07:05 03/07/2012

Lát cắt niềm tin và lợi nhuận ngân hàng

Minh Đức

Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lát cắt với những tác động quan trọng đối với các ngân hàng thương mại

Việc xác định lại tiền gửi thành tiền vay cùng yêu cầu phát trích lập dự phòng rủi ro sẽ là một yếu tố hạn chế nhất định đối với dòng chảy trên liên ngân hàng.
Việc xác định lại tiền gửi thành tiền vay cùng yêu cầu phát trích lập dự phòng rủi ro sẽ là một yếu tố hạn chế nhất định đối với dòng chảy trên liên ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lát cắt, gọt đi một phần đặc tính căn bản trên thị trường liên ngân hàng và có những tác động quan trọng đối với các thành viên.

Ngày 18/6/2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 21/2012/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài.

Những bất ổn trên thị trường liên ngân hàng điển hình như trong kỳ căng thẳng quý 4/2011 là một trong những yêu cho việc xây dựng và ra đời thông tư này. Nhưng thay vì xử lý ở gốc, một lát cắt được đưa ra, thị trường sẽ bị tổn thương.

Gọt bớt lợi nhuận ngân hàng

Theo Thông tư 21/2012/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được gửi tiền, nhận tiền gửi (trừ tiền gửi thanh toán) tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác.

Đó cũng là quy định quan trọng nhất của Thông tư 21, tiền gửi liên ngân hàng được xác định lại thành tiền vay liên ngân hàng. Những ngân hàng trước nay đi gửi sẽ chuyển thành người cho vay và buộc phải trích lập dự phòng rủi ro.

Hiện chưa rõ việc trích lập phải thực hiện như thế nào. Cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng vẫn đang theo Quyết định 493, song quyết định này lại không quy định các khoản vay liên ngân hàng.

Từ năm 2010 và kéo dài cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần tổ chức góp ý và hoàn thiện một dự thảo thay thế Quyết định 493. Có thể ngay sau Thông tư 21, dự thảo đó sẽ được hoàn thành và ban hành, để tạo sự đồng bộ (Thông tư 21 có hiệu lực từ 1/9/2012).

Dù thế nào, việc phải trích lập dự phòng đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại phải gia tăng chi phí. Trích lập không có nghĩa bị mất đi, nhưng lợi nhuận sẽ bị gọt bớt.

Giả sử tại thời điểm 31/12/2011 quy định trên đã được áp dụng, chắc chắn lợi nhuận của nhiều ngân hàng thương mại đã bị ảnh hưởng đáng kể. Dễ tìm thấy tại báo cáo tài chính là những ghi chú cho những món nợ đồng lần trên liên ngân hàng, quy mô lớn. Nếu phải trích lập tương tự như quy định tại Quyết định 493, lợi nhuận của những trường hợp đó có thể giảm đi từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng; một số trường hợp, có những khoản đến tận cuối quý 1/2012 vẫn chưa thể thu hồi, đồng nghĩa với tỷ lệ phải trích lập dự phòng tăng theo cấp số nhân…

Ngoài quy định trên, Thông tư 21 cũng có một điểm mà “tác động phụ” liên quan đến lợi nhuận của các thành viên tham gia thị trường này.

Thông tư quy định các thành viên được thỏa thuận lãi suất các khoản vay, nhưng trong trường hợp có diễn biến bất thường Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định lãi suất cho vay liên ngân hàng để các thành viên thực hiện.

Mục đích chính của quy định này là tạo cho Ngân hàng Nhà nước một công cụ để can thiệp kịp thời khi thị trường có xáo trộn, ngăn chặn các đợt leo thang của lãi suất như trong quá khứ. Ít nhất, công cụ này nó tạo được một rào cản bình ổn về hình thức, còn bản chất của các xáo trộn cần giải quyết ở các vấn đề khác.

“Tác động phụ” của nó là treo một giới hạn vô hình đối với lợi nhuận các ngân hàng cho vay. Thị trường liên ngân hàng đã quá quen với những mức lãi suất “chặt chém” 25%/năm, 27%/năm thậm chí có thời điểm treo tới khoảng 40%/năm… Bên cạnh cái tiếng con thoi hỗ trợ thanh khoản thị trường, những mức lãi suất khủng đó mang lại lợi nhuận lớn cho những thành viên dư giả vốn khi thanh khoản hệ thống khó khăn. Nay, Thông tư 21 đã đưa ra một tín hiệu có thể ngăn chặn.

Niềm tin bị tổn thương

Quý 4/2011, thị trường liên ngân hàng xuất hiện tình trạng các ngân hàng giao dịch vốn với nhau áp cơ chế phải thế chấp, có tài sản đảm bảo. Không khí thị trường trở nên ngột ngạt và vấn đề thanh khoản càng trở nên căng thẳng.

Đặc tính của thị trường liên ngân hàng hàng chục năm qua là niềm tin. Chính đặc tính này giúp các giao dịch thông suốt, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn nóng, đúng như vai trò của nó. Khi cơ chế trên xuất hiện, niềm tin thị trường bị tổn thương. Nó phát đi một thông điệp xấu: ngay cả các ngân hàng còn không tin tưởng lẫn nhau, thì sự nghi ngờ, dè chừng của người gửi tiền đối với ngân hàng là dễ hiểu.

Dĩ nhiên, áp cơ chế đó, bên tiếp vốn có cái lý của họ. Tôi bỏ vốn ra, phải an toàn, phải có thế chấp và tài sản đảm bảo khi môi trường xấu đi.

Nay, với Thông tư 21, Ngân hàng Nhà nước chính thức lái hoạt động gửi tiền trên liên ngân hàng sang cho vay, đồng nghĩa với việc “ủng hộ” cho cơ chế phát sinh đó. Tất nhiên, trong giao dịch giữa các thành viên, phải thế chấp tài sản hay không vẫn do hai bên thỏa thuận.

Và thay vì củng cố và phát triển một thị trường liên ngân hàng có môi trường tin cậy cao, phát huy giá trị niềm tin đã có từ trước tới nay, nhà điều hành đã tạo một sự thay đổi căn bản.

Niềm tin, trừu tượng, nhưng giá trị rất lớn. Bản thân các ngân hàng vẫn cho vay bằng tín chấp đó thôi. Hay đặt ra một tình huống ngược, theo “mạch” xác định lại tiền gửi thành tiền vay nói trên của Thông tư 21, rằng: người dân đang gửi tiền ở ngân hàng với cơ sở là niềm tin, nay xét ngược lại là họ cho ngân hàng vay, có tình huống họ cần được yêu cầu có tài sản đảm bảo thay vì mức chi trả nhất định của bảo hiểm tiền gửi nếu có rủi ro?

Bản giới thiệu về Thông tư 21 của Ngân hàng Nhà nước viết rằng, thông tư này sẽ tạo bước phát triển cho thị trường liên ngân hàng, đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của thị trường trên cơ sở công khai, minh bạch và an toàn. Nhưng nhìn lại, cái gốc an toàn trong giao dịch trên liên ngân hàng hay an toàn cho hệ thống là ở vấn đề thanh khoản, chứ không nằm ở cơ chế giao dịch hay xác định lại nguồn vốn.

Trong khi đó, việc xác định lại như vậy, đặc biệt là gắn với cơ chế phải trích lập dự phòng rủi ro, sẽ tạo thêm một yếu tố hạn chế dòng chảy trên liên ngân hàng, đáng lẽ phải được khơi thông hơn nữa.