Lao động Việt Nam nâng cao năng lực để trở thành lao động toàn cầu
Việc dịch chuyển lao động trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ diễn ra càng ngày càng rõ nét
Việc dịch chuyển lao động trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ diễn ra càng ngày càng rõ nét. Tìm kiếm việc làm sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt không những ở Việt Nam mà còn ở cả các nước trong khối AEC...
Bởi thế, lao động Việt Nam cần phải chuẩn bị tâm thế để trở thành lao động toàn cầu, trước mắt phải làm sao đạt trình độ có thể làm việc ở bất kỳ đâu trong AEC.
Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy lao động trẻ Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng tham gia dịch chuyển trong thị trường AEC. Nghiên cứu này cũng đã chỉ ra những lý do khiến chúng ta phải quan tâm. Đó là không muốn xa bạn bè, môi trường sống thân thuộc, chiếm 70,1%; Lo sợ chuyên môn của mình không được chấp nhận, chiếm 33,9%. Chưa tìm hiểu kỹ về thị trường lao động AEC, chiếm 71,1%.
Còn về các lý do khác như lo sợ sự khác biệt về văn hóa chiếm 37,9%; sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong môi trường lao động chiếm 43,4%. Rào cản, bất đồng về ngôn ngữ chiếm 50,4%. Lo ngại về tiêu chuẩn trong lao động chiếm 41,2%...
Nhìn chung, với các lý do như vậy chứng tỏ sự thiếu tự tin của những lao động trẻ.
Để giải quyết vấn đề này theo Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Việt Nam phải thực sự coi đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là đầu tư cho phát triển, hội nhập. Do vậy, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của lao động và khả năng dịch chuyển lao động kỹ năng của Việt Nam trong ASEAN.
Trong đó, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người lao động về tham gia dịch chuyển lao động kỹ năng của Việt Nam trong ASEAN, làm cho mọi người thấy rõ vai trò và trách nhiệm trong việc đào tạo và sử dụng nhân lực, biến thách thức về nhân lực thành lợi thế chủ yếu thông qua đào tạo, giáo dục và khoa học công nghệ. tiếp tục tập trung cao độ cho Giáo dục nghề nghiệp.
Hướng tới, làm sao cả xã hội, nhất là nhận thức của các bậc cha mẹ, người học, dần dần tiếp cận vấn đề, coi việc học nghề là một xu hướng tất yếu, là sự cần thiết thực sự trong xu thế thị trường.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục dạy nghề, năm 2019 nghành tiếp tục quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới, tinh gọn, hiệu quả. Mạnh dạn đưa các bộ giáo trình tiếp cận thị trường quốc tế vào giảng dạy để phù hợp di chuyển thể nhân trong thời kỳ mới, đồng thời nghiên cứu lại chương trình đào tạo 9 + (học sinh tốt nghiệp THCS vẫn có thể học thẳng lên cao đẳng) để không lãng phí nguồn nhân lực, không kéo dài nguồn nhân lực này trong quá trình học tập.
Tiếp tục đặt hàng đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo theo địa chỉ đầu ra. Tạo ra giáo dục nghề nghiệp thực sự đồng bộ và với 3 khâu đột phá là tự chủ, kết nối và chuẩn hóa để đưa giáo dục nghề nghiệp trong năm 2019 tiến xa hơn.