15:29 25/09/2008

Lo ngân hàng phá sản, người Hồng Kông đổ đi rút tiền

Kiều Oanh

Hàng trăm người Hồng Kông xếp hàng dài trước ngân hàng lớn thứ ba ở đây để rút tiền do những tin đồn xấu

Khách hàng xếp hàng trước một chi nhánh của BEA để rút tiền ngày 24/9 - Ảnh: AFP.
Khách hàng xếp hàng trước một chi nhánh của BEA để rút tiền ngày 24/9 - Ảnh: AFP.
Hàng trăm người dân Hồng Kông hôm qua đã xếp hàng dài trước Ngân hàng Bank of East Asia (BAE) để rút tiền do những tin đồn xấu về khả năng thanh khoản của ngân hàng này.

Đây là lần rút tiền gửi ồ ạt ở nền kinh tế này kể từ khủng hoảng tài chính 1997 tới nay.

Việc người dân Hồng Kông đổ đi rút tiền ở BEA là một dấu hiệu cho thấy, nỗi lo ngại về sự lan rộng của khủng hoảng tài chính Phố Wall sang khu vực châu Á đã tăng cao. Tuy nhiên, các khách hàng của BEA đã sớm được trấn an bởi sự hỗ trợ từ phía hính quyền, các nhà hoạch định chính sách và cả tỷ phú giàu nhất Hồng Kông.

Lo sợ sau vụ Lehman

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồng Kông John Tsang cho rằng, những tin đồn xấu về BEA là “vô căn cứ” và ngân hàng này có đủ vốn để phục vụ khách hàng. Ông Josph Yam, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Hồng Kông đề nghị khách hàng của BEA bình tĩnh và tiến hành bơm 500 triệu USD vào hệ thống ngân hàng của Hồng Kông trong sáng nay. Chủ tịch Li Ka-shing của tập đoàn Cheung Kong - người giàu nhất Hồng Kông hiện nay, tiến hành mua vào cổ phiếu của ngân hàng này.

Kết quả, tới cuối giờ trưa nay, dòng người tới rút tiền tại chi nhánh của BAE trên đường Des Voeux của Hồng Kông đã không còn. Cổ phiếu của BEA cũng tăng giá trở lại trong phiên giao dịch hôm nay, sau khi đã sụt giá tới 11% trong ngày hôm qua. Có lịch sử 90 năm, hiện BAE là ngân hàng lớn thứ 3 ở Hồng Kông và có tài sản 51 tỷ USD.

Trong ngày hôm nay, các chi nhánh và trụ sở của BAE vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên, họ từ chối cung cấp thông tin là khách hàng đã rút bao nhiêu tiền. Cảnh sát Hồng Kông sẽ sớm vào cuộc để tìm ra kẻ phát tán tin đồn.

Tuần trước, nhiều khách hàng bảo hiểm của tập đoàn AIG ở Hồng Kông và Singapore cũng đổ đi rút tiền do lo ngại tình hình tài chính của tập đoàn này, sau khi có những diễn biến xấu liên tục xảy ra ở Phố Wall, đặc biệt là vụ phá sản của Lehman Brothers.

Vụ phá sản của Lehman là một chủ đề rất nhạy cảm ở Hồng Kông. Các quỹ tương hỗ không phổ biến ở nền kinh tế này, một phần do phí quản lý rất cao. Do đó, các nhà đầu tư cá nhân thường mua các loại trái phiếu doanh nghiệp có mệnh giá nhỏ trực tiếp từ các ngân hàng hay các công ty môi giới chứng khoán.

Hơn 10.000 người Hồng Kông đã mất tiền vi mua các loại trái phiếu "mini" của Lehman. Tính ra, người Hồng Kông đã mua tới 1,6 tỷ USD trái phiếu loại này của tập đoàn này. Hiện Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Kỳ hạn của Hồng Kông đang điều tra xem liệu người mua có được cảnh báo rủi ro hay không và liệu các trái phiếu này có được bảo hiểm tiền gửi hay không.

Hồng Kông mới chỉ áp dụng chế độ bảo hiểm tiền gửi từ 2 năm trước, theo đó, mỗi tài khoản tiền gửi được bảo hiểm tối đa là 100.000 đôla Hồng Kông. Chính quyền Hồng Kông hiện đang cân nhắc việc tăng mức trần bảo hiểm này lên 200.000 đôla Hồng Kông. Tuy nhiên, các khách hàng gửi tiền ở BEA không mấy tin vào hệ thống bảo hiểm còn non trẻ này và liên tục nhắc lại sự sụp đổ của Lehman.

Trong lúc xếp hàng bên ngoài ngân hàng này để rút tiền ngày hôm qua, một số người cho biết, sau vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Phố Wall Lehman Brothers, họ không còn tin vào tổ chức tài chính nào nữa. Ann Chan, một nữ y tá tự do, nói: “Một tập đoàn lớn như Lehman còn có thể phá sản nên chúng tôi rất lo sợ”.

