Lạt mềm buộc chặt
Mối quan tâm hiện nay của cơ quan quản lý ngành ngân hàng là cho vay tiêu dùng
Một trong những thông điệp quan trọng từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu trong cuộc gặp gỡ với giới báo chí Tp.HCM vào cuối tháng 6 vừa qua là cơ chế hậu hỗ trợ lãi suất sẽ được áp dụng một cách linh hoạt nhằm vừa đề phòng lạm phát, vừa không gây sốc cho doanh nghiệp.
Ông đưa ra hai con số: tăng trưởng tín dụng năm nay đã được Chính phủ gút lại ở mức dưới 30% và dự kiến mức tăng sáu tháng đầu năm là 17%, nhưng từ tháng 6/2009 mức tăng sẽ giảm dần. Cụ thể tăng trưởng dư nợ tháng 6 khoảng 3% so với 4% của tháng 5 và 5% của tháng 4/2009.
“Mổ xẻ” cho vay tiêu dùng
Tốc độ giải ngân cho vay tiền đồng tăng mạnh đã đẩy lãi suất huy động của các ngân hàng lên một mặt bằng mới. Theo Thống đốc, lãi suất huy động bình quân toàn hệ thống hiện đã lên 8,26%/năm so với mức 7,99%/năm của tháng 5/2009. Lãi suất cho vay bình quân là 10,26%/năm. Mức chênh lệch đầu vào - đầu ra của đồng vốn, như vậy, chỉ là 2 điểm phần trăm/năm. Với mức chênh lệch lãi suất này, lợi nhuận đơn thuần của các tổ chức tín dụng bị thu hẹp, do đó nhiều ngân hàng tăng cường cho vay kích cầu và vay tiêu dùng theo lãi suất thỏa thuận.
Mối quan tâm hiện nay của cơ quan quản lý ngành ngân hàng là cho vay tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đến cuối tháng 5/2009 là 85.000 tỉ đồng, tăng 11,6% so với cuối năm ngoái. So với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung là 14,1% cùng kỳ thì tăng trưởng dư nợ tiêu dùng chưa phải đáng lo ngại. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ cho vay tiêu dùng đang bứt phá mạnh so với chính bản thân nó.
Những năm trước cho vay tiêu dùng thường chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng dư nợ và năm ngoái nhiều tổ chức tín dụng đã phải khuyến mãi để tăng dư nợ của lĩnh vực này. Ở một số ngân hàng, một số khoản cho vay tiêu dùng đã tăng đột biến thời gian gần đây với số tiền vay hàng tỉ đồng. Nếu là vay sửa nhà, mua sắm xe cộ, cho con cái du học, du lịch... thì món vay không thể lớn đến như vậy. Đang có những nghi ngờ rằng trên hợp đồng tín dụng, mục đích sử dụng vốn vay là tiêu dùng, nhưng tiền vay lại được “đổ” vào bất động sản, chứng khoán.
“Chúng tôi đã quyết định lùi thời hạn thanh tra, kiểm tra chất lượng tín dụng, cho vay hỗ trợ lãi suất và cho các ngân hàng thêm thời gian. Từ 17/6 đến 15-7/2009 các ngân hàng tự kiểm tra chất lượng tín dụng, sau đó Ngân hàng Nhà nước mới vào cuộc”, ông Giàu nhấn mạnh. Động thái này được nhận định là cho các ngân hàng thêm khoảng không gian và thời gian để tự điều chỉnh trước khi các bước hướng đến một mức tăng trưởng dư nợ hợp lý hơn được áp dụng.
Sự mềm dẻo “lót đường”
Thế nhưng chỉ vài ngày sau khi thời hạn một tháng “tự kiểm tra” được nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo chính thức liên quan đến cho vay bất động sản, cho vay kinh doanh chứng khoán gửi các ngân hàng. Nguồn tin trong giới tài chính cho biết kết quả giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước cho thấy những tháng qua dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư chứng khoán, bất động sản tăng nhanh.
Với sự diễn biến khó lường của thị trường chứng khoán, bất động sản, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát việc cho vay trên từ hội sở chính đến các chi nhánh, tuân thủ các quy định về an toàn tín dụng, tăng cường kiểm tra nội bộ. Sự nhắc nhở và đòi hỏi này đồng nghĩa với một lời cảnh báo và một số ngân hàng đã bắt đầu siết lại việc cho vay chiết khấu giấy tờ có giá.
