09:13 14/11/2007

“Làng” thẻ ATM sắp thôi “cát cứ”

Nguyễn Hoài

Hai “đại gia” thẻ Banknetvn và Smartlink sắp thỏa thuận kết nối, hứa hẹn chấm dứt tình trạng “cát cứ” trong “làng” thẻ ngân hàng

Tính đến nay, lượng thẻ phát hành đạt mức 7 triệu thẻ với 29 tổ chức phát hành, 120 thương hiệu thẻ.
Tính đến nay, lượng thẻ phát hành đạt mức 7 triệu thẻ với 29 tổ chức phát hành, 120 thương hiệu thẻ.
Sau nhiều chờ đợi, hai tuần nữa, Banknetvn và Smartlink sẽ đạt được những thỏa thuận kết nối, hứa hẹn chấm dứt tình trạng “cát cứ” trong “làng” thẻ ngân hàng.

Những năm qua, một số ngân hàng đã “bắt tay” nhau hình thành nên các hệ thống thẻ như Smartlink, VNBC, Sacombank/ANZ và hệ thống thẻ tại Công ty Cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn). Mặc dù có tới 4 hệ thống thẻ nhưng nhiều năm qua, các hệ thống này tồn tại gần như biệt lập. Sản phẩm thẻ các ngân hàng chỉ sử dụng trong cùng hệ thống và không thể rút tiền ở ngân hàng khác.

Giải thích chuyện này, một người công tác lâu năm trong ngành ngân hàng cho biết, các ngân hàng sợ mất khách hàng nên chỉ co cụm trong “cái ao” nhà mình. Đồng nhất với ý kiến này, ông Trương Đình Song, Phó ban Pháp luật - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nói: “Hoạt động các hệ thống thẻ không kết nối với nhau vì các ngân hàng chỉ chú trọng đến lợi ích cục bộ. Thực tế này làm cho người sử dụng thẻ gặp không ít khó khăn”. 

"Chư hầu" và "ông lớn" 

Tại một buổi tọa đàm về việc kết nối thẻ gần đây, có không ít ý kiến về chuyện “thâm cung bí sử” trong làng thẻ. Chẳng hạn, có ngân hàng lớn thành lập ra hệ thống thẻ và thu hút các ngân hàng thương mại cổ phần làm thành viên. Bề ngoài, cứ nghĩ đó là mối quan hệ “liên minh” hay “thành viên” nhưng thực tế, những ngân hàng thương mại này đang giữ vai trò của một “chư hầu”!

Bởi theo “luật chơi” do “ông lớn” đặt ra, những ngân hàng thương mại cổ phần muốn tham gia phải tuân thủ tuyệt đối và trở thành “đại lý” của “ông lớn”. Thậm chí, “ông lớn” còn “đẽo” bớt thị trường và khách hàng của các ngân hàng thành viên. Mặc dù thừa biết nhiều bất cập và tốn kém khi tồn tại nhiều hệ thống thẻ nhưng mỗi khi nhắc đến kết nối thống nhất trong cùng một hệ thống thì ngân hàng lớn này trì hoãn vì lo ngại “miếng bánh” sẽ bị sẻ chia.

Cũng do hoạt động riêng rẽ nên nhìn chung, đang có sự lãng phí lớn trong đầu tư, dẫn đến tình trạng “nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu”.

Theo ông Trương Đình Song, trên thị trường hiện nay tồn tại 4 hệ thống thẻ. Trong đó, hệ thống thẻ của Smartlink chiếm 25% thị phần với 29 ngân hàng thành viên, 5% của vài hệ thống khác. Còn hệ thống của Banknetvn gồm 7 ngân hàng thương mại, trong đó có 3 ngân hàng lớn như Agribank, BIDV, Incombank và 4 ngân hàng thương mại cổ phần khác, chiếm xấp xỉ 70% thị phần. Trong đó, Banknetvn giữ vai trò trung gian trong việc kết nối hệ thống chuyển mạch và các ngân hàng thương mại khai thác dịch vụ trên nền hạ tầng do Banknetvn cung cấp.

Nếu hợp nhất được 2 hệ thống này, thị phần sẽ lên tới 95% và người dùng thẻ sẽ rất tiện lợi. Ông Đặng Mạnh Phổ nói: “Người dân không quan tâm đến các hệ thống thẻ mà chỉ cần biết đi đến máy của bất kỳ ngân hàng nào cũng xài được thẻ!”

Ngân hàng Nhà nước nên giữ vai trò quyết định

Theo ông Phổ, Banknetvn là một doanh nghiệp cổ phần, có đầy đủ yếu tố pháp lý để thực hiện chức năng kết nối thống nhất các ngân hàng. Nói cách khác, Banknetvn giống như một khu công nghiệp, ở trong đó có điện, nước, đường giao thông, điện thoại, net và những quy định hoạt động cụ thể.

Các ngân hàng đóng vai trò như một doanh nghiệp đầu tư trong đó và đương nhiên, Banknetvn chỉ thu phí dịch vụ khi cung cấp hạ tầng. Hơn nữa, Banknetvn không phải là ngân hàng nên không tranh giành khách hàng và thị phần của ngân hàng.

Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để hệ thống thẻ Smartlink kết nối thống nhất và sâu sắc với hệ thống chuyển mạch Banknetvn. Đại diện của Smartlink cho biết: “Trong vòng 2 tuần tới giữa Smartlink và Banknetvn sẽ đạt được những thỏa thuận kết nối”. Tuy nhiên, kết nối ở mức độ nào? Tiến độ thực hiện ra sao lại là câu chuyện quá tầm với của hai doanh nghiệp này.

Trên thực tế, không riêng gì ở Việt Nam, thời kỳ sơ khai thị trường thẻ tại các nước trong khu vực cũng xảy ra tình trạng cát cứ. Chẳng hạn ở Thái Lan có 4 liên minh về sau thu lại còn 2 liên minh và “chiến đấu” quyết liệt với nhau. Ở Trung Quốc cùng tồn tại 18 hệ thống thẻ nhưng không ai nhường ai hay tại Singapore, Maylaysia cũng tương tự.

Giải quyết vấn đề này, ngân hàng trung ương các nước đã yêu cầu các bên ngồi lại với nhau và thống nhất kết nối vào một hệ thống. Phải chăng, “quả bóng” kết nối thống nhất và có chiều sâu hệ thống thẻ ngân hàng nội địa đang do Ngân hàng Nhà nước định đoạt nhưng cơ quan này chưa thể hiện hết vai trò của một cơ quan quản lý?

* Ông Bùi Quang Hiền, Trưởng ban Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết: tính đến nay, lượng thẻ phát hành đạt mức 7 triệu thẻ với 29 tổ chức phát hành, 120 thương hiệu thẻ. Hiện tại, có khoảng 25 ngân hàng thương mại đã trang bị 4.000 máy ATM và 22.000 POS.