18:05 25/04/2009

Lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam: Luật “có nhiều kẽ hở”

Quỳnh Lam

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói về việc lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam đang gia tăng số lượng

Ông Trần Ngọc Hùng.
Ông Trần Ngọc Hùng.
Việc lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt tại các công trình xây dựng, phải chăng nguyên nhân là do lao động trong nước không đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư và chủ thầu nước ngoài?

Về câu hỏi này, trao đổi với VnEconomy, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nói:

- Không hề có chuyện đó. Thực tế, nhiều lao động Việt Nam có đủ khả năng đảm nhận các công việc giám sát, quản lý… Các vị trí đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao lao động chúng ta cũng  không hề thua kém lao động các nước, nói chi đến lao động phổ thông.

Vậy nguyên nhân nằm ở đâu, thưa ông?

Theo tôi, nguyên nhân chính ở đây liên quan đến việc đấu thầu, mời thầu quốc tế.  

Thời gian gần đây, các dự án lớn khi đấu thầu hầu như rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài, nhất là nhà thầu Trung Quốc. Trong khi đó, các quy định pháp luật liên quan của chúng ta có, nhưng lại thiếu cụ thể, nên đã dễ dàng tạo ra những kẽ hở cho các nhà thầu đem theo rất nhiều lao động và thiết bị, máy móc.

Ông nói chúng ta có luật nhưng thiếu cụ thể, ông có thể giải thích rõ sự thiếu cụ thể này như thế nào?

Nói đúng hơn là quy định của pháp luật liên quan đến đấu thầu của chúng ta quá máy móc, nhưng vẫn có nhiều kẽ hở.

Ví dụ, ở nhiều nước, luật đấu thầu quốc tế cũng phải đưa ra  bài toán chào thầu, mời thầu nhưng phải đảm bảo rằng anh phải sử dụng các máy móc, thiết bị và nguồn nhân lực trong nước.

Trong khi đó, chúng ta lại đưa ra những điều kiện máy móc theo kiểu cho phép lao động nước ngoài vào làm việc nhưng không được vượt quá bao nhiêu %…

Về việc này, vừa rồi Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về lao động nước ngoài tại Việt Nam (Nghị định 34/2008/NĐ-CP) nhằm hạn chế tình trạng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc cố tình vi phạm pháp luật về quản lý lao động.
 
Ngoài ra, bổ sung các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động (Nghị định 113/2004/NĐ-CP), nhằm hạn chế việc lao động nước ngoài lợi dụng kẽ hở pháp luật sống bất hợp pháp tại Việt Nam.

Vậy theo ông, thực trạng lao động nước ngoài vào Việt Nam  sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc làm của lao động trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng?

Tôi cho rằng việc này không chỉ ảnh hưởng mà còn ảnh hưởng rất lớn.

Tốc độ đầu tư của Việt Nam đang giảm, các công trình xây dựng cũng giảm, việc này đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề tạo việc làm, bởi công nhân xây dựng chiếm một số lượng không nhỏ. Trong điều kiện ấy, lại chịu thêm tác động từ việc nhiều nhà thầu nước ngoài trúng thầu và đã đưa công nhân vào. Vì thế, cần có chiến lược dài hạn nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và lao động trong nước.

Đó là chưa kể, việc các nhà thầu nước ngoài đưa lao động của họ vào Việt Nam theo tôi còn không đáng ngại bằng việc họ mang theo các thiết bị, máy móc lạc hậu.

Có hiện tượng này sao, thưa ông?

Như bạn thấy đấy, trong thông báo 129/TB-VPCP ra ngày 17/4/2009, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư  khẩn trương tổ chức triển khai nhóm giải pháp về chính sách thu hút đầu tư. Trong đó, tập trung rà soát, điều chỉnh các quy định hiện hành về đầu tư nước ngoài để tránh việc cấp phép thực hiện các dự án đầu tư sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, có tác động xấu đến môi trường; khuyến khích các dự án sử dụng thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Thủ tướng cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn thiết bị công nghệ, tiêu chuẩn khai thác tài nguyên khoáng sản để khắc phục tình trạng nhập khẩu các thiết bị máy móc cũ, lạc hậu, vật tư nguyên liệu thải loại, tác động xấu đến môi trường, làm cho Việt Nam trở thành nơi tập kết rác thải công nghiệp.