09:49 04/12/2008

Lao động phổ thông nước ngoài đang vào Việt Nam

Dũng Hiếu

Bên cạnh lao động ngoại có trình độ cao, đang có một dòng chảy lao động phổ thông từ nước ngoài vào Việt Nam làm việc

Hiện nay Việt Nam đang rất thiếu công nhân kỹ thuật ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Hiện nay Việt Nam đang rất thiếu công nhân kỹ thuật ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Báo cáo của Công ty Tuyển dụng nhân sự Navigos Group cho thấy, quý 1/2008, số lượng lao động nước ngoài được doanh nghiệp Việt Nam tuyển dụng qua mạng trực tuyến của công ty tăng 67% so với quý 4/2007, phần lớn là lao động kỹ thuật cao để đảm nhận các vị trí quản lý.

Tuy nhiên, bên cạnh lao động ngoại có trình độ cao, đang có một dòng chảy lao động phổ thông từ nước ngoài vào Việt Nam làm việc.

Thông tin từ các công ty chuyên về nhân lực cho biết, số lao động ngoại đang ngày càng tăng. Không chỉ các chuyên gia đi theo dự án, mà nhiều kỹ sư, lao động đủ thành phần đã chọn Việt Nam là nơi hành nghề.

Từ lao động cao cấp và kỹ thuật

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đàm Hữu Đắc, hiện nay Việt Nam đang rất thiếu công nhân kỹ thuật ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Số lượng công nhân kỹ thuật người nước ngoài đến Việt Nam làm việc đang ngày càng gia tăng. Bởi với Nghị định 105 của Chính phủ về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, các nhà đầu tư có quyền đưa một lượng lao động nhất định từ nước ngoài sang Việt Nam làm việc, nếu lao động trong nước không đáp ứng được yêu cầu.

Chính vì vậy, ông Đắc lo lắng: “Chúng ta bỏ đất ra để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng nếu lao động của chúng ta không được nhận vào làm việc ở đó thì rất thiệt”. Tuy nhiên, cũng theo ông, Khu công nghiệp Dung Quất từ nay tới năm 2010 có nhu cầu tuyển tới 31.000 lao động kỹ thuật, và để đáp ứng nhu cầu này không phải là điều dễ dàng.

Chỉ tính riêng tại Tp.HCM, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện lao động nước ngoài làm việc tại thành phố là 2.550 người, trong đó được cơ quan cấp phép lao động khoảng 1.800 người. Số lao động trên đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung nhiều nhất là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Australia, Anh... So với mức tăng lao động bình quân 20% hàng năm, số lao động nước ngoài tại Tp.HCM năm 2007 tăng 35,16%.

Các ngành nghề lao động nước ngoài tham gia rất đa dạng. Đối với ngành giày da, may mặc có khoảng 432 người, chiếm 24,12%, chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan. Ngành giáo dục có khoảng 300 lao động chiếm khoảng 16,6%, chủ yếu tập trung vào lao động châu Âu quốc tịch Anh, Australia, Mỹ, Canada và New Zealand. Ngành công nghệ cao có khoảng 100 lao động, chiếm gần 6%, chủ yếu từ Nhật, Mỹ, Đan Mạch. Còn lại là ngành tài chính ngân hàng, chứng khoán khoảng 90 người chiếm gần 1%.

Lao động nước ngoài đến thành phố làm việc có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao chiếm tỷ lệ lớn với gần 64%. Lao động có trình độ cao đẳng và giấy chứng nhận kinh nghiệm làm việc chiếm 26%, đặc biệt tập chung vào lao động Đài Loan, Trung Quốc trong ngành may mặc...

Theo thống kê của VietnamWorks.com, số lượng lao động người nước ngoài tăng liên tục từ quý 4/2007 đến quý 2/2008; quý 1/2008 tăng 67% so với quý 4/2007. Nhu cầu tuyển dụng lao động người nước ngoài trong quý 2/2008 tăng 17% so với quý 1/2008.

Đến lao động phổ thông

Không chỉ lao động cao cấp và kỹ thuật nhập khẩu vào Việt Nam mà lao động phổ thông các nước cũng bắt đầu đến Việt Nam để hành nghề, cho dù đến thời điểm này chúng ta chưa cho phép lao động phổ thông nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 90 ngàn người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Trong hai năm 2007-2008 có khoảng 5.000 người châu Phi, Trung Đông nhập cảnh vào Việt Nam kiếm việc làm, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông.

Điều này tạo nên sức ép cho các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình hoạch định các kế hoạch để gia tăng cơ hội việc làm cho lao động trong nước, đặc biệt đối với lao động nhàn rỗi ở khu vực nông thôn cũng như những lao động phải chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề sản xuất khác do ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá và công nghiệp hóa.

Điển hình nhất là Tp.HCM, số người nước ngoài đến từ các nước châu Phi và Trung Đông năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2005 đã có 2.893 lao động quốc tịch châu Phi đến làm việc tại Tp.HCM; năm 2006 là 3.119 người; năm 2007 tăng lên 4.080 người và 6 tháng đầu năm 2008 đã có 1.765 người.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp.HCM, đa số những lao động nhập khẩu vào Tp.HCM này đều không có trình độ, chuyên môn cao. Tại quận Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phúc Tp.HCM là nơi tập trung lao động châu Phi nhiều nhất. Lao động này đến Việt Nam làm đủ thứ nghề, từ thu gom hàng giày da, may mặc giá rẻ để bán đến thợ hồ, bốc vác...

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ lao động này ý thức tuân thủ pháp luật rất kém. Chính vì thế , tình hình trật tự an ninh ở những khu vực có lao động châu Phi trọ như khu phố 10, 11, quận Gò Vấp thường xuyên diễn ra những cuộc ẩu đả, mất trận tự đêm khuya. Thế nhưng việc xử lý những đối tượng này cũng rất khó.

Theo Phòng PA18 - Công an Tp.HCM, việc xử lý đối tượng vi phạm pháp luật gặp nhiều trở ngại, do đối tượng luôn tỏ thái độ bất hợp tác, không giấy tờ tùy thân, không tiền bạc, bất đồng ngôn ngữ, không có cơ quan chủ quản để ràng buộc trách nhiệm, không biết từ đâu để trục xuất. Theo pháp luật Việt Nam, đối tượng vi phạm chỉ bị giữ không quá 24 giờ rồi thả. Trong khi đó, chúng ta không có nhà tạm giữ cho những người nước ngoài cư trú.

Trong khi lao động phổ thông nước ngoài bắt đầu ồ ạt, chọn Việt Nam là điểm đến thì ước tính, ở Việt Nam hiện nay, trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu lao động mới cần được giải quyết việc làm. Theo ông Doãn Mậu Diệp - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), các cơ quan quản lý lao động nên nhanh chóng xây dựng các “rào cản kỹ thuật” để ngăn chặn tình trạng lao động phổ thông nước ngoài ồ ạt đổ vào nước ta trong thời gian sắp tới.