16:05 01/12/2008

Lao động đang “chạy ngược” về quê

Đình Nam

Tăng trưởng kinh tế giảm sút đang dẫn tới sự hình thành một "dòng chảy lao động" ngược từ thành thị về vùng nông thôn

Lao động tự do tại một chợ việc làm ở Giảng Võ, Hà Nội - Ảnh: Hoàng Hà.
Lao động tự do tại một chợ việc làm ở Giảng Võ, Hà Nội - Ảnh: Hoàng Hà.
Cùng chung tình trạng suy thoái toàn cầu, các ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam như công nghiệp, dịch vụ cũng đang ở tình trạng đình trệ và sụt giảm.

Không chỉ sức tăng trưởng của nền kinh tế bị ảnh hưởng mà một lượng lớn lao động trong các ngành này có nguy cơ mất việc tạm thời đang trở thành mối lo về an sinh xã hội.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng đang hình thành "dòng chảy lao động" ngược từ thành thị về vùng nông thôn, tạo áp lực không nhỏ đối với khu vực kinh tế nông nghiệp đang phải "vật lộn" với những khó khăn chung của nền kinh tế cũng như tình trạng thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tục.

Ra đi rồi lại trở về

Bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết đã có hiện tượng lao động nông thôn ra thành thị đang quay ngược trở lại nông thôn.

"Theo nghiên cứu của chúng tôi, do ảnh hưởng sâu của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, trong năm tới, lượng lao động bị sa thải khỏi thị trường lao động chính thức ở thành phố và đặc biệt là lực lượng lao động tự do ở thành phố sẽ bị mất việc làm là rất lớn", bà Hương nhấn mạnh.

Chia sẻ nhận định này, nhưng ông Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn), lưu ý, hiện tượng chảy ngược lao động từ thành thị về nông thôn chỉ là lao động có tính chất không ổn định, như bán hàng rong, phụ hồ, xây dựng... tức là lao động phổ thông.

Bị thất nghiệp ở thành phố nên những đối tượng lao động này sẵn sàng về quê để tìm việc khác. Thậm chí, họ còn sẵn sàng dịch chuyển từ thành thị nọ sang thành thị kia, từ đô thị này sang đô thị khác để tìm việc.

"Tuy nhiên, nếu ở lại thành phố mà không nhà, không tiền, không kiến thức thì lao động chân tay như họ có sống được không, nên về nông thôn là chuyện hết sức hợp lý. Sự chuyển dịch này thậm chí còn rất tích cực để góp phần giảm lạm phát, bớt căng thẳng về việc làm ở đô thị", ông Bình nói.

Đào tạo nghề cho nông dân trở về nông thôn

Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn Đặng Kim Sơn lo ngại, trong quá khứ, có những thời kỳ Việt Nam lâm vào khủng hoảng kinh tế khi ngành công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng âm thì nông nghiệp vẫn duy trì sức tăng trưởng mạnh mẽ tạo lực đẩy giúp kinh tế Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng.

Song hiện nay, chúng ta vẫn chưa có những chính sách có thể tạo đột biến cho nông nghiệp, nông dân vốn đang đuối sức sau một năm kinh tế đầy biến động khi giá đồng vào vật tư sản xuất tăng nhanh song đầu ra cho nông sản thì bấp bênh, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đình đốn, dịch bệnh, thiên tai liên tục xảy ra.

Vì vậy, việc có một lượng lớn lao động từ thành thị "chảy ngược" về nông thôn, dù tạm thời, cũng khiến đời sống kinh tế xã hội ở nông thôn bị ảnh hưởng mạnh.

Dù nhận thức được nguy cơ song Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa đề ra được những giải pháp cụ thể để giải quyết khó khăn.

Bên lề hội nghị nhằm đánh giá tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nông nghiệp - nông thôn Việt Nam, tổ chức ngày 25/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cho rằng cần phải tiến hành thống kê những đối tượng lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn do mất việc làm và tiến hành đào tạo lại ngành nghề cho họ để có thể sống được ở nông thôn.

Ông Phương cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường phối hợp giữa các địa phương với nhau, giữa trung ương với địa phương để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nhưng những kế hoạch cụ thể hơn để hỗ trợ cho lao động nông thôn bị mất việc ở thành thị vẫn chưa được đề cập một cách cụ thể hơn.

Theo bà Nguyễn Lan Hương, về lâu dài, lao động nông thôn vẫn sẽ quay trở lại thành phố vì ở nông thôn không có đủ việc làm khi mỗi lao động nông thôn chỉ làm việc khoảng 40 ngày/năm. Vấn đề đặt ra là cần phải tăng tỷ lệ lao động nông thôn trong thị trường lao động thành thị chính thức với những hỗ trợ toàn điện để họ ổn định đời sống.

"Từ trước đến nay, lao động tự do ở nông thôn chủ yếu tham gia thị trường lao động thành thị phi chính thức nên chúng ta chưa quan tâm thực sự đến đối tượng này, thống kê 15 năm nay cho thấy trình độ lao động nông thôn hầu như không tăng", bà Hương nhận xét. Vì vậy, tình trạng "dòng chảy lao động" ngược lần này có thể sẽ là cơ hội để đưa ra những chính sách lao động nông thôn mới hiệu quả hơn.

Ông Vũ Trọng Bình cho rằng: "Đằng sau tất cả các cuộc khủng hoảng đều là để tái cấu trúc lại, như khủng hoảng tài chính tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm bùng nổ thời gian qua cũng là để tái cấu trúc chất lượng nông sản thực phẩm... do vậy, cuộc khủng hoảng này cũng sẽ góp phần tái cấu trúc lại lực lượng lao động ở cả nông thôn và thành thị".