10:09 12/09/2007

"Lao động Việt Nam là số một tại Hàn Quốc"

Nội dung cuộc trao đổi với ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý Lao động nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Thi tuyển lao động xuất khẩu đi Hàn Quốc.
Thi tuyển lao động xuất khẩu đi Hàn Quốc.
Cục phó Cục Quản lý Lao động nước ngoài Đào Công Hải, thành viên đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa thăm và làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, phấn khởi cho biết, lao động Việt Nam được phía bạn đánh giá rất cao, xếp hạng nhất trong 15 quốc gia phái cử lao động theo chương trình Luật cấp phép mới (EPS) của Hàn Quốc.

Ông nói: “Vừa qua đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đi thăm và làm việc tại Hàn Quốc. Chúng tôi đã làm việc với Bộ Lao động Hàn Quốc và bạn đánh giá rất cao lao động Việt Nam, so với lao động của các quốc gia khác. Hiện nay, chúng ta đứng thứ nhất trong tổng số 15 quốc gia đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc, đây là vấn đề thuận lợi cho chương trình cấp phép lao động mới.

Bộ Lao động Hàn Quốc cũng nhận định đây là kết quả của sự nỗ lực của cả hai bên, đợt tiếp của năm 2007 dự kiến sẽ vào tháng 10 năm nay với số lượng khoảng 5.000 -7.000 người.

Tiềm năng chúng ta sẽ cố gắng trung bình hàng năm đưa khoảng 11.000-12.000 lao động sang Hàn Quốc theo chương trình này. Đây là con số rất phấn khởi bởi số lượng đó đã gấp 4 lần chương trình tu nghiệp sinh trước đây các doanh nghiệp đưa đi."

Tuy nhiên hiện đang có thông tin khoảng 10.500 công dân Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc có thể sẽ bị trục xuất về nước?

Hiện nay, lao động nước ngoài ở Hàn Quốc có khoảng 500.000, chiếm khoảng 2% tổng số lao động của Hàn Quốc. Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc thì có khoảng 200.000 lao động bất hợp pháp không có giấy tờ (chứng minh thư lưu trú hợp pháp) trong đó công dân Việt Nam khoảng 10.500 ( bao gồm cả lao động, đi du lịch rồi ở lại trái phép...).

Chính phủ Hàn Quốc đã thông báo từ tháng 8.2007 mở đợt truy quét lao động nước ngoài bất hợp pháp, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã thành lập các tổ điều tra phối hợp với cảnh sát và cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc để thực hiện truy quét lao động bất hợp pháp. Việc các tổ công tác của Bộ Tư pháp Hàn Quốc kiểm tra tại các khu công nghiệp, khu sinh sống của lao động nước ngoài phát hiện lao động không có giấy tờ sẽ mời lao động đến trụ sở và mua vé để đưa lao động này về nước là việc làm thường xuyên vẫn được tiến hành hàng quý.

Quý 3 là quý các doanh nghiệp chuyển đổi lao động thì các tổ công tác sẽ tham gia kiểm tra gắt gao hơn, chúng tôi xin khẳng định đây là việc làm thường xuyên của Bộ Tư pháp Hàn Quốc. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam rất ủng hộ việc này vì việc thực hiện 3 năm hết hợp đồng lao động có trách nhiệm về nước chính là tuân thủ pháp luật.

Có một việc rất vui là Hàn Quốc đã công bố chính sách mới, theo đó lao động làm theo hợp đồng hết 3 năm làm việc tốt không vi phạm thì chủ sử dụng lao động cần sử dụng lại sẽ ký ngay hợp đồng và từ đó người lao động có thể ra trung tâm xúc tiến việc làm của Hàn Quốc lấy giấy xác nhận, sau đó về nước một tháng sau đó đến Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội hoặc Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM để làm visa tái nhập cảnh làm việc tại Hàn Quốc 2 năm nữa...

Số lao động đi theo chương trình EPS hết hạn hợp đồng được chủ sử dụng ký lại hợp đồng hiện khoảng trên 1.000 người và số này đang làm thủ tục để có thể quay lại. Còn số lao động đầu tiên đi theo chương trình tu nghiệp sinh, ngày 5/10 tới đây sẽ hết hạn, phía bạn khẳng định với chúng ta rằng số này 95% được ký hợp đồng quay trở lại.

Vậy cơ quan chức năng của cả ta và bạn đã thông báo thông tin này tới người lao động để họ an tâm không bỏ trốn trước khi hết hạn hợp đồng hay chưa, thưa ông?

Đây là chính sách mới của phía bạn và đã được thông báo chính thức từ Bộ lao động Hàn Quốc. Việc thông tin tới người lao động đã được tiến hành thông qua mấy nguồn sau: Thứ nhất chủ sử dụng nắm thông tin và thông báo ngay cho lao động; thứ hai trung tâm lao động người nước ( thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) có trách nhiệm thông báo tới gia đình để họ thông báo cho lao động, thứ ba là từ nguồn thông tin của những lao động đã được gia hạn hợp đồng lần 2.

Thật ra thì cũng có thể có những lao động dao động sợ về nước không được sang lại, nhưng với những lao động đã được quay lại chính là bằng chứng xác thực nhất. Đặc biệt, khi lao động quay lại sẽ không phải thi tiếng Hàn.

Gần đây đã xuất hiện tình trạng đi du lịch tại Hàn Quốc rồi ở lại trái phép. Những người đi "du lịch tìm việc" như vậy có cơ hội tìm việc làm hay không?

Vấn đề du lịch tìm việc rất khó giải quyết, hiện chỉ có các công ty du lịch của Hàn Quốc thực hiện và họ đã thẩm định và được Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội phỏng vấn rất kỹ để tránh tình trạng đi du lịch rồi ở lại. Tuy nhiên không thể tránh 100%, nhưng tôi khẳng định phía Hàn Quốc làm rất chặt chẽ. Việc đi rồi ở lại là vi phạm luật pháp của cả phía bạn và ta, chúng tôi thường xuyên trao đổi với Cục Xuất nhập cảnh để ngăn chặn tình trạng này.

Còn ở Hàn Quốc doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thiếu lao động nên lao động "chui" cũng dễ tìm việc làm. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, việc kiểm tra lao động bất hợp pháp của cơ quan tư pháp Hàn Quốc rất gắt gao, vì vậy lao động bất hợp pháp luôn phải đối mặt với nguy cơ bị bắt và bị trục xuất về nước, thêm vào đó nếu lao động "chui" thì sẽ không có hợp đồng lao động và đương nhiên không ai bảo vệ lao động khi có xảy ra các vấn đề như bị xâm phạm quyền lợi, lương, thưởng…