09:17 14/12/2007

“Lệch pha” hàng thủ công Việt vào Nhật

Hồng Thoan

Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật khó cạnh tranh vì "lệch pha" so với nhu cầu khách hàng

Lượng lao động hiện tại trong ngành thủ công mỹ nghệ là 10 triệu người.
Lượng lao động hiện tại trong ngành thủ công mỹ nghệ là 10 triệu người.
Đối với hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, Nhật Bản luôn là thị trường nhập khẩu lớn, chiếm từ 10-29% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam từ trước tới nay.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, con số trên vẫn chưa xứng với tiềm năng về nguyên liệu và lực lượng lao động hơn 10 triệu người của ngành này, mà nguyên nhân chủ yếu là do khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, thiếu thông tin hỗ trợ thị trường.

Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhận xét: “Các doanh nghiệp Việt Nam do chưa am hiểu về văn hoá, thị hiếu thị trường Nhật Bản nên không nắm bắt được giá cả, nhu cầu, xu hướng phát triển của thị trường, dẫn đến việc xuất khẩu các mặt hàng “lệch pha” so với nhu cầu và “chậm tiến” so với đối thủ cạnh tranh”.

Nhật Bản, một thị trường “khó tính”

Một ví dụ điển hình đối với sản phẩm túi xách các loại, vốn là mặt hàng nhập khẩu lớn của thị trường Nhật Bản. Trước đây, khách hàng Nhật rất ưa chuộng sản phẩm túi xách của Việt Nam, nhưng nay thì lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam đã giảm rất nhiều.

70% sản phẩm túi xách cao cấp được Nhật Bản nhập khẩu từ EU với những thương hiệu nổi tiếng. 30% còn lại là sản phẩm túi xách thông thường được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và một số nước ASEAN. Nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm túi xách của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản bị giảm sút là do sản phẩm đã mất tính hấp dẫn do không còn bắt mắt người tiêu dùng nữa.

Theo bà Yoko Kawaguchi, chuyên gia Nhật Bản, nhu cầu của người Nhật về hàng thủ công mỹ nghệ rất đa dạng, yêu cầu các mặt hàng phải thay đổi nhanh sao cho phù hợp với các mùa trong năm. Thế nên vòng đời của một sản phẩm rất ngắn, đòi hỏi các nước xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ phải nhanh nhạy đáp ứng những nhu cầu đó.

Đối với một sản phẩm thủ công mỹ nghệ, người tiêu dùng Nhật Bản luôn quan tâm đến 3 yếu tố: thứ nhất, sản phẩm được làm bằng nguyên liệu gì; thứ hai, nhà sản xuất sử dụng phương pháp gì để tạo ra sản phẩm; và thứ ba, sản phẩm thể hiện tính truyền thống như thế nào. Trong đó, yếu tố thứ 3 là quan trọng nhất, được người Nhật đặc biệt quan tâm, bởi họ luôn đòi hỏi sản phẩm làm ra phải có “hồn”, thể hiện tâm tư, tình cảm của người lao động và mang nét độc đáo riêng.

Vì vậy, bà Yoko Kawaguchi khẳng định: “Để có thể chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung sản xuất những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đúng với sở thích của người Nhật và phải có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hàng ngày. Hàng hoá sản xuất ra nên phát triển theo hướng đa dạng hoá sản phẩm bằng cách đa dạng hoá chủng loại, giảm về số lượng thành phẩm để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng”.

Những vấn đề doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ cần lưu ý

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa chất lượng và giá thành sản phẩm, bởi người Nhật quan niệm “hàng rẻ là hàng kém chất lượng”. Họ sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm chất lượng tốt.

Thông thường trong kinh doanh, các doanh nghiệp luôn quan tâm đến những khách hàng lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên nản lòng khi khách hàng Nhật chỉ mua một lượng hàng rất nhỏ vì nhiều khi chỉ từ một lượng hàng nhỏ cũng có thể hình thành cả một trào lưu tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam thông qua sự giới thiệu của khách hàng đó với người thân, bạn bè. Điều này rất có lợi cho việc thúc đẩy xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản.

Các chuyên gia của Nhật Bản khuyến cáo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nếu muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường Nhật Bản cần lưu ý một số điểm quan trọng, đó là thiết kế phải chuyên nghiệp hơn; sử dụng thích hợp các chất liệu, vật liệu sản xuất sản phẩm; có kèm theo thông tin hướng dẫn cụ thể về tính năng, công dụng, cách sử dụng sản phẩm; sản phẩm phải hài hoà với nhu cầu sử dụng của người Nhật...

Theo ông Đỗ Thắng Hải, doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hiện vẫn chưa xoá bỏ được lối tư duy cũ là chỉ bán những sản phẩm mình có mà chưa quan tâm tới nhu cầu của từng thị trường.

Bên cạnh đó là kiến thức về các thị trường nước ngoài vẫn còn hạn chế, trong khi rất nhiều nước đang có những sản phẩm cạnh tranh với chúng ta như Trung Quốc, Thái Lan. Một nhân tố quan trọng nữa là trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp quốc tế của các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, đa phần doanh nghiệp còn nóng vội, chưa kiên nhẫn trong việc nghiên cứu và thâm nhập thị trường nước ngoài, nhất là những thị trường khó tính.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Tiếp thị - Triển lãm Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: nếu có thể khắc phục được những nhược điểm về mẫu mã, nâng tầm quy mô sản xuất và xây dựng được các vùng nguyên liệu và các chương trình đào tạo bài bản, thì tiềm năng xuất khẩu của hàng thủ công mỹ nghệ rất lớn.

Ông Thắng phân tích: “Giá trị ngoại tệ thực thu từ xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ rất cao, luôn đạt tỷ lệ từ 95-97% kim ngạch xuất khẩu. Hơn nữa, nguyên liệu phục vụ sản xuất chủ yếu từ nguồn trong nước, chiếm 95-97%, nguyên phụ liệu nhập khẩu chỉ chiếm có 3-5%. Đặc biệt, nguồn lao động làm nghề thủ công rất dồi dào, khéo léo”.

Định hướng chiến lược của Chính phủ đề ra đối với hàng thủ công mỹ nghệ là phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ phải đạt 1,5 tỷ USD. Trong giai đoạn hiện nay, để tiến tới đạt được mục tiêu trên, thì Nhật Bản cùng với Hoa Kỳ và EU được đánh giá là 3 thị trường mục tiêu.