So với việc ban hành các quy định khá chặt chẽ và có hiệu lực ngay về cho vay chứng khoán, bất động sản những lần trước, lần này Ngân hàng Nhà nước tỏ ra mềm dẻo hơn. Có thể đây là sự mềm dẻo có chuẩn bị trước để tháng 10/2009 dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng mới được trình Quốc hội. Theo dự thảo đó, các ngân hàng sẽ không được cho vay chứng khoán.
Ngay sau khi văn bản của Ngân hàng Nhà nước ban hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn ngày 19/6/2009 chấn chỉnh một số hoạt động của công ty chứng khoán. Theo đó, các công ty chứng khoán chỉ được thực hiện nghiệp vụ kinh doanh đã được ghi trong giấy phép.
Đồng thời Ủy ban yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện nghiêm túc Văn bản số 990 ngày 27/5/2008 về việc dừng ký mới hợp đồng giao dịch kỳ hạn. Gần đây, bên cạnh nghiệp vụ repo, nhiều công ty chứng khoán đã cho nhà đầu tư thực hiện nghiệp vụ margin (giao dịch biên) hoặc ký quỹ một khoản tiền nhỏ, chỉ bằng 30-50% giá trị chứng khoán mua. Các nghiệp vụ đòn bẩy rất rủi ro này có sự hỗ trợ của một số ngân hàng.
Thắt chặt từng bước?
Có một số liệu đáng chú ý: theo Ngân hàng Nhà nước trong năm tháng đầu năm, lượng tiền lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng 19,6% so với cuối năm 2008. Bên cạnh đó, tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng nửa đầu năm ước khoảng 16,2%, thấp hơn mức tăng trưởng cho vay. Điều này một lần nữa khẳng định xu hướng tăng của lãi suất, đặc biệt khi hai tháng qua lợi tức trái phiếu chính phủ liên tục leo dốc.
Trần lãi suất trái phiếu Chính phủ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành ngày 26-6/2009 đã lên mức 9,2%/năm, nhưng vẫn không bán được. Trong các bản tin nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam, các quỹ đầu tư và định chế quốc tế đã đề cập đến giải pháp thắt chặt tiền tệ từng bước và khả năng hồi quy ở một tỷ lệ nhất định của dòng tiền trong lưu thông.
Trong điều kiện hiện tại, các giải pháp tiền tệ theo hướng “lạt mềm buộc chặt” của Ngân hàng Nhà nước đang tỏ ra phù hợp. Cơ chế hậu hỗ trợ lãi suất còn khoảng thời gian dài để thực thi. Giới doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng đang chờ các điểm nhấn cụ thể của cơ chế đó.
Hải Lý (TBKTSG)
Ông đưa ra hai con số: tăng trưởng tín dụng năm nay đã được Chính phủ gút lại ở mức dưới 30% và dự kiến mức tăng sáu tháng đầu năm là 17%, nhưng từ tháng 6/2009 mức tăng sẽ giảm dần. Cụ thể tăng trưởng dư nợ tháng 6 khoảng 3% so với 4% của tháng 5 và 5% của tháng 4/2009.
“Mổ xẻ” cho vay tiêu dùng
Tốc độ giải ngân cho vay tiền đồng tăng mạnh đã đẩy lãi suất huy động của các ngân hàng lên một mặt bằng mới. Theo Thống đốc, lãi suất huy động bình quân toàn hệ thống hiện đã lên 8,26%/năm so với mức 7,99%/năm của tháng 5/2009. Lãi suất cho vay bình quân là 10,26%/năm. Mức chênh lệch đầu vào - đầu ra của đồng vốn, như vậy, chỉ là 2 điểm phần trăm/năm. Với mức chênh lệch lãi suất này, lợi nhuận đơn thuần của các tổ chức tín dụng bị thu hẹp, do đó nhiều ngân hàng tăng cường cho vay kích cầu và vay tiêu dùng theo lãi suất thỏa thuận.
Mối quan tâm hiện nay của cơ quan quản lý ngành ngân hàng là cho vay tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đến cuối tháng 5/2009 là 85.000 tỉ đồng, tăng 11,6% so với cuối năm ngoái. So với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung là 14,1% cùng kỳ thì tăng trưởng dư nợ tiêu dùng chưa phải đáng lo ngại. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ cho vay tiêu dùng đang bứt phá mạnh so với chính bản thân nó.
