09:05 02/05/2007

Lao động FDI mới có 40% qua đào tạo

Lý Hà

Khảo sát cho thấy, có 44% doanh nghiệp FDI thực hiện đào tạo lại lao động với các mức độ khác nhau

Tính đến cuối tháng 10/2006, cả nước có 6.761 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 57,3 tỷ USD, vốn thực hiện (của các dự án còn hoạt động) đạt 28,5 tỷ USD - Ảnh: Việt Tuấn.
Tính đến cuối tháng 10/2006, cả nước có 6.761 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 57,3 tỷ USD, vốn thực hiện (của các dự án còn hoạt động) đạt 28,5 tỷ USD - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp FDI, chỉ có 40% đã qua đào tạo (từ dạy nghề trở lên), còn lại là lao động phổ thông.

Số lao động nữ chiếm 62%, tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp nhẹ. Hiện nay các khu công nghiệp có nhu cầu cao về thợ lắp ráp điện tử, cơ - điện tử, thợ lắp đặt và vận hành máy, công nhân hóa dầu, một số nghề trong ngành công nghiệp chế biến; chế biến thủy hải sản... và một số nghề đặc chủng (quang học, vi mạch...) song lao động chưa đáp ứng được.

Tính đến cuối tháng 10/2006, cả nước có 6.761 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 57,3 tỷ USD, vốn thực hiện (của các dự án còn hoạt động) đạt 28,5 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đã trực tiếp tạo việc làm cho trên 1,1 triệu lao động và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động khác, góp phần thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu lao động, xoá đói giảm nghèo.

Trong số những lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp FDI, có tới 75,72% tập trung ở các khu công nghiệp vùng Đông Nam bộ, trong đó gần 23% làm việc tại Đồng Nai, trên 13% tại Tp.HCM, khoảng 9% tại Bình Dương.

Theo kết quả khảo sát và điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hạn chế lớn nhất của các cơ sở dạy nghề Việt Nam hiện nay là thiết bị dạy và học, nhất là thiết bị thực hành không theo kịp với những thay đổi công nghệ của các doanh nghiệp FDI, chưa thể đào tạo được những nghề đặc thù theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Lao động do nguồn này cung cấp rất hạn chế trong năng lực làm việc theo tổ nhóm, năng lực phân tích, tác phong lao động công nghiệp, trình độ ngoại ngữ và đặc biệt là khả năng làm việc trong môi trường đa văn hoá...

Để đáp ứng nhu cầu, hiện nay một số doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp đã thành lập cơ sở dạy nghề... Ưu điểm của dạy nghề tại khu công nghiệp là chương trình mềm dẻo, phù hợp với sản xuất của doanh nghiệp; người học được thực hành trên những thiết bị phù hợp với thiết bị đang vận hành tại doanh nghiệp và sau khi học nghề có thể được nhận vào làm việc trong các doanh nghiệp của khu công nghiệp.

Tuy nhiên, các cơ sở dạy nghề này mới được hình thành nên kinh nghiệm giảng dạy và phương pháp sư phạm của giáo viên còn hạn chế; người lao động sẽ gặp khó khăn khi phải chuyển đổi nghề nghiệp nếu rời khỏi khu công nghiệp.

Khảo sát cho thấy, có 44% doanh nghiệp FDI thực hiện đào tạo lại lao động với các mức độ khác nhau (cho khoảng 30% số lao động tuyển dụng). Đối với một số khâu chủ yếu của dây chuyền công nghệ tiên tiến hoặc đặc thù, lao động sau khi tuyển dụng được đưa đi bồi dưỡng ở các doanh nghiệp mẹ ở nước ngoài. Với mô hình này người lao động được đào tạo những gì mà doanh nghiệp cần; được thực hành ngay trên thiết bị đang được doanh nghiệp sử dụng.

Tuy nhiên, hạn chế của hình thức dạy nghề tại doanh nghiệp cũng tương tự như đối với cơ sở dạy nghề của khu công nghiệp, đó là phương pháp và kinh nghiệm giảng dạy còn hạn chế, người lao động gặp khó khăn khi phải chuyển nghề sang doanh nghiệp khác.