10:06 24/08/2007

Lao động xuất khẩu khó vào thị trường thu nhập cao

Quỳnh Lam

Những thị trường có mức thu nhập cao đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động

Một đối tác nước ngoài đang kiểm tra tay nghề lao động Việt Nam
Một đối tác nước ngoài đang kiểm tra tay nghề lao động Việt Nam
Những thị trường có mức thu nhập cao đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.

Ngoài Hàn Quốc, Nhật, Australia… thì thị trường Mỹ, Canada cũng đang cần một lượng lớn lao động ngoài nước. Đấy là chưa kể gần đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai mở thêm thị trường Ma Cao, Síp và Cộng hòa Czech, với mức thu nhập cũng tương đối cao (trên 500 USD/tháng).

Mỗi năm, các nước này cũng cần tới hàng trăm nghìn lao động nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, lao động Việt Nam sang được các thị trường này chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Trong những thị trường thu nhập cao kể trên, thu hút sự quan tâm nhất của người lao động vẫn là Mỹ. Thế nhưng tại đây hiện chỉ có khoảng 10 lao động Việt Nam đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Số lao động này sang được Mỹ do họ ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ chứ không phải thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam.

Thị trường Australia hiện nay cũng đang có 5 - 6 doanh nghiệp tham gia thí điểm khai thác, nhưng để đặt ra mục tiêu có thể đưa bao nhiêu lao động sang thị trường này trong năm nay thì không doanh nghiệp nào dám khẳng định.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, thuộc Công ty TTLC, một trong những doanh nghiệp đang được tham gia tuyển lao động sang thị trường Australia cho biết, đây là thị trường có nhu cầu lao động lớn, và là một trong những nước có chế độ đãi ngộ với lao động ngoài nước như dân bản xứ. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thị trường khó tính vào loại bậc nhất. Yêu cầu khắt khe về ngoại ngữ khiến lao động trong nước không thể đáp ứng được.

Canada cũng là một trong những thị trường được nhắc đến khá nhiều, song cho đến hiện nay số lao động Việt Nam sang được nước này cũng rất khiêm tốn.

Nguyên nhân, theo giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực này, do Canada chưa ký hiệp định với Việt Nam về công nhận văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam, nên lao động Việt Nam vẫn bị xem là không có tay nghề. Để được công nhận, các doanh nghiệp phải phối hợp với họ đào tạo nghề để họ cấp chứng chỉ rồi mới được cấp visa.

Tuy nhiên, thực tế để học được chương trình của họ thì yêu cầu người lao động phải có trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là phải thông thạo tiếng Anh. Điều này xem ra rất khó với phần lớn lao động phổ thông ở Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Vui, Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động Airserco, nói: “theo kinh nghiệm của tôi, với những thị trường mới, đặc biệt là những thị trường có thu nhập cao, hiện chúng ta chưa nên tính đến số lượng mà chủ yếu làm các bước thăm dò, “tiếp thị” và thí điểm, nếu thành công sẽ tính tiếp”.