Hôm qua, sau khi có hiện tượng người dân ồ ạt tới rút tiền, BEA tuyên bố, số nợ của Lehman Brothers mà ngân hàng này nắm giữ chỉ là 54 triệu USD, còn lượng nợ của AIG do họ nắm giữ chỉ là 6,4 triệu USD.

Sự nghi ngờ đối với BEA tăng lên khi tuần trước, S&P và Moody’s cùng đánh tụt hạng triển vọng tín nhiệm của BEA từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực” sau khi ngân hàng này buộc phải điều chỉnh lại báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay do có sự sai lệch. Tuy nhiên, S&P nhận định, họ tin rằng tình trạng tài chính nói chung của BEA là ổn.

Kể từ khi Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông được thành lập năm 1993 tới nay, Hồng Kông chưa có vụ ngân hàng phá sản nào, mặc dù nền kinh tế này đã từng chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Năm 1991, sau sự sụp đổ của ngân hàng BCCI Group, người dân Hồng Kông cũng ồ ạt đi rút tiền gửi tại các chi nhánh của Standard Chartered và Citigroup. Vào thập niên 1980, một ngân hàng nhỏ phá sản cũng khiến khách hàng rút tiền mạnh khỏi các ngân hàng khác.

Cuộc khủng hoảng ngân hàng 1965 ở Hồng Kông đã buộc chính quyền phải hỗ trợ Ngân hàng HSBC mua lại Ngân hàng Hang Seng với giá 51 triệu đôla Hồng Kông. Hiện HSBC vẫn nắm giữ 62% cổ phần của ngân hàng có giá trị thị trường 36,5 tỷ USD này.

Lần người Hồng Kông đổ xô đi rút tiền gửi ngân hàng gần đây nhất là vào năm 1997, xảy ra đối với Ngân hàng International Bank of Asia.

Châu Á an toàn tới đâu?

Cuộc khủng hoảng tài chính 1997 đã khiến kinh tế khu vực châu Á thụt lùi nhiều năm và không ít gia đình ở châu lục này đã mất sạch tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, theo giới phân tích - ngoài một số ít ngoại lệ như Nga, Ấn Độ và một số ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc đại lục - hệ thống tài chính của hầu hết các nền kinh tế đang nổi lên hiện đang ở trạng thái tốt để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tới lúc này hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy châu Á sẽ phải đối mặt với sự rút vốn ồ ạt, đồng tiền sụt giá mạnh và những vụ phá sản lan rộng trong ngành ngân hàng như đợt khủng hoảng 1997, mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp phá sản và ngân hàng vỡ nợ vẫn có thể tăng lên do kinh tế khu vực cùng giảm tốc với các nền kinh tế khác trên thế giới.

Theo các nhà phân tích, vấn đề nghiêm trọng hơn đối với châu Á là những vấn đề dài hạn, thay vì những vấn đề ngắn hạn như ảnh hưởng trực tiếp từ khủng hoảng tài chính leo thang ở Phố Wall.

Xếp hạng tính dụng đối với 6 ngân hàng và 6 hãng bảo hiểm ở châu Á đã bị Standard & Poor’s đánh tụt từ mức “tích cực” xuống còn “ổn định” vào cuối tuần trước. Điều này cho thấy, triển vọng ngắn hạn đối với các tổ chức tài chính châu Á không đáng lo ngại vì các tổ chức này không có liên quan gì nhiều tới các loại chứng khoán địa ốc của Mỹ hay Lehman Brothers. Thay vào đó, đáng lo hơn là những vấn đề dài hạn, nhất là khả năng suy giảm tốc độ tăng trưởng của những nền kinh tế châu Á phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Phân tích của tập đoàn tài chính ING của Hà Lan cho thấy, trong tổng số 631,5 tỷ USD dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các thị trường đang nổi lên, chỉ có 81 tỷ USD trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm tới. Còn trong tổng số 525,3 tỷ USD dư nợ trái phiếu Chính phủ của các thị trường này, chỉ có 30 tỷ USD đáo hạn vào năm 2009.

Trong số các chính phủ châu Á, chính phủ Trung Quốc sẽ trả nhiều lãi trái phiếu nhất trong quý 4 năm nay, với số tiền 1,6 tỷ USD. Trong khi đó, tiền lãi từ dự trữ ngoại hối 1.800 tỷ USD của nước này mỗi quý lên tới 13 - 18 tỷ USD. Các nước khác cũng có dự trữ ngoại hối khá dồi dào, như Hàn Quốc có 101 tỷ USD, Ấn Độ có 295 tỷ USD, Nga có 581 tỷ USD.

Theo giới quan sát, tình hình có thể đáng lo ngại đôi chút ở Nga, Hàn Quốc và Ấn Độ. Với Nga, lý do cho sự lo ngại này là cuộc chiến ở Gruzia đã khiến nước này hao tiền tốn của nhiều, và thái độ cứng rắn của Chính phủ Nga đối với giới doanh nghiệp cũng đang khiến giới đầu tư nước ngoài e dè. Hàn Quốc và Ấn Độ thì phụ thuộc nhiều vào nợ nước ngoài.

(Theo New York Times, Bloomberg)