08:37 19/11/2011

Lo lắng tứ phía, Phố Wall trồi sụt

Dương Lâm

Những lo lắng về nợ công của cả châu Âu và Mỹ đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ phiên cuối tuần tăng giảm trái chiều

Phố Wall tăng giảm trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần.
Phố Wall tăng giảm trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần.
Những lo lắng về nợ công của cả châu Âu và Mỹ đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ phiên cuối tuần tăng giảm trái chiều. Khối lượng giao dịch thưa thớt do nhà đầu tư còn mải chờ đợi các quyết sách từ giới lãnh đạo Mỹ và châu Âu.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 18/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 25,43 điểm, tương ứng 0,22%, lên 11.796,16 điểm. Trong khi, chỉ số S&P 500 hạ 0,48 điểm, tương ứng 0,04% xuống 1.215,65 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 15,49 điểm, tương ứng 0,6%, xuống 2.572,50 điểm.

Tính cả tuần qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,9%, chỉ số S&P 500 bốc hơi 3,8% và chỉ số Nasdaq mất 4%. Đây là tuần giảm điểm mạnh nhất trong hai tháng qua của Phố Wall. Còn xét từ đầu năm tới giờ, Dow Jones tăng 1,89%, còn S&P 500 hạ 3,34%, Nasdaq giảm 3,03%.

Hôm qua, lợi suất trái phiếu chính phủ của Italy và Tây Ban Nha suy yếu sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu mua vào nợ của hai nước này. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi tâm lý lo lắng của giới đầu tư về sự đi xuống của lục địa già do những tác động liên tiếp từ cuộc khủng hoảng nợ.

Trong khi đó, tại Mỹ, nợ công đã chạm mốc 15.000 tỷ USD vào hôm 16/11, trong bối cảnh ủy ban đặc biệt của hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội vẫn còn bế tắc về cách thức cắt giảm chi tiêu khi chỉ còn hơn một tuần nữa là đến thời hạn cuối cùng 23/11.

Nếu ủy ban đặc biệt này không thể đi đến thỏa thuận cuối cùng, Quốc hội có thể phải tự động tiến hành các biện pháp cắt giảm ngân sách mạnh tay vì điều này có thể tác động xấu đến nền kinh tế. Hiện nhà đầu tư mỗi lúc một lo lắng hơn về khả năng ủy ban trên có kịp thời đưa ra thỏa thuận hay không.

Tuy nhiên, các số liệu kinh tế cho thấy mức tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới đang tiếp tục được nâng lên. Theo tổ chức Conference Board, chỉ số đánh giá các hoạt động kinh tế tương lai của Mỹ trong tháng 10 vừa qua đã tăng mạnh hơn so với dự báo trước đó.

Các chuyên gia kinh tế tại JP Morgan Chase cũng dự báo GDP Mỹ quý 3 có thể tăng trưởng 3%, cao hơn dự báo 2,5% đưa ra trước đót. Còn Marcoeconomic Advisers nâng dự báo lên 3,2% từ mức 2,9% ở thời điểm đầu tháng 11, trong khi còn Morgan Stanley nâng dự báo lên mức 3,5%.

Hôm qua, khối lượng chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq chỉ đạt khoảng 6,7 tỷ cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức giao dịch trung bình hàng ngày 8 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Tỷ lệ cổ phiếu tăng/ giảm ở sàn New York và 13/10, còn ở sàn Nasdaq, số mã giảm/ tăng là 1.259/1.226.

Không như thị trường Mỹ, các sàn chứng khoán châu Âu tiếp tục lao dốc khá mạnh trong phiên cuối tuần. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,11% xuống mức 5.362,94 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp hạ 0,44%, xuống còn 2.997,01 điểm. Chỉ số DAX của Đức trượt 0,85% xuống 5.800,24 điểm.

Tương tự, các sàn chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương cũng giảm sâu khi đóng cửa giao dịch ngày 18/11. Thị trường Đài Loan có mức giảm mạnh nhất, với chỉ số Taiex hạ 2,08%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc trượt sâu 2%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm tới 1,89%.

Thị trườngChỉ sốPhiên trướcĐóng cửaTăng/giảm (điểm)Tăng/giảm (%)
MỹDow Jones11.770,7011.796,20Up25,43Up0,22
S&P 5001.216,131.215,65Down0,48Down0,04
Nasdaq2,587,992.572,50Down15,49Down0,60
AnhFTSE 1005.423,145.362,94Down60,20Down1,11
PhápCAC 403.010,292.997,01Down13,28Down0,44
ĐứcDAX5.850,175.800,24Down49,93Down0,85
Nhật BảnNikkei 2258.479,638.374,91Down104,72Down1,23
Hồng KôngHang Seng18.817,5018.491,20Down326,24Down1,73
Trung QuốcShanghai Composite2.463,052.416,56Down46,48Down1,89
Đài LoanTaiwan Weighted7.387,817.233,78Down154,03Down2,08
Hàn QuốcKOSPI Composite1.876,671.839,17Down37,50Down2,00
SingaporeStraits Times2.778,252.730,34Down47,91Down1,72
Nguồn: CNBC, Market Watch.