08:58 26/01/2007

“Lâu nhất là hai năm, Daiichi Việt Nam sẽ có lãi”

Đó là khẳng định của ông Trần Thế Huy, tân Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ Daiichi Việt Nam

Ông Trần Thế Huy.
Ông Trần Thế Huy.
Ngày 18/1 vừa qua, Bộ Tài chính đã chính thức chuẩn y việc chuyển nhượng Công ty Bảo hiểm nhân thọ Bảo Minh-CMG thành Công ty Bảo hiểm nhân thọ Daiichi Việt Nam.

Báo giới đã trò chuyện cùng ông Trần Thế Huy, tân Tổng giám đốc Daiichi Việt Nam, nhân sự kiện này.
 
Daiichi đã bắt đầu đàm phán mua lại toàn bộ cổ phần của Công ty liên doanh Bảo hiểm nhân thọ Bảo Minh-CMG từ khi nào?

Chúng tôi bắt đầu đàm phán chính thức từ tháng 8 năm ngoái, khi Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập.

Trong bối cảnh Việt Nam không có các định chế tài chính hoạt động trong lĩnh vực mua bán công ty, theo ông khoảng thời gian bốn tháng để hoàn tất việc chuyển nhượng này có phải là khá nhanh?

Đây là một thương vụ mà người bán thật sự muốn bán và chúng tôi thì thật sự muốn mua. Tôi cho rằng thương vụ này cũng là một tín hiệu tốt cho Việt Nam. Công ty bảo hiểm bao giờ cũng là nhà đầu tư bảo thủ nhất, trong bối cảnh đầu tư của Nhật đang rất muốn vào Việt Nam, sự kiện này sẽ là tiền đề để khai thông dòng chảy nguồn đầu tư đó.
 
Cho đến nay cả hai đối tác Việt Nam và Úc trong liên doanh Bảo Minh-CMG chỉ mới góp 12,2 triệu đô la Mỹ trong tổng số 25 triệu đô la Mỹ như đã xin phép vào năm 1999. Daiichi đã trả bao nhiêu để mua được liên doanh này?

Theo cam kết ba bên, tôi không thể tiết lộ con số mua bán, tuy nhiên ngay khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, mở tài khoản tại ngân hàng, Daiichi sẽ chuyển 12,8 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam để nâng vốn lên 25 triệu đô la Mỹ như trước đây liên doanh đã xin phép.
 
Bảo Minh-CMG hiện đang đứng thứ năm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, chiếm thị phần khoảng 5%, vậy khi mua lại Bảo Minh-CMG đâu là phần giá trị nhất của công ty mà Daiichi quan tâm?

Đó là mạng lưới đại lý, hệ thống 50 văn phòng trên toàn quốc, đội ngũ quản lý, số lượng khách hàng với 100.000 hợp đồng bảo hiểm. Bên cạnh các thành quả mà công ty đã đạt được, chúng tôi cũng phải tính đến tình hình kinh tế Việt Nam, tiền đề để phát triển về sau.

Như giải thích của ông, phải chăng cũng có thể nói rằng Daiichi đã bỏ tiền ra để mua lại toàn bộ khoảng thời gian hoạt động của Bảo Minh-CMG?

Giữa một bên phải bắt đầu từ con số không và một bên đã có sẵn thị phần thì chúng tôi chọn những gì đã có sẵn. Hơn nữa nhân sự ở Bảo Minh-CMG rất tốt. Phát triển tiếp trên nền tảng sẵn có sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn nhiều. Thời gian lúc này đối với Daiichi là rất quan trọng và đây chính là yếu tố có tác động đến những quyết định của chúng tôi trong quá trình đàm phán.
 
Quyền lợi của các khách hàng đã mua bảo hiểm của Bảo Minh-CMG liệu có bị ảnh hưởng gì sau vụ mua bán này không, thưa ông?

Khi mua lại công ty, chúng tôi đã cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ mà Bảo Minh-CMG đã cam kết với khách hàng.  Bộ Tài chính cũng đòi hỏi chúng tôi làm điều này.
 
