08:22 05/12/2013

Lo FED sớm hành động, Phố Wall giằng co

Thanh Hải

Các số liệu kinh tế gần đây khiến nhiều người tin rằng FED sẽ sớm cắt giảm các biện pháp kích thích tăng trưởng

Nhà đầu tư lo ngại về khả năng nền kinh tế sẽ chịu cú sốc lớn nếu như không còn các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng - Ảnh: Getty.<br>
Nhà đầu tư lo ngại về khả năng nền kinh tế sẽ chịu cú sốc lớn nếu như không còn các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng - Ảnh: Getty.<br>
Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong phiên 4/12, khi các nhà đầu tư lo sợ việc FED giảm quy mô hỗ trợ kinh tế sẽ khiến các chỉ số không còn giữ được các mốc cao kỷ lục.

S&P 500 đã tăng liên tục suốt 8 tuần với tổng mức tăng lên tới gần 7%, giúp chỉ số này liên tục lập các mốc cao kỷ lục mới. Sự đi xuống của S&P 500 trong 4 phiên liên tiếp vừa qua, chủ yếu xuất phát từ những quan ngại của nhà đầu tư về động thái sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong việc hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng.

Phần lớn giới phân tích dự đoán FED sẽ tiến hành cắt giảm quy mô chương trình thu mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD mỗi tháng vào tháng 3 năm tới, nhưng các số liệu kinh tế gần đây khiến nhiều người tin rằng động thái này sẽ được đưa ra sớm hơn. Trước đó, FED tuyên bố sẽ tiến hành bước đi này khi các điều kiện kinh tế vững vàng.

Hôm qua, báo cáo việc làm tháng 11 của ADP cho thấy các nhà tuyển dụng khu vực tư nhân đã tạo thêm 215.000 việc làm mới, cao hơn nhiều dự báo. Đây là số liệu lạc quan mới nhất trong loạt báo cáo vài ngày nay về sự khởi sắc ngày một rõ rệt của kinh tế Mỹ. Vấn đề việc làm còn là điều kiện tiên quyết để FED xem xét cắt giảm hỗ trợ.

Theo một số chuyên gia phân tích, những dấu hiệu về sự tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ đang góp phần khiến các nhà đầu tư vững tâm hơn về sự ổn định của thị trường chứng khoán, song điều này cũng gây ra những lo ngại về khả năng nền kinh tế sẽ chịu cú sốc lớn nếu như không còn các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng.

Cũng ngày hôm qua, FED công bố Beige Book cho thấy các doanh nghiệp đang tăng cường tuyển dụng nhân công ở một số khu vực trên đất nước Mỹ trong tháng 10 và đầu tháng 11, và rằng nền kinh tế đang tăng trưởng từ tốc độ chậm sang vừa phải. Các thông tin từ Beige Book càng làm củng cố hơn đồn đoán về động thái sớm từ FED.

Kết thúc phiên giao dịch 4/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 24,85 điểm, tương ứng với mức giảm 0,16%, xuống còn 15.889,77 điểm. Chỉ số Standard & Poor's 500 giảm nhẹ 2,34 điểm, tương ứng với mức giảm 0,13% xuống còn 1.792,81 điểm. Ngược dòng, chỉ số Nasdaq Composite tăng nhẹ được 0,80 điểm, lên mức 4.038 điểm.

Ngoài những báo cáo trên, thị trường hôm qua còn nhận được thông tin cho thấy thâm hụt thương mại tháng 10 của Mỹ đã thu hẹp và doanh số nhà mới tháng 10 tăng mạnh. Tuy nhiên, theo Viện Quản lý nguồn cung, chỉ số dịch vụ tháng 11 đã giảm xuống 53,9% từ mức 55,4% trong tháng 10, thấp hơn dự báo 55% của giới phân tích.

Việc giá dầu thô tại Mỹ tăng mạnh sau khi số liệu do Chính phủ Mỹ công bố cho thấy, lượng cung dầu thô bất ngờ giảm mạnh, đã góp phần giúp giá nhóm cổ phiếu năng lượng đi lên mạnh mẽ trong ngày. Trong đó, đáng chú ý có cổ phiếu của Marathon Oil tăng 1,2% lên 36,66 USD. Cổ phiếu của Hess Corp tăng 1% lên mức 81,98 USD.

Ở chiều giảm, đáng quan tâm nhất có cổ phiếu hãng bán lẻ thời trang Express giảm mạnh 22,7% xuống 19,06 USD, sau khi công ty này dự báo lợi nhuận quý không đạt kỳ vọng do doanh thu đợt lễ Tạ ơn yếu kém. Cổ phiếu hãng công nghệ OmniVision giảm 1,8% xuống 15,69 USD sau khi hãng sản xuất chip dự báo lợi nhuận quý này thấp.

Thị trườngChỉ sốĐóng cửaTăng/giảm (điểm)Tăng/giảm (%)
MỹDow Jones15.889,77-24,85-0,16
S&P 5001.792,81-2,34-0,13
Nasdaq4.038,00+0,80+0,02
AnhFTSE 1006.509,97-22,46-0,34
PhápCAC 404.148,52-23,92-0,57
ĐứcDAX9.140,63-82,77-0,90
Nhật BảnNikkei 22515.407,94-341,72-2,17
Hồng KôngHang Seng23.728,70-181,77-0,76
Trung QuốcShanghai Composite2.251,76+29,09+1,31
Đài LoanTaiwan Weighted8.418,00+25,45+0,30
Hàn QuốcKOSPI Composite1.986,80-22,56-1,12
SingaporeStraits Times3.160,70-26,97-0,85
Nguồn: CNBC, Market Watch.