14:55 18/06/2007

“Làn sóng đầu tư thứ hai của Anh bắt đầu xuất hiện”

"Việt Nam đang được biết đến nhiều hơn ở Anh và chúng tôi đã nhìn thấy làn sóng đầu tư thứ hai của Anh tại Việt Nam"

"Đối với nước Anh, trên thực tế, thương mại có tầm quan trọng ngang bằng với việc hỗ trợ Việt Nam phát triển về mặt kinh tế."
"Đối với nước Anh, trên thực tế, thương mại có tầm quan trọng ngang bằng với việc hỗ trợ Việt Nam phát triển về mặt kinh tế."
Làn sóng đầu tư thứ hai của Anh tại Việt Nam với những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, dầu khí, phần mềm, khai khoáng và viễn thông… đang bắt đầu xuất hiện.

Ngài Robert Gordon, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam đã khẳng định như vậy khi trao đổi với báo giới về quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Với gần 4 năm ở Việt Nam, Đại sứ đã thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh phát triển trên nhiều lĩnh vực. Vậy, đâu là lĩnh vực hợp tác mà ngài hài lòng nhất và đâu là lĩnh vực mà hai nước cần đẩy mạnh trong thời gian tới?

Quan hệ Việt Nam - Anh ngày càng trở nên đa dạng, Anh đã trở thành một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Việc ký kết Thỏa thuận Quan hệ đối tác phát triển 10 năm giữa hai nước năm 2006 là đỉnh cao trong nhiệm kỳ của tôi.

Cùng với những cơ hội đang mở ra khi Việt Nam đã trở thành thành viên WTO, những thách thức ở các lĩnh vực dễ bị tổn thương của Việt Nam cũng rất lớn. Những lĩnh vực này cần được sự chú ý đặc biệt và chúng tôi đang giúp Việt Nam có được sự chú ý này thông qua Sáng kiến/Dự án “Hậu WTO”.

Một thách thức mới nữa có thể ảnh hưởng đáng kể đối với Việt Nam, đó là thách thức bắt nguồn từ hiện tượng biến đổi khí hậu và trái đất ấm lên. Chúng tôi đã lấy vấn đề biến đổi khí hậu làm chủ đề Buổi tiệc mừng sinh nhật Nữ hoàng Anh tại Hà Nội trong tháng 6 này. Chúng tôi mong muốn hợp tác với Việt Nam để nâng cao nhận thức về vấn đề này, đồng thời giúp các bạn có được những kế hoạch chuẩn bị phù hợp.

Hiện tại, người ta nói nhiều tới làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc vào Việt Nam. Là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam, liệu có thể hy vọng vào một làn sóng đầu tư từ Anh trong thời gian tới, thưa Đại sứ?

Anh hiện là một nhà đầu tư quan trọng tại Việt Nam. Chúng tôi tự hào về những gì mà những công ty nổi tiếng của Anh như Prudential, BP, Unilever, Tate& Lyle và các công ty khác đã làm tại Việt Nam.

Với những cơ hội của giai đoạn hậu WTO, Việt Nam đang được biết đến nhiều hơn ở Anh và chúng tôi đã nhìn thấy làn sóng đầu tư thứ hai của Anh tại Việt Nam. Làn sóng này mang đến những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, dầu khí, phần mềm, khai khoáng và viễn thông.

Nếu những kế hoạch này thành công, số vốn đầu tư mới của Anh có thể rất đáng kể.

Năm 2006, kim ngạch nhập khẩu của Anh từ Việt Nam lớn hơn khoảng 10 lần so với xuất khẩu của Anh sang Việt Nam. Liệu Anh có kế hoạch cân bằng cán cân thương mại với Việt Nam?

Đối với nước Anh, trên thực tế, thương mại có tầm quan trọng ngang bằng với việc hỗ trợ Việt Nam phát triển về mặt kinh tế. Bằng việc mở cửa thị trường cho hàng hoá của Việt Nam, chúng tôi đang tạo ra hàng ngàn việc làm cho người lao động Việt Nam.

Con số thâm hụt thương mại nêu trên chưa phản ánh bức tranh thật về quan hệ buôn bán giữa hai nước, bởi việc tái xuất khẩu qua nước thứ ba cần được tính tới. Thâm hụt thương mại cũng có thể cân bằng một phần nhờ những khoản thu vô hình từ lĩnh vực dịch vụ. Tôi tin rằng, còn nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hoá của Anh vào Việt Nam.

Để giải quyết những trở ngại đối với cả hai phía trong lĩnh vực thương mại, chúng tôi đang tiến hành xây dựng Ủy ban Hỗn hợp Kinh tế và Thương mại giữa hai nước (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Tony Blair đã bày tỏ sự ủng hộ lớn đối với việc thành lập Ủy ban này). Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Đại sứ có thể phác thảo một vài hình dung về bức tranh thương mại giữa hai nước trong 5 năm tới?

Đến năm 2012, Việt Nam sẽ hoàn thành các cam kết gia nhập WTO. Khi đó, nền kinh tế hai nước sẽ hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Các sáng kiến khác như Khu vực mậu dịch tự do EU - ASEAN sẽ thúc đẩy quá trình này.

Hàng hoá của Việt Nam sẽ phổ biến ở Anh. Những công ty lớn đầu tiên của Việt Nam sẽ thiết lập văn phòng làm việc tại London. Các công ty Việt Nam sẽ niêm yết nhiều hơn trên thị trường chứng khoán London. Nhiều nhà đầu tư Anh sẽ mua các công ty và các ngân hàng mới được cổ phần hoá của Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ tài chính và viễn thông của Anh ở ngay tại Việt Nam.

Là một nước có thu nhập ở mức trung bình, Việt Nam sẽ ít phụ thuộc hơn vào các khoản tài chính ưu đãi cho các nhu cầu hạ tầng và tài chính lớn. Chúng ta có thể thấy những quan hệ đối tác tư nhân nhà nước đầu tiên sẽ cung cấp tài chính cho các dự án quan trọng như trường học, bệnh viện ở Việt Nam.