Daiichi có tiếp tục bán các sản phẩm đang có trên thị trường của Bảo Minh-CMG hay sẽ bán các sản phẩm khác?

Chúng tôi vẫn tiếp tục bán các sản phẩm của Bảo Minh-CMG, nhưng dần dần sẽ thay đổi tên thương hiệu và sản phẩm.

Trong quá trình đàm phán các bên đã thỏa thuận với nhau rằng sau khi thống nhất được mọi vấn đề, Daiichi sẽ tiếp tục được sử dụng tên Bảo Minh-CMG trong sáu tháng. Trước mắt sẽ chưa có nhiều thay đổi, nhưng vì nhu cầu của khách hàng trong tương lai nên chúng tôi cũng sẽ đưa ra các sản phẩm khác.
 
Hai năm vừa qua Bảo Minh-CMG có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong cả ngành. Công ty đã liên kết với trường Đại học RMIT (Úc) để bán sản phẩm, đó là hướng kinh doanh đúng, và chúng tôi sẽ sử dụng mô hình này để nhân rộng ra.

Chúng tôi cũng nghĩ đến việc liên kết trong lĩnh vực y tế, người mua bảo hiểm có thể ra nước ngoài chữa bệnh chẳng hạn. Tất cả những hợp đồng mà Bảo Minh-CMG đã ký với các đối tác, chúng tôi đều cố gắng duy trì.
 
Vậy ông sẽ làm gì để giới thiệu về sự khác biệt của một công ty bảo hiểm nhân thọ của Nhật so với các công ty bảo hiểm nhân thọ châu Âu, Mỹ đã có mặt ở thị trường Việt Nam?

Vấn đề của chúng tôi bây giờ là làm cho khách hàng hiện hữu an tâm, tâm lý của nhân viên ổn định. Chúng tôi đang chuẩn bị một chiến lược truyền thông để xây dựng hình ảnh cho Daiichi trong vòng hai năm tới. Triết lý kinh doanh của tôi là “chất lượng Nhật Bản không chỉ có trong hàng tiêu dùng, hàng điện máy mà phải được mang vào sản phẩm bảo hiểm”.
 
Đã từng hoạt động trong công ty bảo hiểm nhân thọ của châu Âu, ông có thể so sánh sự khác biệt trong văn hóa kinh doanh của họ với một công ty bảo hiểm Nhật?

Ai cũng nói khách hàng là quan trọng, là hàng đầu nhưng những hành xử trong công việc, trong thực tế mới là quan trọng. Người Nhật rất dở về tiếp thị, họ không thể nói điều mà mình không làm được, vì thế họ thường cố gắng chứng minh trước, hay nói cách khác là lời nói đi liền với hành động.
 
Theo như bản kế hoạch kinh doanh trước đây của Bảo Minh-CMG, công ty này sẽ đạt đến điểm hòa vốn vào năm 2007, với Daiichi Việt Nam ông nghĩ sẽ mất bao lâu để bắt đầu có lãi?

Với tình hình kinh tế như bây giờ, tôi nghĩ lâu nhất là hai năm. Trong vòng năm năm tới, chúng tôi đặt kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm sẽ chiếm thị phần khoảng 10% so với hiện nay là 5%.

* “Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh trực thuộc Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Chúng tôi nắm giữ 63,3% cổ phần tại Bảo Minh và đã đóng vai trò chủ trì trong vụ chuyển nhượng mua bán này. Chuyển nhượng một công ty bảo hiểm có tính phức tạp của nó, nếu không xử lý tốt sẽ gây hoang mang cho cả trăm ngàn khách hàng đã mua bảo hiểm. Chúng tôi cố gắng không gây ra sự xáo động trong đội ngũ nhân sự ở Bảo Minh-CMG và đây là yếu tố để ổn định niềm tin của khách hàng. Hơn nữa Daiichi cũng đã cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với các khách hàng hiện hữu của Bảo Minh-CMG” (Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước).