10:16 18/07/2008

Lãng phí nhân lực xuất khẩu lao động

Quỳnh Lam

Số lao động hàng năm hết hạn về nước khoảng 100 nghìn người, nhưng chỉ có 20% trong số đó sau khi về có việc làm ổn định

Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao nguồn lao động đã từng làm việc ở nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao nguồn lao động đã từng làm việc ở nước ngoài.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số lao động hàng năm hết hạn về nước khoảng 100 nghìn người, nhưng chỉ có 20% trong số đó sau khi về có việc làm ổn định.

Ý thức của người lao động


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, một cán bộ của Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận định, trong đó, theo ông ý thức của người lao động vẫn là điều đáng nói.

Thực tế cho thấy, nhiều lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về không có ý định tìm việc tại các doanh nghiệp trong nước. Nhiều người trong số đó có ý định quay trở lại nước mà mình đã đi lao động trở về (ngay cả bằng con đường bất hợp pháp), hoặc là một nước khác.

Cũng không ít người “tự mãn” với số tiền kiếm được trong thời gian đi xuất khẩu lao động và cho phép mình “xả hơi” với số tiền đó.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, năm 2007, toàn tỉnh đã đưa được 13.469 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nguồn thu nhập do xuất khẩu lao động chuyển về tỉnh qua các ngân hàng thương mại năm 2007 khoảng 90 triệu USD tăng 38% so với năm 2006.

Với nhiều tỉnh như Thái Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, nguồn thu từ xuất khẩu lao động cũng không hề nhỏ khi công tác này đã trở thành phong trào. Tuy nhiên, không biết có bao nhiêu phần trăm trong tổng số tiền này được sử dụng có hiệu quả.

Nhiều địa phương đã đưa ra định hướng sử dụng nguồn vốn từ xuất khẩu lao động để kinh doanh nhưng không mấy ai mặn mà, đầu tư cho việc học nghề thì tuyệt nhiên không. Như vậy, với số tiền có được, hoặc là họ sẽ xây nhà, mua xe, trả nợ, hoặc là dùng để chi tiêu hàng ngày.

“Miệng ăn, núi lở” chứ nói gì đến vài trăm triệu đồng. Cuối cùng, trước lúc đi xuất khẩu lao động thì thất nghiệp, sau khi đi xuất khẩu trở về lại tái thất nghiệp”, một cán bộ xã bức xúc.

Nhà nước thiếu chính sách


Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, Việt Nam đang thiếu trầm trọng lao động tay nghề cao. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn đưa ra cảnh báo: “Trong vòng 8 đến 10 năm tới, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lao động tay nghề cao từ các nước bạn”.

Và theo một số ý kiến, hiện Nhà nước nói nhiều đến việc tăng tốc đào tạo, hướng nghiệp cho lao động trong nước, mà chưa có chính sách khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực sau khi xuất khẩu lao động trở về. Trong khi đó, lao động đã từng đi xuất khẩu là một nguồn nhân lực có bề dày cả về tay nghề lẫn kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, cán bộ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, với hoạt động xuất khẩu lao động, ngoài việc xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, đây còn là cơ hội để lao động Việt Nam có thể học hỏi, là công cụ để chuyển giao công nghệ tiên tiến nước ngoài, thông qua đó đào tạo một đội ngũ lao động có chất lượng cao về chuyên môn, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp.

Trao đổi vấn đề này với VnEconomy, ông Đặng Khiêu, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Bình cho biết, chủ trương giải quyết việc làm cho lao động đi xuất khẩu về nước là có, nhưng địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn trong khâu thực hiện.

Cụ thể, sở lao động tỉnh không thể nắm rõ con số lao động về nước hàng năm, cũng chưa có chính sách cụ thể trong việc định hướng nghề nghiệp cho lao động sau khi về nước. “Hiện, chúng tôi chỉ có thể dừng lại ở khâu định hướng, tuyên truyền, còn để làm gì để đầu tư hiệu quả số tiền đi xuất khẩu có được, tránh tình trạng tái thất nghiệp, phụ thuộc hoàn toàn vào nhận thức của người lao động”, ông Khiêu nói.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam lại đánh giá rất cao nguồn lao động đã từng làm việc ở nước ngoài.

Ông Chang Hee Lee, chuyên gia về quan hệ lao động và đối ngoại xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng, lao động Việt Nam đã được đánh giá tốt trong thời gian làm việc tại nước ngoài, đặc biệt là ở Hàn Quốc. Nếu xét về tính cạnh tranh, đây là nguồn lao động tạo ra tính cạnh tranh cao hơn lao động đã qua đào tạo nghề trong nước.

Cũng theo ông Lee, nếu có chính sách khai thác hợp lý, tạo ra những kênh kết nối giữa lao động và doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng, nguồn lao động này sẽ góp phần điều hoà nguồn lực chất lượng theo yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá và hội nhập lao động quốc tế.