14:44 01/11/2007

Làm sao để không tuột mất cơ hội?

Thùy Trang

Nhiều dự án có khả năng trong tầm tay của Việt Nam có thể tuột mất nếu chúng ta không biết cách xúc tiến đầu tư

Nếu không khắc phục những bất cập hiện tại, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ "tụt dốc" liên tục.
Nếu không khắc phục những bất cập hiện tại, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ "tụt dốc" liên tục.
Thời gian qua, trên phạm vi cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư khá rầm rộ nhằm thu hút các nhà đầu tư vào từng địa phương.

Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong công tác này, mà điển hình là chưa có chương trình kế hoạch xúc tiến đầu tư tổng thể, thiếu sự phối hợp để có thể triển khai xúc tiến hiệu quả.

Mới đây, một công ty của Đức muốn tìm địa điểm khoảng 40 ha trong khu công nghiệp để đầu tư vào công nghiệp sạch chuyên sản xuất linh kiện điện tử cao cấp. Mặc dù khi tìm hiểu về thông tin thị trường, doanh nghiệp này đã được cung cấp thông tin kịp thời từ phía Việt Nam, nhưng khi thực sự tiến hành phân tích giữa Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia thì doanh nghiệp Đức này thấy rằng yếu tố lợi thế cạnh tranh của Việt Nam không cao trong lĩnh vực đầu tư công nghệ cao.

Những bất cập gây cản trở

Đưa ra một ví dụ cụ thể như vậy tại Hội thảo xúc tiến đầu tư vào khu vực phía Bắc diễn ra tại Hà Nội, ông Lê Trạng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức, muốn cảnh báo về những “dự án có khả năng trong tầm tay của Việt Nam cũng có thể tuột mất nếu chúng ta không biết cách xúc tiến đầu tư”.

Nguyên nhân khiến dự án này không thành, theo ông Trạng, là bởi 3 lí do.

Thứ nhất, các khu công nghiệp ở Hải Phòng được đánh giá có điều kiện hạ tầng lí tưởng để tiến hành sản xuất nhưng lại khó cho ngành kỹ thuật cao vì có hơi nước biển. Còn nếu đầu tư vào Hà Nội, thì theo ông Trạng, “cái cách để người nước ngoài vào Hà Nội là hơi khó, chúng tôi không biết làm sao”.

Thứ hai, giá nhân công của Việt Nam tuy rẻ nhưng nhân công kỹ thuật cao lại chưa nhiều.

Thứ ba, các chi phí về đất đai của Việt Nam còn quá cao so với các nước lân cận.

Từ góc độ của cơ quan xúc tiến đầu tư của địa phương, ông Lê Văn Lượng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cũng cho biết: hàng năm, tỉnh Hà Tĩnh tiếp rất nhiều đoàn khách đến tìm hiểu môi trường kinh doanh nhưng đi vào thực chất thì chủ yếu chỉ là những đoàn du lịch. “Nhiều người thuê tư vấn lung tung sau đó lại chạy. Những vụ việc này làm mất rất nhiều thời gian của chúng tôi”, ông Lượng bức xúc.

Đại diện Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản cho biết: vấn đề vướng mắc nhất của các doanh nghiệp Nhật cho tới thời điểm hiện tại khi đầu tư vào Việt Nam là cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa được hoàn chỉnh.

Mặc dù Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhưng các nhà đầu tư Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam vẫn thấy khó khăn khi xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài do đường sá, cầu cảng, xe tải và các chuyến chuyên chở hàng đều bị hạn chế.

Ngoài ra, cũng còn có một số lí do khác như cơ chế luật pháp chưa minh bạch, khó khăn trong việc tìm kiếm và giữ gìn nhân lực quản lý, ngành nghề địa phương chưa phát triển và một số công ty xuất khẩu 100% ra nước ngoài cảm thấy khó mua phụ tùng ở Việt Nam nên vẫn phải nhập ở nước ngoài.

“Chúng tôi cũng còn nghe thấy các doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam phản ánh thủ tục thuế quan phức tạp, để thông quan nhanh chóng phải mất những chi phí không cần thiết. Chính vì vậy, với những nhà đầu tư có lợi nhuận thấp thì đây là vấn đề rất đau đầu của họ. Bên cạnh đó, có ý kiến tỏ ra lo lắng về thị trường Việt Nam còn non trẻ trong việc phòng ngừa, giảm thiểu những rủi ro về ngoại tệ”, Trưởng đại diện Ngân hàng Mizuho nói.

