“Lao động nữ chưa được sang Qatar”
Phỏng vấn ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Phỏng vấn ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thị trường Qatar được coi là thị trường mới và là hướng phát triển đưa lao động sang làm việc. Xin ông cho biết, vì sao thời gian qua đã có một số lượng khá lớn lao động về nước trước thời hạn?
Thời gian qua, đã có nhiều vụ việc phát sinh liên quan đến lao động Việt Nam làm việc tại Qatar cần được kịp thời giải quyết. Một số doanh nghiệp đưa lao động sang những nơi làm việc không bảo đảm các điều kiện về ăn ở, thu nhập.
Công tác tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi và công tác quản lý lao động tại Qatar chưa tốt, dẫn đến nhiều lao động vi phạm kỷ luật, nội quy lao động, thậm chí một số vi phạm pháp luật Qatar, dẫn đến số lượng lao động phải đưa về nước trước thời hạn chiếm tỷ lệ cao.
Vậy Cục Quản lý đã có những giải pháp cấp bách gì nhằm giải quyết tình trạng trên cũng như chấn chỉnh lại doanh nghiệp Xuất khẩu lao động?
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động Thương binh – Xã hội, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đang thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm giải quyết tình trạng nêu trên, trong đó có tập trung các giải pháp về hợp đồng, tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi và quản lý lao động tại Qatar.
Mới đây Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc tại Qatar phải thực hiện tốt những nội dung sau:
Thứ nhất, đối tác ký kết hợp đồng cung ứng lao động sang Qatar phải là chủ sử dụng lao động tại Qatar hoặc các tổ chức môi giới hợp pháp của Qatar được Bộ Nhà ở và Dịch vụ dân sự Qatar cấp giấy phép.
Số lượng lao động đăng ký đưa sang Qatar làm việc được căn cứ trên cơ sở thư yêu cầu của chủ sử dụng lao động, trong đó tỷ lệ lao động không nghề không vượt quá 10%.
Thư yêu cầu của chủ sử dụng lao động phải bao gồm các thông tin về ngành nghề; số lượng, giới tính lao động theo từng nghề; mức lương cơ bản; nơi làm việc; thời hạn hợp đồng; thời gian làm việc; điều kiện ăn, ở, đi lại tại Qatar; chế độ chăm sóc y tế, chế độ bảo hiểm, bảo hộ lao động; chi phí vé máy bay; chi phí xin visa nhập cảnh, đăng ký lưu trú, giấy phép làm việc, khám lại sức khoẻ tại Qatar.
Thứ hai, phí môi giới không vượt quá 400 USD/người/hợp đồng 2 năm đối với lao động không nghề và 550 USD/người/hợp đồng 2 năm đối với lao động có nghề.
Thứ ba, các doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo tập trung. Ngoài các nội dung theo quy định chung, các doanh nghiệp phải tổ chức cho người lao động học tập, nghiên cứu kỹ các điều khoản và điều kiện làm việc được quy định trong hợp đồng lao động giữa chủ sử dụng và người lao động.
Trong thời gian đào tạo tập trung, các doanh nghiệp phải đặc biệt chú trọng huấn luyện ý thức tổ chức – kỷ luật cho người lao động; không đưa những lao động thiếu ý thức kỷ luật trong thời gian học tập sang Qatar.
Thứ năm, các doanh nghiệp phải cử cán bộ sang thường trú tại Qatar để quản lý lao động. Trường hợp số lượng lao động tại Qatar của doanh nghiệp ít hơn 100 người thì có thể liên kết cùng các doanh nghiệp khác để cử một lao động làm trưởng nhóm. Trước khi đưa lao động đi, doanh nghiệp phải cử cán bộ khảo sát kỹ các điều kiện ăn, ở, làm việc và thu nhập của người lao động.
Thưa ông, phần lớn lao động vi phạm kỷ luật là do không thấy thoả mãn về nơi làm việc, các điều kiện về ăn ở, thu nhập?
Trong văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu của hợp đồng đưa lao động đi.
Ví dụ, giờ làm việc 8giờ/ngày, 6 ngày/tuần. Thời gian làm thêm giờ được trả theo quy định tại Luật lao động Qatar. Mức lương cơ bản không thấp hơn 550 QR/tháng đối với lao động không nghề và không thấp hơn 750 QR/tháng đối với lao động có nghề.
Đối với người lao động, được chủ sử dụng cung cấp miễn phí 3 bữa ăn hoặc trợ cấp tiền ăn không thấp hơn 150 QR/tháng/người.
Người lao động được chủ cung cấp chỗ ở miễn phí. Nơi ở của người lao động phải có điện, nước, giường ngủ, các thiết bị làm mát (điều hoà hoặc quạt điện), bàn ghế, tủ đưng đồ, nhà tắm; nhà vệ sinh; nhà bếp tập thể với các thiết bị đồ dùng nấu bếp.
Người sử dụng lao động phải chịu chi phí xin visa nhập cảnh, giấy phép lưu trú, giấy phép lao động và các loại chi phí khác do các cơ quan có thẩm quyển của Qatar quy định cho toàn bộ thời hạn hợp đồng.
Đối với chi phí vé máy bay, người lao động phải chịu tối thiểu một lượt vé máy bay trở về Việt Nam khi người lao động hoàn thành hợp đồng hoặc bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn không do lỗi của họ.
Như vậy đến thời điểm này có bao nhiêu doanh nghiệp được phép đưa lao động sang Qatar, thưa ông?
Hiện có 31 doanh nghiệp được đưa lao động sang Qatar. Như vậy, cho tới thời điểm này sẽ có ít nhất 20 doanh nghiệp khác tạm thời chưa được đưa lao động vào thị trường này.
Nếu những doanh nghiệp này đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Cục có đại diện tại Qatar, có cơ sở đào tạo nghề, đưa được nhiều lao động... sẽ được cấp phép. Đặc biệt, lao động nữ cần chú ý để tránh bị lừa, với thị trường này hiện nay Cục chưa xem xét các hợp đồng đưa lao động nữ sang Qatar làm việc.