty Golf Hậu Giang (Việt Nam), hiện nay đang lập qui hoạch chi tiết.
Dân không đồng tình, nhưng ông Phó chủ tịch UBND tỉnh thì cho rằng: “Khu vực này trồng lúa cho năng suất không cao và không phải vùng lúa cao sản”(?).
Hưng Yên là một tỉnh nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, hầu hết đất sản xuất đều là “bờ xôi ruộng mật”, đất trồng lúa màu mỡ. Mấy năm nay Hưng Yên là một trong những điển hình về việc lấy đất nông nghiệp để xây khu công nghiệp, khu đô thị. Đến thời điểm này tỉnh đã quy hoạch tới 20 khu công nghiệp tập trung, cần tới 6.155 ha đất vào năm 2015 và 9.035 ha vào năm 2020. Điều này đồng nghĩa với hàng chục nghìn ha đất trồng lúa sẽ tiếp tục bị “bức tử”.
Ngoài những nhà máy mọc san sát dọc quốc lộ 5, tiến đến là quốc lộ 39, không hiểu vì sao Hưng Yên đã đưa cả sân golf, khu vui chơi giải trí về đồng lúa. Đó là quy hoạch 180 ha đất lúa tại 2 xã Long Hưng, Nghĩa Trụ (huyện Văn Giang) đã được phê duyệt cho khu tổ hợp dịch vụ Văn Giang mà thực chất là dự án sân golf 18 lỗ?
“Nuốt chửng” cả... cù lao
Cù lao Thới Sơn (huyện Châu Thành, Tiền Giang), có diện tích tự nhiên 1.200 ha. Nhờ vị trí địa ly đắc địa: nằm cạnh thành phố Mỹ Tho, giữa sông Tiền bốn bề sông nước, kênh rạch chi chít; 600 ha cây ăn quả quanh năm xanh tốt... nên lâu nay Thới Sơn là điểm du lịch nổi tiếng của ĐBSCL. Hàng năm cù lao xanh thu hút hơn 300.000 lượt khách, trong đó 2/3 là khách quốc tế.
Người dân đang mừng, vì tháng 9/2008 khi cầu Rạch Miễu thông xe thì khách du lịch sẽ đến với Thới Sơn ngày càng nhiều hơn. Thới Sơn sẽ không còn là ốc đảo, bởi có một nhánh cầu nối liền với đường dẫn lên xuống đất cù lao. Thế nhưng, người dân Thới Sơn mừng chưa kịp vui khi nghe tin cả cù lao sẽ bị giải toả trắng để làm sân golf.
Chủ đầu tư là Công ty TNHH Mêkông - Thới Sơn, muốn “nuốt chửng” cả Thới Sơn với một dự án được quảng bá là rất “hoành tráng”, với số vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, chưa kể tiền giải toả, đền bù. Trong khi sân golf bị các nhà môi trường thế giới phản đối, vì muốn duy trì nó phải sử dụng rất nhiều hoạt chất để trừ sâu, nuôi cỏ...
Sân golf tuy đẹp nhưng không hề có bóng chim. Còn chủ dự án cù lao Thới Sơn dự định xây dựng một sân golf 36 lỗ, rộng 180 ha để “tái tạo môi trường cù lao xanh”, gắn liền với các khu vui chơi, khu biệt thự cao cấp, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu trung tâm thương mại, khu trung tâm hội nghị... Cuộc sống của 1.678 hộ dân đã bao đời nay, hết kháng chiến chống Pháp, đến chống Mỹ vẫn bám trụ trên đất cù lao dự kiến sẽ được dồn về khu tái định cư ở cuối cù lao (?).
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Chủ tịch UBND xã Thới Sơn cho biết: dự án xây dựng sân golf Thới Sơn đang trong giai đoạn lấy ý kiến, nhưng đã gây nên một dư chấn mạnh mẽ trong nhân dân và chính quyền cơ sở, không một ai đồng tình.