Những năm trước cho vay tiêu dùng thường chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng dư nợ và năm ngoái nhiều tổ chức tín dụng đã phải khuyến mãi để tăng dư nợ của lĩnh vực này. Ở một số ngân hàng, một số khoản cho vay tiêu dùng đã tăng đột biến thời gian gần đây với số tiền vay hàng tỉ đồng. Nếu là vay sửa nhà, mua sắm xe cộ, cho con cái du học, du lịch... thì món vay không thể lớn đến như vậy. Đang có những nghi ngờ rằng trên hợp đồng tín dụng, mục đích sử dụng vốn vay là tiêu dùng, nhưng tiền vay lại được “đổ” vào bất động sản, chứng khoán.
“Chúng tôi đã quyết định lùi thời hạn thanh tra, kiểm tra chất lượng tín dụng, cho vay hỗ trợ lãi suất và cho các ngân hàng thêm thời gian. Từ 17/6 đến 15-7/2009 các ngân hàng tự kiểm tra chất lượng tín dụng, sau đó Ngân hàng Nhà nước mới vào cuộc”, ông Giàu nhấn mạnh. Động thái này được nhận định là cho các ngân hàng thêm khoảng không gian và thời gian để tự điều chỉnh trước khi các bước hướng đến một mức tăng trưởng dư nợ hợp lý hơn được áp dụng.
Sự mềm dẻo “lót đường”
Thế nhưng chỉ vài ngày sau khi thời hạn một tháng “tự kiểm tra” được nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo chính thức liên quan đến cho vay bất động sản, cho vay kinh doanh chứng khoán gửi các ngân hàng. Nguồn tin trong giới tài chính cho biết kết quả giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước cho thấy những tháng qua dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư chứng khoán, bất động sản tăng nhanh.
Với sự diễn biến khó lường của thị trường chứng khoán, bất động sản, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát việc cho vay trên từ hội sở chính đến các chi nhánh, tuân thủ các quy định về an toàn tín dụng, tăng cường kiểm tra nội bộ. Sự nhắc nhở và đòi hỏi này đồng nghĩa với một lời cảnh báo và một số ngân hàng đã bắt đầu siết lại việc cho vay chiết khấu giấy tờ có giá.
So với việc ban hành các quy định khá chặt chẽ và có hiệu lực ngay về cho vay chứng khoán, bất động sản những lần trước, lần này Ngân hàng Nhà nước tỏ ra mềm dẻo hơn. Có thể đây là sự mềm dẻo có chuẩn bị trước để tháng 10/2009 dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng mới được trình Quốc hội. Theo dự thảo đó, các ngân hàng sẽ không được cho vay chứng khoán.
Ngay sau khi văn bản của Ngân hàng Nhà nước ban hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn ngày 19/6/2009 chấn chỉnh một số hoạt động của công ty chứng khoán. Theo đó, các công ty chứng khoán chỉ được thực hiện nghiệp vụ kinh doanh đã được ghi trong giấy phép.
Đồng thời Ủy ban yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện nghiêm túc Văn bản số 990 ngày 27/5/2008 về việc dừng ký mới hợp đồng giao dịch kỳ hạn. Gần đây, bên cạnh nghiệp vụ repo, nhiều công ty chứng khoán đã cho nhà đầu tư thực hiện nghiệp vụ margin (giao dịch biên) hoặc ký quỹ một khoản tiền nhỏ, chỉ bằng 30-50% giá trị chứng khoán mua. Các nghiệp vụ đòn bẩy rất rủi ro này có sự hỗ trợ của một số ngân hàng.
Thắt chặt từng bước?
Có một số liệu đáng chú ý: theo Ngân hàng Nhà nước trong năm tháng đầu năm, lượng tiền lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng 19,6% so với cuối năm 2008. Bên cạnh đó, tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng nửa đầu năm ước khoảng 16,2%, thấp hơn mức tăng trưởng cho vay. Điều này một lần nữa khẳng định xu hướng tăng của lãi suất, đặc biệt khi hai tháng qua lợi tức trái phiếu chính phủ liên tục leo dốc.
Trần lãi suất trái phiếu Chính phủ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành ngày 26-6/2009 đã lên mức 9,2%/năm, nhưng vẫn không bán được. Trong các bản tin nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam, các quỹ đầu tư và định chế quốc tế đã đề cập đến giải pháp thắt chặt tiền tệ từng bước và khả năng hồi quy ở một tỷ lệ nhất định của dòng tiền trong lưu thông.
Trong điều kiện hiện tại, các giải pháp tiền tệ theo hướng “lạt mềm buộc chặt” của Ngân hàng Nhà nước đang tỏ ra phù hợp. Cơ chế hậu hỗ trợ lãi suất còn khoảng thời gian dài để thực thi. Giới doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng đang chờ các điểm nhấn cụ thể của cơ chế đó.
Hải Lý (TBKTSG)