09:46 30/11/2007

Liên kết xuất khẩu lao động “rạn” vì giấy phép con

Dũng Hiếu

Không ít bất cập nảy sinh trong mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các cấp chính quyền

Tìm thông tin xuất khẩu lao động.
Tìm thông tin xuất khẩu lao động.
Mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương đã tạo cầu nối giữa các doanh nghiệp tuyển dụng với những người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện (từ 2002 đến nay) đã có không ít bất cập nảy sinh.

Ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đến nay, đã có trên 50 tỉnh, thành phố đã tổ chức thực hiện mô hình liên kết và thành lập ban chỉ đạo xuất khẩu lao động. Nhiều tỉnh thành cũng thành lập ban chỉ đạo xuất khẩu lao động ở các cấp huyện và xã. Mặt tích cực của mô hình này là đã đưa thông tin trực tiếp về các thị trường xuất khẩu lao động tới người lao động tại các địa phương.

Chính vì vậy người lao động được doanh nghiệp tuyển chọn không phải qua các khâu trung gian, giảm được chi phí; được tạo các điều kiện thuận lợi và được hỗ trơ để đi làm việc ở nước ngoài. Đối với doanh nghiệp cũng đã tuyển chọn được nguồn lao động đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của đối tác, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của lao động và của doanh nghiệp Việt Nam.

Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, ông Nguyễn Xuân Vui, Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động Airserco cho biết: “Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động và địa phương vừa qua đã có dấu hiệu rạn nứt vì có quá nhiều giấy phép con". Bởi ngoài giấy phép được phép đưa người lao động đi lao động nước ngoài, doanh nghiệp muốn về địa phương để tuyển dụng lao động thì phải có đến 3 giấy phép nữa. Gồm giấy giới thiệu của Cục Quản lý Lao động nước ngoài cho doanh nghiệp về tỉnh, từ tỉnh lại cấp một giấy phép nữa về huyện và từ huyện lại một giấy phép nữa về xã.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng phải qua những bước như vậy mà cách giải quyết công việc có thể “đi tắt” nhanh hơn tuỳ thuộc vào cách “đối xử” của doanh nghiệp với cán bộ chính quyền địa phương. Có một số địa phương, “ban bệ” xuất khẩu lao động đặt quyền lợi của cá nhân các cán bộ lên trên quyền lợi của người lao động nên họ không cần tìm hiểu năng lực của doanh nghiệp và đơn hàng cụ thể mang về địa phương có tốt hay không mà chỉ muốn “tìm hiểu” việc khác.

Hiện nay, nếu người lao động có đi xuất khẩu lao động theo nguồn tự tìm thì địa phương tìm mọi cách cản trở như không xác nhận tờ khai để làm hộ chiếu cho lao động. Còn nhiều địa phương có chính sách hỗ trợ kinh phí cho người lao động thuộc diện chính sách, hộ nghèo nhưng thủ tục để người lao động nhận được tiền hỗ trợ còn phức tạp và mất nhiều thời gian.

Còn về phía ngân hàng tại các địa phương thường yêu cầu doanh nghiệp phải mở tài khoản tại ngân hàng mình để đảm bảo việc trả nợ vay của người lao động. Điều này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp không thể mở tài khoản tại tất cả các địa phương.

Tuy vậy, đã có một tin vui cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động, khi mới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bquy định mới, theo đó khi tuyển chọn lao động ở địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu lao động sẽ chỉ phải xuất trình giấy phép và thông báo với sở lao động - thương binh và xã hội, chính quyền cấp huyện, xã nơi doanh nghiệp dịch vụ tuyển chọn lao động về kế hoạch và các điều kiện tuyển chọn lao động. Doanh nghiệp s không cần phải xin các loại giấy giới thiệu từ Cục Quản lý Lao động nước ngoài, giấy giới thiệu của sở lao động - thương binh và xã hội địa phương... như trước kia nữa.

Cũng theo quy định trên, doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải cam kết với người lao động về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài, nếu quá thời gian cam kết mà doanh nghiệp vẫn chưa đưa được lao động đi thì phải thông báo rõ lý do, trường hợp lao động không có nhu cầu đi nữa thì trong thời hạn 15 ngày doanh nghiệp phải hoàn trả cho lao động hồ sơ và các khoản chi phí đã nộp.