Thừa nhận tình trạng cơ sở hạ tầng và dịch vụ yếu kém là yếu tố cơ bản làm giảm sức hấp dẫn của mỗi địa phương, ông Lê Văn Lượng cho biết: do nơi ăn chốn ở không đảm bảo nên nhiều nhà đầu tư đến Hà Tĩnh làm việc nhưng lại phải quay ra Vinh để nghỉ.

Hơn nữa, để đi từ Hà Nội vào Hà Tĩnh, nhà đầu tư phải mất 7 giờ vì đường giao thông chưa đảm bảo chất lượng, lại nhiều phương tiện giao thông cùng tham gia đầy đủ trên đường. Tất cả những điều đó khiến cho nhà đầu tư rất ngại ngần.

Hướng tới một chiến lược xúc tiền đầu tư hiệu quả

Bên cạnh việc đề ra những giải pháp lớn có tính đường lối, ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã thông báo tại Hội nghị những giải pháp cụ thể mà cơ quan này sẽ thực hiện trong thời gian tới nhằm đưa công tác xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả.

“Trong năm 2008, chúng tôi chọn ưu tiên xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ cao và phát triển nguồn nhân lực, coi đây là trọng tâm của các chương trình vận động đầu tư trong và ngoài nước. Về đối tác, dự kiến các hoạt động xúc tiến đầu tư sẽ tập trung vào các địa bàn trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu... song song với việc duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống.

Riêng ở trong nước, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư cấp vùng tại 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm cung cấp thông tin cập nhật về môi trường đầu tư, đồng thời tạo cơ hội để trao đổi trực tiếp với các nhà đầu tư đang hiện diện tại Việt Nam”, ông Thắng nói.

Bên cạnh các hoạt động mang tính quốc gia, ông Thắng cũng cho biết Cục Đầu tư nước ngoài sẽ hỗ trợ và phối hợp các địa phương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đầu tư nước ngoài làm tư liệu cho các nhà đầu tư tìm hiểu và quyết định đầu tư. Ngoài ra, đối với các dự án lớn, Chính phủ có thể thành lập nhóm công tác để thường xuyên trao đổi, hỗ trợ nhà đầu tư từ quá trình nghiên cứu thị trường cho đến khi triển khai dự án tại Việt Nam.

Theo đại diện của chương trình SNV của Hà Lan, việc xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi rất quan trọng, nhưng vấn đề quan trọng hơn là làm thế nào để thông tin cho các nhà đầu tư biết về điều kiện đầu tư đó. Trên thực tế, công tác này ở nhiều địa phương vẫn còn làm chưa tốt.

Hơn nữa, nhiều điều kiện đầu tư được đưa ra chưa chắc đã được doanh nghiệp đón nhận và đánh giá cao vì nó chưa thực sự đem lại lợi ích cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, để tiếp nhận được các phản hồi của doanh nghiệp cũng như tiếp tục cải thiện điều kiện đầu tư, theo kinh nghiệm thực tế trong hỗ trợ tại tỉnh Thái Nguyên, chuyên gia của SNV cho rằng chính quyền địa phương và doanh nghiệp nên tiến hành các cuộc đối thoại chính sách thường xuyên, qua đó các vấn đề chính ưu tiên của doanh nghiệp được trao đổi để từ đó có hỗ trợ kịp thời.

Thực tế, để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao lợi thế của một tỉnh, có rất nhiều việc phải làm. Song do nguồn lực có hạn và nhiều địa phương cũng muốn cạnh tranh với các tỉnh khác nên để thu hút đầu tư thì việc xác định các lựa chọn ưu tiên cho phù hợp, theo chuyên gia của SNV, là rất quan trọng.

Đồng thời phải có những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ban, ngành để tạo sự thay đổi và chuyển biến trong cả hệ thống. Chính quyền tỉnh phải chủ động đưa ra đề xuất xây dựng cải thiện môi trường đầu tư và kêu gọi sự hỗ trợ.

Ngoài ra, ông Phan Hữu Thắng cũng lưu ý không nên đánh giá thấp vai trò và tầm quan trọng của các nhà đầu tư trong nước, bởi vì họ hiểu rất rõ môi trường đầu tư trong tỉnh và họ có thể đóng góp nhiều trong quá trình xúc tiến đầu tư.