15:02 13/10/2011

“Làn sóng” đổ vỡ thứ hai đe dọa doanh nghiệp Mỹ

An Huy

Một làn sóng đổ vỡ doanh nghiệp nữa đang có “cơ” dậy lên ở Mỹ, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đối diện khả năng suy thoái kép

Vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers đã mở màn cho một loạt công ty Mỹ phá sản hồi 3 năm trước.
Vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers đã mở màn cho một loạt công ty Mỹ phá sản hồi 3 năm trước.
3 năm sau khi vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers mở màn cho một loạt công ty Mỹ nộp đơn phá sản, một làn sóng đổ vỡ doanh nghiệp tiếp theo đang có “cơ” dậy lên ở Mỹ. Theo hãng tin Reuters, hiện tại, nhiều công ty có tên tuổi ở nước này đang chật vật để tìm cơ hội tồn tại.

Reuters cho biết, nhiều công ty Mỹ ở khắp các lĩnh vực, từ làm đẹp, nhà hàng, tới năng lượng tái chế và công nghiệp sản xuất giấy đã liên tiếp đệ đơn lên tòa xin bảo hộ phá sản.

Tăng trưởng kinh tế èo uột, xu hướng thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng, thị trường ảm đạm dành cho các trái phiếu doanh nghiệp không được khuyến nghị đầu tư, và tình trạng tín dụng ngày càng thắt chặt đang tiếp tục đe dọa số phận của không ít công ty trong nhiều ngành như vận tải, du lịch, truyền thông, năng lượng và địa ốc.

Thị trường thời gian qua đã rộ tin đồn về nguy cơ phá sản của các công ty vào hàng “đại gia” như hãng hàng không American Airlines hay nhà sản xuất máy ảnh Kodak, mặc dù các doanh nghiệp này ra sức phủ nhận tin đồn.

Tháng 9 vừa qua, đã có 10 công ty Mỹ sở hữu tài sản từ 100 triệu USD trở lên nộp đơn xin phá sản, nhiều nhất kể từ tháng 4, khi 17 doanh nghiệp ở nước này “đội nón ra đi”. Một số vụ phá sản đình đám gần đây phải kể tới hai công ty năng lượng Evergreen Solar và Solyndra. Công ty Solyndra đổ vỡ sau khi nhận khoản vay 535 triệu USD từ Chính phủ liên bang.

Lớn hơn nữa là vụ phá sản của nhà sản xuất giấy tạp chí NewPage Corp. Công ty này đã đánh dấu vụ phá sản lớn nhất từ đầu năm, đồng thời là vụ phá sản lớn nhất của một công ty không thuộc lĩnh vực tài chính kể từ năm 2009. Những doanh nghiệp khác chung số phận là hãng mỹ phẩm Graceway Pharmaceuticals, nhà sản xuất linh kiện bảng mạch Hussey Copper Corp., và công ty thể thao Dallas Stars.

Từ đầu tháng 10 tới nay, đã có 5 công ty với tài sản từ 100 triệu USD trở lên lâm nạn, bao gồm chuỗi cửa hàng kem Friendly’s và công ty mạng băng thông rộng Open Range Communications.

Một số chuyên gia về phá sản và tái cơ cấu doanh nghiệp đã lên tiếng cảnh báo rằng, nếu kinh tế Mỹ lại rơi vào suy thoái, một làn sóng phá sản mới sẽ xuất hiện với quy mô không kém gì làn sóng phá sản sau khi Lehman Brothers “chìm xuồng” hồi năm 2008, đánh dấu vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

 “Tôi cho rằng, năm 2012 sẽ là một năm bận rộn đối với các luật sư phá sản. Năm 2013 và 2014, các luật sư thậm chí còn bận hơn nữa”, ông Jay Goffman, người đứng đầu bộ phận tái cơ cấu doanh nghiệp tại công ty luật Skadden Arps, Slate, Meagher & Flom, nhận định.

Hiện tại, không ai dự báo sẽ có một vụ Lehman thứ hai. Trên thực tế, việc dự báo một làn sóng phá sản không phải là chuyện dễ, vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố khó đoán biết, chẳng hạn như mức độ hào phóng của các nhà băng trong việc cấp vốn tín dụng cho các doanh nghiệp gặp khó, liệu kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái kép, hay điều gì sẽ xảy ra trong cuộc khủng hoảng nợ của khu vực châu Âu…

Trong đó, cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực sử dụng đồng Euro có thể được coi là “nhân tố X” quan trọng nhất. “Nếu một vài nước châu Âu rơi vào cảnh vỡ nợ, áp lực đối với thị trường tín dụng Mỹ sẽ gia tăng. Khi đó, tình hình sẽ giống như hồi năm 2008”, ông Peter Fitzsimmons, Chủ tịch phụ trách thị trường Bắc Mỹ của công ty tư vấn cải tổ doanh nghiệp AlixPartners LLP, nói.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những gì đã diễn ra trong lần khủng hoảng trước, nhiều chuyên gia vẫn tìm thấy lý do để lạc quan.

Năm 2009 là năm có số doanh nghiệp phá sản đông đảo nhất trong lịch sử Mỹ, với những vụ phá sản đình đám như của hai hãng xe General Motors (GM) và Chrysler. Ở thời điểm đó, nhiều người dự báo nước Mỹ sẽ còn phải đón một loạt vụ phá sản nghiêm trọng nữa. 

Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau đó, các ngân hàng và định chế tài chính lại bắt đầu mua nợ và cho vay, từ đó giúp các công ty gặp khó dễ dàng có được nguồn tài chính để thoát khỏi bờ vực phá sản. Chỉ 2 tháng sau khi Lehman Brothers sụp đổ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất về 0-0,25%. Và ngay khi niềm tin được hồi phục, giới đầu tư đổ xô mua trái phiếu lợi suất cao của các công ty ốm yếu, giúp các công ty này có vốn để duy trì hoạt động.

Dù không đủ sức để đầu tư vào các dự án mới, nhưng nguồn vốn này cũng đủ để giúp các công ty trước đó suýt phá sản tồn tại. Thêm vào đó, luật phá sản của Mỹ cho phép các công ty gặp khó khăn cắt bỏ một phần gánh nặng nợ nần, đàm phán lại hợp đồng lao động…

Mặc dù vậy, những biện pháp này không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả, nhất là khi doanh nghiệp không tìm được sự hỗ trợ từ phía các nhà cung cấp hoặc chủ nợ dành cho kế hoạch cải tổ của họ. Chẳng hạn, sau một thời gian chật vật cải tổ, hãng bán lẻ sách Borders rốt cục vẫn phá sản vì không tìm được khách mua lại.

Sự phục hồi kinh tế hồi năm 2009-2010 giúp tạo ra những điều kiện giúp các công ty gặp khó hoàn thành việc cải tổ giờ lại đang suy yếu đi. Điều này có thể khiến những công ty từng tái cơ cấu gặp thêm thách thức.

Nhiều dự báo cho rằng kinh tế Mỹ sắp tới sẽ rơi vào suy thoái kép khi Chính phủ Mỹ cắt giảm chi tiêu và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu xấu đi. Ngoài ra, thị trường trái phiếu của các doanh nghiệp không được khuyến nghị đầu tư (junk bond) vừa trải qua một đợt bán tháo tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Chưa hết, hãng định mức tín dụng Moody’s cho biết, tháng 9 vừa qua là tháng thứ 3 liên tục hãng này hạ đánh giá thanh khoản của một loạt công ty “có vấn đề”. Diễn biến này cho thấy những tín hiệu u ám tương tự như hồi quý 3/2007 khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.