17:19 04/10/2017

Lo ngại tư duy bao cấp của Đường sắt Việt Nam

BẠCH DƯƠNG

Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh tư duy bao cấp ở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn rất nặng nề

Đường sắt Việt Nam trong năm 2017 có nhiều nỗ lực giảm giá vé và giá cước. 
Đường sắt Việt Nam trong năm 2017 có nhiều nỗ lực giảm giá vé và giá cước. 

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa có báo cáo làm việc tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Cụ thể, Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, VNR đã triển khai nhiều biện pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng như giảm giá bình quân từ 15 - 29%, giá cước hàng hoá giảm 12-15% so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng năm 2017, kết quả kinh doanh của VNR có tăng trưởng nhẹ với doanh thu 3.515 tỷ đồng song vẫn không đạt kế hoạch đề ra. 


Theo kết quả rà soát, từ 1/1/2016 đến 10/8/2017, VNR được Chính phủ giao 55 nhiệm vụ thì hiện đã hoàn thành 55 nhiệm vụ đúng hạn, còn 1 nhiệm vụ chưa hoàn thành. 


Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh những hạn chế, yếu kém của VNR như còn tư tưởng bao cấp, chưa tích cực đổi mới phương pháp quản lý, điều hành, ứng dụng công nghệ mới trong quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt, thị phần của đường sắt đã giảm dần qua các năm, chất lượng lao động, an toàn đường sắt còn nhiều hạn chế. 


“Việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia khai thác, xã hội hoá các dịch vụ hạ tầng, đẩy mạnh khai thác hiệu quả hạ tầng hiện có, công tác cổ phần hoá, thoái vốn…chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành đường sắt”, Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu VNR phải có giải pháp khắc phục và chấn chỉnh kịp thời. 


Trên cơ sở đó, Tổ công tác yêu cầu lãnh đạo VNR phải mạnh dạn thay đổi tư duy, khắc phục triệt để tư tưởng bao cấp, độc quyền của ngành đường sắt, thay đổi mô hình quản trị, tạo đột phá trong kinh doanh, tái cơ cấu theo hướng năng động, hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường, cơ chế tự chủ của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế. 


Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh VNR phải tinh giản bộ máy, thu gọn các đầu mối chi nhánh xí nghiệp theo hướng tinh gọn, thực chất, hiệu quả và chuyên nghiệp. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, máy móc chất lượng cao để kiểm soát chi phí và hạ giá thành, nâng cao cạnh tranh, qua đó góp phần vào tăng trưởng chung của đất nước. 


“Chú trọng đầu tư tạo ra chất lượng dịch vụ tốt, đa dạng các loại hình khác nhau, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng nhằm thu hút khách hàng trở lại với vận tải đường sắt. Đặc biệt, VNR cần kêu gọi đầu tư, huy động vốn xã hội hoá tham gia vào phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, đầu tư kho bãi, phương tiện bốc xếp, kết nối với các sân bay hay cảng biển…”, Tổ công tác yêu cầu. 


Tổ công tác cho rằng VNR cần phải đẩy nhanh hơn nữa việc thoái vốn tại các công ty không cần nắm giữ, đảm bảo thu hồi tối đa giá trị do nhà nước đầu tư, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, đầu tư kém hiệu quả. Các cơ sở nhà đất của tổng công ty phải được sắp xếp đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát tài sản của Nhà nước…


Mới đây, VNR đã có văn bản trình Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án đầu tư, vay vốn tín dụng của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để thực hiện đầu tư các dự án đầu máy, toa xe mới từ nay đến năm 2020.

Theo VNR, đơn vị này đặt mục tiêu đến năm 2021 thay toàn bộ toa xe cũ, đóng toa mới. Đầu tư 100 đầu máy mới bởi hiện nay có những đầu máy chi phí chênh lệch nhiên liệu trong khoảng 5 năm sẽ đủ mua một đầu máy khác. Trong 100 đầu máy này sẽ mua 50 đầu máy và tự đóng mới 50 đầu máy.

Với số vốn hơn 4.600 tỷ đồng, VNR sẽ đầu tư 100 đầu máy mới (2.164 tỷ đồng), 150 toa xe khách (1.674,5 tỷ đồng), 300 toa xe vận chuyển container (270 tỷ đồng) và 500 toa xe có tốc độ chạy dưới 60 km/giờ (550 tỷ đồng).