Ông Phan Minh Thanh là một cư dân sống ở cù lao Thới Sơn, đồng thời là Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trong hai nhiệm kỳ phản đối thẳng thừng. Ông nói: “Tôi cho rằng chủ trương xây dựng sân golf ở cù lao là sai lầm. Trước hết, khi nông dân bị bứng ra khỏi ruộng vườn là thất nghiệp. Hơn 800 bè cá của dân chung quanh cù lao chuyển đi đâu? Giá đền bù có đủ cho dân tái tạo cuộc sống? Nguy hiểm nhất là ảnh hưởng môi trường, không chỉ đời nay chịu mà cả đời sau và kiếp sau nữa!”.
Việc dồn dân vào khu tái định cư cũng làm ông Thanh rất lo lắng: “Hiện nay thu nhập bình quân của người dân ở Thới Sơn gần 10 triệu đồng/người/năm; năm 2010 dự kiến nâng lên 12 triệu đồng/người/năm. Ra khu tái định cư người dân sẽ sống bằng gì?”.
Kinh doanh bất động sản
Có thể nói Vĩnh Phúc là một trong những điển hình về đầu tư sân golf, kinh doanh bất động sản.
Xin nêu một ví dụ. Năm 2003 dự án sân golf Tam Đảo được tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép với diện tích 137 ha, trên địa bàn 3 xã là Hợp Châu, Minh Quang, Hồ Sơn. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Đảo đã dành tới quá nửa diện tích (90 ha) làm biệt thự. Trong 90 ha chủ đầu tư chia thành 290 lô đất, mỗi lô có diện tích 950 - 1.500 m2 và được rao bán ngay sau khi sân golf Tam Đảo 12 lỗ đi vào hoạt động (ngày 7/1/2007).
Do cách Hà Nội không xa (trên 60 km); những lô đất này nằm tại chân đập hồ Xạ Hương, dọc hai bên sườn đồi dưới chân núi Tam Đảo, cận kề khu bảo tồn thiên nhiên, có suối, có thác nước tự nhiên... tạo nên cảnh quan rất đẹp, nên sau khi công ty rao bán người người đổ xô đến mua nền và được bán xong trong một thời gian ngắn.
Theo thông tin từ Phòng Kinh doanh nhà của Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Đảo, mỗi lô đất có giá khoảng 1 tỷ đồng. Tính ra, 290 lô đất công ty đã thu về khoảng 300 tỷ đồng, trong khi dự toán đầu tư cho toàn bộ dự án sân golf chỉ khoảng 400 tỷ đồng.
Sân golf Đầm Vạc (Vĩnh Yên) cũng ở trong tình trạng tương tự. Sân golf có tổng diện tích 126 ha. Chủ dự án cũng dành gần 23 ha để làm khu nhà vườn (mỗi nhà có diện tích 200 - 250 m2); làm khu biệt thự, mỗi căn biệt thự có diện tích 280 - 320 m2.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra để có sự điều chỉnh và hạn chế nghiêm ngặt việc chuyển đất trồng lúa và cây lương thực sang sử dụng vào mục đích khác như khu du lịch sinh thái, sân golf, UBND tỉnh Lâm Đồng đã gửi báo cáo ra Văn phòng Chính phủ.
Bản báo cáo cho biết: chỉ riêng 6 dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước vào các dự án sân golf ở Lâm Đồng, có tổng diện tích trên 5.000 ha, trong đó phần giành cho sân golf chỉ 991 ha, còn lại cho các mục đích khác, chủ yếu là xây dựng biệt thự, khách sạn để bán và cho thuê.
Vẫn theo bản báo cáo, với 3 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép, Công ty Jinung Vina có kế hoạch xây 200 căn biệt thự tại khu nghỉ dưỡng - sân golf Bảo Lộc (chưa kể giai đoạn 2 mở rộng thêm trên 250ha); Acteam International xây 250 biệt thự tại dự án Spring City Dalat Vietnam (huyện Đơn Dương); Công ty Đầu tư Hàn - Việt lên kế hoạch xây 500 biệt thự trong dự án khu nghỉ mát, sân golf Đà Lạt tại huyện Đức Trọng.
