11:15 19/04/2007

Loay hoay lao động khu công nghiệp - khu chế xuất

Dũng Hiếu

Các cơ sở đào tạo nghề chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu lao động của các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Tp.HCM

Người lao động sẵn sàng bỏ việc nếu được nhà tuyển dụng khác trả lương cao hơn.
Người lao động sẵn sàng bỏ việc nếu được nhà tuyển dụng khác trả lương cao hơn.
Khảo sát 16 doanh nghiệp và 16 trường tại Tp.HCM cho thấy, hầu hết lao động khi mới tuyển dụng đều không đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Đa số doanh nghiệp phải tuyển lao động phổ thông rồi đào tạo nghiệp vụ trong quá trình làm việc.

Trong khi các doanh nghiệp đều trong tình trạng thiếu lao động, đặc biệt 1/3 lao động có trình độ cao ở các khu công nghiệp, khu chế xuất sẵn sàng rời bỏ công việc nếu tìm được nơi làm việc có thu nhập cao và điều kiện tốt hơn.

Đây là kết quả khảo sát do dự án “Cải thiện mô hình tư vấn và giới thiệu việc làm của HEPZA” đưa ra . Dự án do Tập đoàn BBJ Servis bGmbH (Đức) thực hiện với sự tài trợ 50.000 Euro của Liên hiệp châu Âu.

Dự án đã chọn 16 trường đại học, cao đẳng và dạy nghề và 16 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc các khu công nghiệp, khu chế xuất của Tp.HCM để khảo sát về nhu cầu năng lực và chất lượng đào tạo cũng như nhu cầu tuyển dụng, chiến lược và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai; giữa nhu cầu của các nhà tuyển dụng lao động và các trường nghề, các đơn vị môi giới lao động có tiếp cận với nhau hay không?

Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy các trường nghề có yêu cầu cao cho việc thay đổi chương trình giảng dạy, nhưng không có khái niệm một cách hệ thống về chỗ thực tập; không có sự tiếp cận một cách có hệ thống để học viên được tuyển dụng; có ít mối quan hệ với Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất Tp.HCM (HEPZA). Trong khi đódoanh nghiệp không có vị trí cho thực tập sinh; không có mối quan hệ trực tiếp với cơ sở đào tạo...

Tp.HCM hiện có 15 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, thu hút 220.000 lao động. Dự kiến đến năm 2010, các khu công nghiệp, khu chế xuất cần khoảng 500.000 lao động, tập trung các ngành như cơ khí, dệt may, mộc, bao bì, điện tử, cao su, nhựa, thực phẩm...

Trong khi đó, hiện nay, cơ sở đào tạo nghề chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu, còn lại các doanh nghiệp tự xoay xở tìm nguồn lao động. Theo Công ty Nidec Tosok, rất khó khăn trong việc tuyển lao động lành nghề, lao động quản lý, doanh nghiệp đều tự tổ chức đào tạo tại chỗ thông qua nâng cao tay nghề, đưa công nhân đi đào tạo ở nước ngoài...

Tuy nhiên phía các trường đào tạo lại cho rằng, họ không khó khăn gì trong đào tạo nguồn lao động có tay nghề. Theo ông Nguyễn Văn Ngoan, trường Đại học Tôn Đức Thắng, khó khăn hiện nay của các trường nghề là không thể tiếp cận và mù mờ thông tin từ doanh nghiệp nên không nắm được nhu cầu. Để thu hút người học nghề, nhiều trường nghề luôn cải tiến, thay đổi công nghệ, cố chạy theo yêu cầu doanh nghiệp... nhưng vẫn bị chê chất lượng lao động không đáp ứng.

Cũng theo ông Ngoan, trường đã từng gửi phiếu khảo sát nhu cầu lao động để bàn kế hoạch hợp tác đào tạo xuống tận doanh nghiệp, nhưng không hề nhận được hồi âm. Do vậy, các trường đào tạo cũng chỉ ước lượng và đào tạo theo những ngành nghề truyền thống.

Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng dạy nghề Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp.HCM, cả doanh nghiệp và trường dạy nghề đều thụ động trong việc chia sẻ thông tin, hợp tác đào tạo. Nhà trường thì chưa năng động, còn doanh nghiệp thì thiếu chiến lược về nguồn nhân lực cho mình. Chính vì thế, việc thiếu – thừa lao động trong thời gian qua đã gây nên tình trạng mất cân bằng về cung cầu lao động .

Theo dự báo của Phòng đào tạo, thông tin thị trường lao động thuộc Trung tâm Giới thiệu việc làm Tp.HCM (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp.HCM), trong thời gian tới sẽ có sự chuyển dịch lao động lớn.

Theo đó, sẽ cần loại lao có trình độ kỹ thuật cao và những lao động phổ thông có tay nghề. Xu hướng xã hội đang cần những lao động kết hợp kỹ thuật và quản lý, có trình độ ngoại ngữ, có kỹ năng tổ chức công việc. Các trường cũng phải tiếp thị, tiếp cận các doanh nghiệp những sản phẩm mà mình hiện đang đào tạo; khảo sát, nắm bắt tình hình thị trường lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp đang có hướng tuyển dụng những ngành nghề gì để có kế hoạch và chiến lược đào tạo cho hiệu quả.

Ngoài ra, các trường cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm có chất lượng và phải gắn kết với các doanh nghiệp để phối hợp có hiệu quả giữa nhà tuyển dụng và nhà đào tạo. Thời gian qua, Sở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đã thí điểm cho một số trường nghề đào tạo theo địa chỉ, theo đơn hàng của trung tâm giới thiệu việc làm để đáp ứng được yêu cầu hiện tại.

Tuy nhiên, doanh nghiệp và trường nghề phải xác định là “khách hàng”, là “đối tác” của nhau. Chỉ có vậy, sản phẩm đào tạo (người học) mới được “tiêu thụ”. Nếu thực hiện tốt mối liên hệ này, mới giải quyết được bài toán nhân lực cho doanh nghiệp nói chung và các khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng.