14:33 14/03/2007

Làm thế nào để được hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ?

Minh Quang thực hiện

Hỏi chuyện ông Hoàng Văn Tân, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ

Sở hữu trí tuệ là vấn đề nổi cộm sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Sở hữu trí tuệ là vấn đề nổi cộm sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Hỏi chuyện ông Hoàng Văn Tân, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ v Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ được xem là chương trình kỳ vọng của Chính phủ nhằm giúp đỡ doanh nghiệp trong nước trong tiến trình hội nhập. Xin ông cho biết đến nay Chương trình này đã thực hiện được những gì?

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ được Chính phủ đưa ra trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tức từ 2005.

Tuy nhiên những thủ tục cần thiết làm cơ sở thực hiện chương trình này chưa đầy đủ, nhất là qui định liên quan đến những vấn đề tài chính, vấn đề quan trọng của chương trình. Mãi đến gần cuối năm ngoái chúng tôi mới có hướng dẫn của Bộ Tài chính về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ.

Có thể nói bắt đầu từ năm nay, chương trình mới có thể triển khai một cách đầy đủ nhất về mặt thủ tục pháp lý. Trong giai đoạn một chúng tôi tiếp nhận 33 hồ sơ xin hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và đến nay chúng tôi mới chấp nhận 8 hồ sơ. Những hồ sơ này mới được đồng ý về mặt nội dung còn phải qua giai đoạn thẩm định về mặt tài chính.

Đồng thời chương trình cũng tiếp nhận hồ sơ của giai đoạn hai và chúng tôi đang nghiên cứu 18 hồ sơ của giai đoạn này.

Một hồ sơ như thế nào được xem là được chấp nhận về mặt nội dung thưa ông ? Và nếu một hồ sơ được chấp nhận thì hỗ trợ của chương trình là gì?

Một hồ sơ hay dự án xin hỗ trợ từ chương trình phải qua hai giai đoạn: thẩm định nội dung và thẩm định tài chính.

Trong vòng thẩm định nội dung, hội đồng xem xét hồ sơ dựa trên tiêu chí cũng như thang điểm của chương trình. Trong giai đoạn này nếu nội dung đáp ứng yêu cầu của tiêu chí sẽ được đưa vào giai đoạn thẩm định tài chính. Nếu nội dung tốt nhưng có những vấn đề đi chệch với tiêu chí thì chúng tôi sẽ yêu cầu chỉnh sửa để phù hợp trước khi chuyển vào giai đoạn tiếp theo.

Ví dụ như có dự án đưa vấn đề sở hữu trí tuệ đào tạo ở trường phổ thông và đại học. Mặc dù là đào tạo nhưng lại cho đối tượng gián tiếp là học sinh-sinh viên, không phải là đối tượng trực tiếp của chương trình là doanh nghiệp vì vậy khó có thể được chấp nhận.

Chương trình có qui định rõ ràng về tiêu chí hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đối với cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên có ba lĩnh vực được ưu tiên chính trong chương trình là dự án về chỉ dẫn địa lý, tuyên truyền quảng bá về sở hữu trí tuệ và đào tạo.

Trong tám dự án được chấp nhận trong giai đoạn một có chương trình tuyên tuyền về sở hữu trí tuệ trên đài truyền hình trung ương, đó là Chương trình Chắp cánh thương hiệu hoặc dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý bưởi Đoan Hùng. Chủ trương của chương trình hiện nay là tuyển chọn những dự án đại diện làm mẫu để từ đó phát triển những dự án khác ở địa phương.

Ví dụ như dự án liên quan xác lập quyền đối với lâm sản, thủy sản, nông sản. Những dự án mẫu sẽ định hướng cho các cơ quan quản lý địa phương học tập và dựa trên kinh nghiệm đó xác định mô hình chung.

Một dự án hay hồ sơ được chấp nhận về mặt nội dung còn phải thông qua giai đoạn thẩm định về tài chính. Vì vấn đề kinh phí hạn hẹp nên không thể chấp nhận những dự toán mà dự án đưa ra. Mức hỗ trợ của chương trình có thể là 30%, 50% hoặc thậm chí lên đến 100% tùy theo dự án.

Chương trình không có giới hạn tối đa cụ thể đối với dự án được hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên hàng năm chúng tôi chỉ có một khoản ngân sách để hỗ trợ và các dự án được duyệt trong năm không thể vượt quá con số này. Ví dụ năm nay chúng tôi được phân ngân sách hỗ trợ ban đầu là 10 tỷ đồng trong khi tám dự án được chấp nhận nội dung nói trên tổng kinh phí lên đến 15 tỷ đồng. Do đó chúng tôi phải đề nghị điều chỉnh hoặc chỉ chấp nhận ở tỷ lệ nào đó về kinh phí hỗ trợ dự án.

Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Trước đây không có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề tài sản trí tuệ hay sỡ hữu trí tuệ nhưng bây giờ vấn đề được doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn. Nhưng so với yêu cầu hội nhập thì sự quan tâm này chưa thực sự đầy đủ.

Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới và không phải doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nào cũng đều quan tâm và sự quan tâm cũng khác nhau. Các công ty trên thế giới thể hiện rất rõ ràng về vấn đề sở hữu trí tuệ, có công ty có cả hàng trăm người phụ trách về tài sản và sở hữu trí tuệ trong khi doanh nghiệp Việt Nam có công ty có phòng ban nhưng có doanh nghiệp có một người chuyên trách hoặc bán chuyên trách. Nếu không quan tâm đúng mức, những bất lợi sẽ đến với doanh nghiệp và đó là điều đáng tiếc.

Một doanh nghiệp có tài sản trí tuệ không biết giữ gìn, không bảo vệ nó thì người khác sẽ lấy mất và khi đó doanh nghiệp phải sử dụng lại tài sản của người khác và thậm chí còn bị xem là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác. doanh nghiệp không đủ khả năng thì nên thuê các văn phòng luật sư lo cho mình về vấn đề sở hữu trí tuệ, cũng giống như trong ngành y tế người ta có bác sĩ gia đình.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ của Chính phủ đưa ra nhằm mục đích là nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ , giúp họ hiểu được ý nghĩa và vai trò của sở hữu trí tuệ để từ đó chủ động trong kinh doanh. Hỗ trợ của chương trình không chỉ liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong nước mà cả ở nước ngoài. Đối với những loại sản phẩm hoặc hàng hóa thuộc chiến lược phát triển hàng xuất khẩu quốc gia đều thuộc đối tượng ưu tiên của chương trình hỗ trợ.