Việc ồ ạt “hiến” đất cho sân golf xây biệt thự ở Lâm Đồng đã được Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cảnh báo: “Hiện nay đất nông nghiệp trên địa bàn đã không còn để bố trí tái định cư cho dân. Không biết sân golf sẽ mang lại lợi ích gì, trong khi hậu quả môi trường, khan hiếm nguồn nước tưới đã được cảnh báo lâu nay?”.
Mất nhiều, được bao nhiêu?
Cách Hà Nội 30 km - đi theo đường Láng - Hoà Lạc, là ngã tư Xuân Mai (Hà Tây). Nơi đây, trong vòng bán kính chưa đầy 20 km rẽ trái, rẽ phải, đi lên hướng bắc Hoà Bình có tới 3 sân golf.
Cho đến nay, đa số người Việt Nam vẫn xa lạ với môn thể thao này, nhưng vì sao sân golf được phổ cập đến thế? Theo TS. Phạm Sĩ Liêm - Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, các nước không bao giờ lấy đất tốt để làm sân golf. Thường sân golf phải được xây dựng ở những nơi mà đất không canh tác được, ở vùng đồi núi, thậm chí trong sa mạc. Nhật Bản qui định làm sân golf rất nghiêm ngặt, đó là phải xây dựng trên sườn núi.
Còn ở ta, việc cấp phép đầu tư sân golf lại hoàn toàn thuộc thẩm quyền của các địa phương. Để có thành tích thu hút đầu tư, thậm chí vì mục đích “riêng tư”, nên khi các doanh nghiệp “đổ bộ” vào xin làm sân golf (xây biệt thự, kinh doanh bất động sản) thì được địa phương chấp nhận với nhiệt tình “trải thảm đỏ” của địa phương đã làm cho mật độ sân golf ngày càng dày đặc. Nhưng lợi ích mang về cho dân, cho nước được bao nhiêu?
Lấy ví dụ sân golf Vân Trì (Đông Anh, Hà Nội), với tổng vốn đầu tư 14,5 trriệu USD, nhưng dự án này kéo dài từ 1993 đến 2003 mới đi vào hoạt động. Sân golf Vân Trì chiếm 128 ha, trong đó đất nông nghiệp 93 ha, khiến 600 hộ gia đình mất đất nhưng chỉ có 500 lao động địa phương được đưa vào làm việc.
Tính từ tháng 6/2003 đến tháng 12/2007, sân golf này nộp ngân sách 20,8 tỷ đồng, trung bình 1 năm nộp khoảng 4 tỷ đồng.
Nếu tính giá trị đất bị mất; hàng trăm, ngàn lao động bỗng nhiên mất việc làm thì ngân sách nhà nước thu được không đáng kể. Sân golf không đóng góp bao nhiêu cho tăng trưởng kinh tế Hà Nội.
Còn về môi trường? Theo kết quả khảo sát các sân golf ở Đông Nam Á, bình quân 1 sân golf 18 lỗ (như sân golf Vân Trì) tiêu thụ 150.000 m3 nước sạch/ngày, tương đương lượng nước sinh hoạt cho 20.000 hộ gia đình. Ngoài ra, để chăm sóc 1 ha (cỏ) sân golf người ta phải sử dụng tới 1,5 tấn hoá chất, cao gấp 3 lần so với cùng diện tích đất nông nghiệp.
Mà, thành phần các hoá chất này gồm có axit silic, ôxit nhôm và ôxit sắt đều là những tác nhân có thể gây ung thư. Chính vì những tác nhân này mà ở các nước muốn lập dự án sân golf phải xin ý kiến các nhà khoa học và cộng đồng cư dân để đánh giá đúng những tác động của môi trường và xã hội.
Năm 2006, các dự án sân golf cũng bùng nổ ở Trung Quốc, Chính phủ nước này phải đưa hoạt động xây dựng sân golf vào danh sách “những hoạt động đất bị cấm”.